Không sao, Cô-Vi cho ta nhiều suy nghĩ

23/03/2020 - 13:25

PNO - Mấy ngày căng thẳng dịch bệnh, như nhiều người, tôi và cô em cùng nhà hay nói về những điều tích cực, nào ăn uống cẩn thận, vệ sinh cơ thể, nhà cửa sạch sẽ…

Em còn trẻ, không biết trong tôi, người trạc tuổi ba em, còn miên man một tích cực khác, đó là nghĩ suy về những cuộc chia ly. Chính nó, những giả thuyết ly tan sẽ khiến tâm hồn ta mềm lại… Như tôi với chị H. khi xưa. 

Tôi và chị H. rất khó gần nhau dù cùng xuất thân học sinh Sài Gòn đi kháng chiến, cùng công tác phòng dựng phim. Đúng hơn là tôi sợ chị, cái sợ của cô tân binh trước bà “sếp” lạnh lùng. Cũng nhiều tiếng lao xao rằng có thể do tôi “con ông lớn” nên chị mặc cảm.

Chắc chắn không phải vậy, bởi ba tôi chỉ là cán bộ cấp trung. Có lẽ đơn giản vì chị nghiêm - đức tính mà đôi khi với cô tân binh lãng đãng như tôi cũng… đáng sợ. Dù sao, sự xa cách của chúng tôi là vô phương cải thiện. 

Giữa năm 1971, chị đột xuất được điều đi chiến dịch, mà đi chiến dịch có nghĩa có thể không về. Bên cạnh cảm giác từ nay sẽ nặng gánh công việc, trong cô lính mười chín tuổi hồn nhiên tôi là cái nhẹ gánh thoát “sếp”.

Đêm trước ngày chị đi, mưa rất to - những cơn mưa thường khiến lính rừng ngủ ngon, nhưng tôi cứ trăn trở. Đồng hồ chỉ 3g, chỉ còn hai tiếng nữa chị đi. Như một thôi thúc không kìm được, tôi bật dậy trùm “tăng”, quơ vội đèn pin bước nhanh vào bóng tối. Bỗng như người trước gương, đối diện tôi xa xa cũng là đốm sáng và cái bóng trùm “tăng” bước tới… 

Sau thoáng ngạc nhiên, sửng sốt và ngượng ngập, chúng tôi gần như cùng lúc ào đến bên nhau. Trong nước mắt và vòng ôm xiết chặt, mọi xa cách bỗng tuột trôi dưới mưa rừng. Vậy rồi chị đi, và rất may trở về nguyên vẹn.

Để một ngày hòa bình, tôi sung sướng được làm phụ dâu cho đám cưới của chị. Trong những lần gặp về sau, không bao giờ chúng tôi nhắc lại đêm mưa đó, nhưng cả hai đều hiểu cuộc đời đôi khi rất cần những cuộc chia ly. Mãi mãi với tôi, hai đốm sáng đối diện giữa đêm mưa là khung hình tuyệt mỹ…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chuyện Hàn Quốc nằm trong các ổ dịch lớn khiến tôi nhớ bài báo về  “khóa học chết thử” ở Seoul - nơi các “học viên” được mặc áo gai và được đặt vào quan tài. Báo kể một nam học viên đã tả lại nỗi kinh khiếp khi nắp quan tài đóng lại, rằng trong bóng tối vô tận ta chỉ thấy phù du. Nữ học viên khác cho biết trải nghiệm chết thử giúp bà trân trọng hơn những tình cảm đang có.

Đám tang giả gây nhiều tranh cãi, người thấy nó như cách chuẩn bị ra đi, người hoài nghi việc mô phỏng cái chết chỉ là cớ kinh doanh; nhưng ý kiến của một giáo sư theo tôi là thích đáng: “Thay vì chuẩn bị cho cái chết, chương trình muốn họ nghĩ về cuộc sống và tận hưởng nó một cách ý nghĩa hơn”. Nghe nói thay vì kết thúc sầu não như đám tang thường thế, những người tham gia chết thử hát vang ca khúc có tên Hạnh phúc.

Trong một lần viết mail động viên nhau cẩn thận, ca sĩ Tấn Sơn nói cái con Cô Vi nó chẳng phân biệt già - trẻ, tốt - xấu, giàu - nghèo chi hết. Tôi trả lời Sơn bằng một trích đoạn tiểu thuyết Nếu anh còn được sống của nhà văn Văn Lê.

Đó là khi thượng sĩ Quang Bình hét lên với nhân vật Thiên niên kỷ khi biết mình đã chết: “Cụ có lẩm cẩm không đấy? Cháu không thể chết! Cháu còn trẻ lắm!”. “Anh bạn ơi, ta là Thiên niên kỷ lái đò sông Âm phủ. Chỉ có người chết mới xuống đây gặp ta thôi”. “Cháu không muốn chết tức tưởi thế này”.

“Nhưng đó là sự thật. Ai rồi cũng phải chết, từ đồ tể đến lãnh tụ, từ ăn mày đến tỷ phú, từ thất phu đến đại phu. Cái chết là sự công bằng nhất mà tạo hóa ban cho con người. Nếu không có điều đó, chẳng hiểu xã hội loài người còn bệnh hoạn đến đâu”.

Đang kết thúc bài này thì nhận clip ca khúc Những gì sẽ đem theo vào cõi chết của Phạm Duy, kèm ghi chú của Tấn Sơn: “Bài này Tấn Sơn thu đã hơn mười năm, nhưng chưa bao giờ dám cho mọi người nghe, vì ngại…”. Tôi nhắn lại Tấn Sơn: “Không sao, Cô-Vi cho ta nhiều nghĩ suy…”. 

Việt Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI