Nét chữ ngả nghiêng vì vội, chị mở đầu: “Con yêu của mẹ, những ngày qua con đã lớn thêm rất nhiều”, tạm dừng bút, chị nhìn ra cửa sổ, dòng người thưa hơn, như nỗi nhớ ngắt đoạn mỗi lúc chị chăm sóc người cách ly tại đây.
|
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi hiếm hoi, chị Trân viết cho con gái đôi dòng tâm sự |
Nếu COVID-19 không ghé qua, mẹ và con đã nằm ôm nhau ngủ
Trước khi dịch bệnh COVID-19 ghé qua Việt Nam, chị Trân cũng tất bật với công việc điều dưỡng của mình, vẫn chăm sóc bệnh nhân, trực đêm, lễ tết có khi cũng không về nhà. Mỗi sáng, chị được đánh thức con bằng những nụ hôn, được vỗ mông khi bé nũng nịu đòi ngủ thêm chút nữa, được chìa hai ngón trỏ để con gái bé bỏng giận dỗi đu vào cho mẹ bế đi rửa mặt. Hai mẹ con ríu rít, thắt tóc, chọn đồ, ăn sáng rồi chở nhau đi học, đi làm.
16g30, hết giờ làm, chị vội vã đón con tan học. Cô nhóc bé bỏng thấy mẹ ở cổng trường, vừa chạy vừa cười tít mắt, ngồi phía trước xe hát bài hát mới được cô giáo dạy. Chốc chốc con quên lời, chị cũng hát theo. Cả ngày làm việc mệt nhọc tan biến theo tiếng hát ngọng nghịu của con. Chị ghé chợ, mua ít đồ ăn, loại trái cây con thích.
“Có đứa con gái sướng lắm, cứ theo chân mẹ vào bếp, giành lặt rau, giành đong gạo, rồi mẹ lại dọn dẹp thêm khi làm thì ít mà quậy lại nhiều. Nhà luôn rộn ràng tiếng nói của bé, nhõng nhẽo lắm, điệu nữa, cứ đòi mẹ thắt tóc, đòi trang điểm, mới đi học về đã mở tủ đồ cùng mẹ chọn cho ngày mai”, chị Trân cười.
Bé con của chị Trân luôn thích được nằm trên tay mẹ, kể cho mẹ nghe bạn Sương cho con cục kẹo, bạn Hoài hay ghẹo con, con thì thích chơi với bạn Sơn… Kể chán, bé lại đòi mẹ đọc truyện, những truyện đã thuộc nằm lòng. Mẹ buồn ngủ quá, kể “ăn gian” là bé biết liền: “Không, không phải vậy, để con kể cho mẹ nghe”. Bé dụi đầu vào ngực mẹ, ngọng líu ngọng lo kể không sót chi tiết nào. Cứ hết câu chuyện này, bé lại qua câu chuyện khác, vỗ vỗ đánh thức khi mẹ ngủ quên.
Với chị Trân, chỉ cần như vậy đã không còn âu lo, bé ngáp dài, ngủ quên mà miệng vẫn mẹ, mẹ. Hôn lên trán con, chị ôm con kết thúc một ngày dài.
Cứ như thế nhiều năm nay, con gái có khi quấy khóc, có lúc hờn giận mẹ không ngủ cùng trong những ngày chị trực đêm, có khi lễ tết quá đông bệnh nhân chị cũng chẳng kịp về nhà. Thế nhưng nhiều lắm chị cũng chỉ “bỏ con” một hai ngày. Còn đợt dịch COVID-19 này, chị xa con đã gần ba tháng. Ba tháng không dám gần con, ba tháng chỉ thủ thỉ qua điện thoại, ba tháng để bé… trưởng thành.
|
Nhân viên y tế nhận cơm, mang lên cho những người đang cách ly |
Hãy nhường mẹ cho mọi người, con nhé!
Nhớ lại những ngày trước tết Nguyên đán, khi nghe TP.HCM đã có người dương tính với COVID-19, mặc dù nơi phát hiện cách xa nơi làm việc, chị Trân vẫn chuẩn bị tâm lý cho con, đứa bé ngây ngô phải làm quen với từ dịch bệnh, vi-rút corona… mẹ sẽ ít về hơn, mẹ không ôm con như trước, con gái sẽ lớn hơn, không còn được nhõng nhẽo mỗi sáng, không để mẹ đút những muỗng cơm cuối cùng trong chén. Bé tròn xoe mắt, hỏi vài câu hỏi ngây ngô nhưng ánh mắt ấy như nói rằng bé biết mẹ sẽ trực nhiều hơn bởi các cô chú bệnh rồi.
Từ sau tết Nguyên đán, chị Trân tập cho con quen dần sự vắng mặt của mẹ, bớt đi tiếng thủ thỉ, những cái ôm giảm dần, thay vì mẹ ở bên, cha và mọi người sẽ thương con nhiều hơn, sẽ thay mẹ chăm con mỗi sáng. Chị ghi thêm vào nhật ký: “nếu không có COVID-19, mẹ sẽ dành cho con, còn bây giờ, con hãy nhường mẹ cho mọi người con nhé”. Cất tạm quyển sổ, chị nói từ trước khi có ca dương tính với COVID-19, chị đã tự cách ly.
Nghĩa là, chị về nhà muộn hơn so với giờ cơm, con gái hiểu chuyện, nhìn mẹ cười, múa hát cho mẹ nghe ở bán kính 2m. Chị tắm rửa, ăn cơm một mình, rồi lấy mền gối, lẳng lặng vào phòng riêng. Con gái đứng bên ngoài, nói vọng vào: “Mẹ ơi, điện thoại”.
Chị ngồi bên trong, bé ngồi bên ngoài, cười với nhau qua màn hình. Nhìn ra phía cửa, chị thấy bé ngồi tựa lưng, hát cho mẹ nghe. Nghe mẹ hát theo, bé cười khoái chí lắm, cánh cửa gỗ không ngăn nổi tiếng hát của hai mẹ con.
“Con gái đã lớn thật rồi, ít nhõng nhẽo hơn, biết quan tâm hơn, luôn hỏi mẹ có mệt không, cô chú trong bệnh viện có ốm nữa không, còn kêu mẹ đừng có buồn, con vẫn thương mẹ. Hỏi ra mới biết, khi tôi đi làm, bé nhớ đòi mẹ, người nhà đã nói với bé, nếu con thương mẹ thì đừng khóc, để mẹ yên tâm đi lo cho cô chú đang cần”, chị Trân mỉm cười.
Theo chị Trân, làm ở khu cách ly hay ở bệnh viện cũng như nhau, đều là chăm sóc mọi người, khác một chút ở bên trong khu cách ly mọi người cẩn thận hơn, tránh để bệnh lây sang mình hoặc lây nhiễm chéo cho những người khác.
|
Ngoài tư vấn, theo dõi sức khỏe người cách ly, bác sĩ sẽ thăm khám và điều trị những bệnh lý khác cho người dân ở khu cách ly |
Ngoài công việc của một điều dưỡng như kiểm tra hồ sơ, thực hiện y lệnh của bác sĩ, canh nước truyền, phát thuốc cho bệnh nhân, chị chỉ cần dọn dẹp nơi làm sạch sẽ hơn, vệ sinh bàn ăn cho người cách ly, phát khẩu trang, nước rửa tay, đo thân nhiệt, lên thực đơn, mang cơm nước… cho mọi người.
Chị Trân lạc quan: “Có những khoảnh khắc tôi cũng tự trách bản thân chứ, là một người vợ, người mẹ mà thời điểm này tôi như người độc thân. Bởi người phụ nữ đi làm về nhà không được chăm sóc gia đình, không được chăm con thì thấy hơi tủi thân nhưng từ bỏ thì không.
Mấy chục ngàn nhân viên y tế cả nước đang miệt mài chống dịch, nếu lúc này tôi được ở nhà thì làm sao yên. Ai cũng hết lòng, dịch sẽ qua nhanh, chỉ là lúc này chúng tôi cách ly với gia đình một chút”.
“Một chút” của chị Trân và các nhân viên y tế, đó là thay vì 16g30 hằng ngày hết giờ làm việc, các chị về nhà nhưng bây giờ ai cũng ráng, cũng nán lại với công việc, với bệnh nhân và về trễ hơn, khi người thân đã ăn cơm xong, con chuẩn bị vào phòng ngủ. Sáng hôm sau, hé cửa nhìn con còn ngủ say, các chị lại lên đường đi chống dịch. Các chị không còn được vội vã đi chợ mua đồ ăn, chăm sóc con, việc nhà… nhường hết cho người thân.
Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, số ca bệnh lần lượt tăng lên, chị Trân cùng các nhân viên y tế khác đã lên phương án hai. Mọi người đi tìm thuê nhà riêng ở tập trung chứ không về nhà nữa.
|
Nhân viên y tế nhận cơm, mang lên các tầng lầu cho những người đang cách ly |
“Cũng có những khoảnh khắc tôi mông lung nghĩ đến một điều gì đó mà bản thân không xác định được, giận bản thân đôi chút nhưng thương nghề không bỏ được đâu. Những giai đoạn thế này, tôi rất cám ơn người nhà, vì yêu thương tôi, yêu thương cả cái nghề mà tôi đã chọn. Không chỉ riêng tôi, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, lao công và cả đội ngũ trực gác ở bệnh viện hay khu cách ly trên cả nước cũng vậy. Dịch bệnh càng tăng, chúng tôi càng mạnh mẽ, hiểu nhau hơn, thương nhau hơn và vì nhau hơn. Nghĩ về gia đình, chúng tôi càng có sức mạnh, bởi bảo vệ được một người, điều trị hết COVID-19 cho một bệnh nhân, có nghĩa là người thân của mình cũng đang được an toàn.
Mọi người hãy cùng chúng tôi chống dịch, bởi khi chúng ta đồng lòng, COVID-19 mới bị đẩy lùi. Cuộc sống rồi sẽ trở lại bình thường như trước đây và chúng ta sẽ về lại gia đình, ôm con, bên con từng ngày”.
Phạm An