Không sao đâu em…

04/12/2023 - 06:12

PNO - Tôi không cho rằng có người tốt và người xấu trong một cuộc hôn nhân. Chỉ là người này có yêu thương phù hợp với người kia hay không.

Chị ngồi ghé lên mép ghế, dáo dác chờ được gọi tên để vào khám. Chị than đau tay nhức chân, mỏi lưng, khó thở. Ngồi với chị, tôi không sao ngăn được ý nghĩ: chồng chị sao không đi cùng chị? Nhìn ánh mắt tôi, có lẽ chị cũng đoán được phần nào, nên giả lả: “Chị đi được, đi một mình cho thong thả. Với lại anh bận…”. Tôi lặng thinh.

Đời người, ai cũng có câu chuyện của riêng mình, chỉ là có người kể ra, có người không mà thôi. Càng nhiều tuổi, càng trải nghiệm nhiều, người ta tự biết chọn người để chia sẻ, nhất là những nỗi buồn lo, bất an, bệnh tật… Thử hỏi người chồng người vợ ở cạnh nhau hơn nửa số tuổi đời, nếu ta không thể nắm tay, không thể chia sẻ được, liệu có thể vơi nỗi lòng, có thể mưu cầu bình an nơi đâu?

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Càng ngẫm tôi càng thương mến cách gọi “bạn đời” sâu sắc của ông bà mình ngày xưa. Là bạn, nghĩa là không có khái niệm đẹp - xấu, giàu - nghèo. Là bạn, nghĩa là không có khái niệm thời gian mới hay cũ. Suốt cuộc đời, dù đẹp xấu hay giàu nghèo, bạn đời luôn cạnh nhau, nhất là trong lúc chông chênh sợ sệt hay buồn bã thất vọng nhất.

Bước qua tuổi 50, như chiếc xe chạy đã lâu, ai cũng có ít nhiều vấn đề sức khỏe. Ai cũng bắt đầu thấy hình khối cụ thể của vòng tuần hoàn sinh - tử. Và ai cũng nghe nỗi sợ, nỗi lo âm ỉ theo từng cơn nhức mỏi của cơ thể. Đi thăm khám, sợ chứ! Nếu bên cạnh có một người thương quen, đi cùng, ngồi cùng, cầm kết quả khám trong tay, nghe mấy tiếng “Không sao đâu em/anh”, có lẽ âu lo cũng vơi đi nhiều.

Với đại đa số chúng ta, hôn nhân là cuộc đầu tư lớn nhất đời mình. Kể cả cha mẹ, con cái cũng đâu bên cạnh, gắn kết với chúng ta nhiều như chồng/vợ. Đầu tư tình yêu, tình thương, thời gian, tiền bạc vào mối quan hệ ấy, nói một cách công bằng thì cũng cần biết xem khi nào nhận lại, cũng cần tỉnh táo xem mình đã đầu tư đúng hay chưa. Tôi không nghĩ đó là sự tính toán, chỉ đơn giản là hiểu biết. Nếu không tìm được đôi bàn tay ủ ấm cho mình thì ta phải tự lấy tay này mà ủ ấm tay kia.

Chị có hơn 25 năm trong cuộc hôn nhân của mình. Cuộc hôn nhân hoàn toàn khởi nguồn từ tình yêu và sự tự nguyện cam kết với nhau. 25 năm là khoảng thời gian quá dài, quá đủ để chính chị nhận ra mình có hay không có gì trong lòng người kia. 25 năm cũng là quá đủ để chị tập cho đôi tay mình đủ mạnh, để trong những lúc như thế này có thể tự nắm tay mình.

Tôi không cho rằng có người tốt và người xấu trong một cuộc hôn nhân. Chỉ là người này có yêu thương phù hợp với người kia hay không. Mà đã là yêu thương và phù hợp với nhau thì đó là chuyện của riêng 2 người ấy. Rời bỏ hay ở lại một cuộc hôn nhân, người ngoài, thiết nghĩ không nên có lời khen hay chê.

Nếu có, chỉ là sự tiếc nuối và ngậm ngùi cho những đứa trẻ. Thế nhưng, ngay cả về phần đứa trẻ, người lớn cũng đã hơi lo xa. Thay vì lo cho con, hãy lo cho chính mình. Ở lại với nhau hay không thì ba mẹ vẫn là ba mẹ con, không thay đổi. Nếu ba mẹ vui vẻ hạnh phúc, hành xử văn minh thì đừng lo cho các con. Các con sẽ ổn hơn rất nhiều so với việc sống có ba có mẹ, có gia đình mà con không nhận ra tình yêu, sự biết ơn, trân trọng nhau, vui vẻ.

Chị cầm những tờ giấy siêu âm, X-quang, tay run lẩy bẩy, mặt méo xệch. Tôi bảo chị ngồi xuống để bình tĩnh. Tự nhiên, tôi mong chị có chồng bên cạnh, để nói với nhau về lời chẩn đoán, dặn dò của bác sĩ, rồi líu ríu lo lắng cùng nhau, rồi thở dài an ủi, rồi anh xách giỏ cho chị… Chị gọi điện, nghe giọng chị, biết đầu máy bên kia là ông chồng. Nhìn gương mặt trở lại an yên của chị, tôi chắc rằng chồng chị sẽ đến ngay - “Không sao đâu em” và cả hai cùng về trong cái nắng hanh hao cuối ngày. 

Triệu Vẽ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI