Không sợ nuốt chửng, nếu biết liên kết

31/01/2018 - 11:02

PNO - Doanh nghiệp làm gì khi năm 2018 mở ra những thách thức gay gắt, mà con đường để giành thắng lợi trên thương trường chỉ gói gọn một chữ: chất lượng!

Chiếm lĩnh sân nhà, thắng ở xứ người, thắng ngay chỗ tưởng chừng lâu nay chỉ giành cho người buôn bán nhỏ mà không làm mất đi chỗ ngồi của họ... Cuộc đua đã bắt đầu. 

Công nghệ, chiến thuật, tất cả những gì có thể để tên tuổi họ soán chỗ trong niềm tin của người tiêu dùng, đang khiến các nhà “cầm quân” vận dụng hết cỡ. Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ, họ sẽ gặp thất bại nếu câu chuyện liên kết trong nước hay tháo gỡ cơ chế từ chính phủ không được nhận thức và giải quyết triệt để. Một kiềng ba chân đang hình thành. Chưa nói được điều gì, nhưng con đường đi của họ, đã le lói những tín hiệu vui...

Theo tờ The Straits Times, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, trong năm 2018, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn năm 2017 và đây là năm mà kinh tế thế giới tăng trưởng đạt đỉnh trong 7 năm trở lại đây. Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - về việc Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội này ra sao.

Khong so nuot chung, neu biet lien ket
 

Theo ông, Việt Nam nên có một kế hoạch phát triển kinh tế như thế nào trong năm 2018?
- PGS-TS Trần Đình Thiên: Cần phải nói ngay rằng, khái niệm “kế hoạch” theo nghĩa “có sẵn rồi cứ thế mà làm” đã không còn hợp thời. Trong bối cảnh này, đòi hỏi đầu tiên là linh hoạt hơn, linh hoạt dựa trên nền tảng thị trường, theo nghĩa tăng khả năng thay đổi, dự đoán, đáp ứng xu hướng. 

Trên cơ sở này, nhà nước có những cải cách mạnh ở tầm vĩ mô. Cụ thể, nhà nước đẩy mạnh tháo gỡ những trói buộc cho doanh nghiệp (DN), giảm bớt phụ thuộc, tái cơ cấu khu vực ngân hàng, DN nhà nước. 

* Đối với DN tư nhân, theo ông, từng DN nên chủ động như thế nào để nắm bắt được cơ hội trong nước lẫn trên thương trường thế giới trong năm 2018?  
- Đòi hỏi cấp thiết là phải gia tăng sự liên kết giữa các DN tư nhân, đặc biệt là các DN sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, những DN có tiềm lực về vốn. Việc tăng cường liên kết này sẽ hình thành nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng cũng như khối lượng, DN sản xuất chiếm được thế chủ động, đảm bảo sản xuất, giảm chi phí đầu vào và tăng thế cạnh tranh. 

* Trong năm 2017, đã hình thành sự liên kết, các công ty lớn mua lại công ty nhỏ, nhưng vẫn có những lo ngại rằng liên kết có thể dẫn đến bị “nuốt chửng”. Vậy, sự liên kết này có thật sự là yêu cầu bức thiết trong thời điểm này? 
- Phần lớn DN tư nhân Việt Nam là DN nhỏ và vừa, nhưng thực chất là nhỏ và yếu. Yếu vì trình độ, tiềm lực tài chính kém. Để nắm bắt cơ hội “7 năm mới có một lần” này, không một phép mầu nào khiến một DN lập tức lớn lên, mà chính các DN phải tạo ra thế vươn lên của cả một cộng đồng bằng cách hình thành một hệ thống kết nối DN nhỏ, vừa và DN lớn. Đây là yếu tố quan trọng bậc nhất. 

Chúng ta nên thay đổi quan điểm liên kết thì DN bị “nuốt chửng”. Thế giới có khái niệm mua bán và hợp nhất, đây là quá trình tự nhiên trên thị trường. Nếu cứ nghĩ liên kết sẽ khiến một trong các bên bị “nuốt chửng” thì không ai dám liên kết. 

Nhưng nếu DN bị “nuốt chửng” thì cũng nên chấp nhận, bởi nếu anh không sống được thì để bị “nuốt chửng” có khi còn tốt hơn. Thị trường phải có cả DN to và DN nhỏ. Chỉ khi nào thị trường chỉ có toàn DN nhỏ thì mới có hiện tượng chẳng ai nuốt được ai. Mà nếu như thế thì DN Việt Nam cứ bé mãi. Lúc này, muốn có DN, tập đoàn lớn thì nhà nước phải hỗ trợ. 

Trong một môi trường kinh doanh “méo mó”, sự hỗ trợ này đồng nghĩa với việc DN nào giỏi “đi đêm” thì lớn nhanh và ngược lại, muốn lớn nhanh thì phải “hư hỏng”. Nhà nước cần phải tạo ra một môi trường kinh doanh để không có đất cho những “trò đi đêm”. DN lớn lên bằng năng lực thật sự, bằng sự liên kết như tôi vừa nói. 

* Rất nhiều DN tư nhân lớn cũng lo rằng khó phát triển bền vững tại Việt Nam và nhiều người chọn ra nước ngoài đầu tư?
- Vì vậy, Nhà nước phải tạo môi trường cho năng lực phát triển. Năm nay sẽ là năm đặc biệt tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân, tạo một môi trường lành mạnh, không “móc ngoặc”, hối lộ. Chính phủ cũng đã đặt ra yêu cầu khởi nghiệp. 

Đây là định hướng cực kỳ tốt. Nhưng khởi nghiệp phải chú ý hai vế: quản trị và có nền tảng công nghệ, trình độ cao. Muốn làm như vậy, Việt Nam phải có môi trường, không gian, thể chế phù hợp. Không chỉ dừng ở việc tháo gỡ khó khăn mà Chính phủ còn phải công khai, minh bạch từ định hướng phát triển, chính sách tiền tệ, thông tin về đầu tư, thậm chí thông tin về điều tra dư luận xã hội cho đến thông tin quy hoạch. 

Cuối năm 2017, việc hình thành các đặc khu kinh tế là sự kiện trọng điểm của kinh tế Việt Nam, nhưng các đặc khu này vẫn nghiêng về phía ưu đãi. Năm 2018, Chính phủ cần chú trọng tạo một môi trường kinh doanh tốt thì DN lớn sẽ “nhảy vào” kéo DN nhỏ và vừa để cùng yên tâm lớn lên.  

* Với việc Trung Quốc giảm nhiệt hoạt động xuất khẩu cộng với thị trường các nước đang ở thế mở, các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, năm nay là cơ hội cho những nước muốn phát triển thị trường xuất khẩu. DN Việt Nam sẽ thích ứng linh hoạt ra sao, thưa ông?
- Năm 2017, tỷ lệ xuất khẩu rau quả chất lượng cao đã mạnh hơn lúa gạo, Thủ tướng cũng chủ trương thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản (tôm, cá) và tỷ lệ xuất khẩu ở các ngành này cũng tăng trưởng tốt. 

Đây là những lĩnh vực mà tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn. DN Việt Nam nên đi theo xu hướng này, xuất khẩu dựa trên lợi thế và gắn với những sản phẩm có giá trị cao.

Về thị trường xuất khẩu, Việt Nam có quyết tâm xuất khẩu rất mạnh, hướng đến những thị trường như  EU và các nước ký kết hiệp định thương mại tự do, CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). 

Đây là những thị trường lớn, chất lượng cao, nên DN phải chuẩn bị năng lực lâu dài. DN Việt Nam cần định hướng lại rõ ràng để xây dựng chiến lược, đẳng cấp, giá trị gia tăng, không chạy theo số lượng như trước đây.
* Xin cảm ơn ông! 

Thủy Nguyên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI