Tháng Mười, con nước tràn đồng, mấp mé bên thềm nhà. Chị Út ngồi gỡ lưới, nói với chồng: “Chiều lấy vỏ lãi chở Tài đi chơi nghen”. Nguyễn Phát Tài (hiện đang học lớp 11C2, Trường THPT Ngan Dừa, Bạc Liêu) ngồi trong nhà tỉ mẩn với đôi chân giả.
Lắp xong, em đi đi lại lại trước gương xem bước chân có còn khập khiễng. Chiếc vỏ lãi rẽ đôi mặt nước, từng đợt gió mát lồng lộng hất lên làm tóc Tài lòa xòa. Chị Út dịu dàng vuốt tóc con. Tài nhìn thật lâu dòng sông, những mái nhà lúp xúp, đám lục bình lặng lẽ trôi qua.
Em cảm thấy ngứa ngáy nơi khớp chân bị tháo cụt nhưng vẫn mỉm cười nói với mẹ: “Mẹ ơi, chắc con đi học lại”. Chị Út mừng đến rơi nước mắt, như vừa kéo được con trai khỏi vũng lầy tăm tối của nỗi mặc cảm. Những lần thức trắng bên giường bệnh của con, lần chết lặng khi nghe hung tin, lần đứng ngoài cửa sổ nhìn con trải qua muôn vàn đau đớn… hiện về trong chị như một cuốn phim chiếu chậm.
Hè 2019, Tài ngỏ ý đi làm phụ giúp cha mẹ vì thấy gia đình khó khăn. Chị Út suy nghĩ vài ngày rồi gật đầu. Công việc đầu tiên của Tài là chạy việc lắp dây kết nối wifi. Buổi sáng xảy ra tai nạn, Tài vừa bước ra khỏi cửa, chị Út vẫn gọi với theo: “Chiều về ăn cơm với ba mẹ nghe con”. Cậu bé 14 tuổi dạ thật to rồi chạy đi làm.
Vậy mà 2 tiếng sau, một cuộc gọi đổ về máy của chồng chị Út, bên kia là giọng gấp gáp: “Tài… bị điện cao thế giật phỏng hết người rồi, nó ngất xỉu, đang chuyển vào cấp cứu”. Vợ chồng chị Út run lẩy bẩy, tức tốc vào bệnh viện.
“Tâm trí tôi như chết đi sau khi nghe tin, tay chân run rẩy, môi tái nhợt. Đến bệnh viện, tôi thấy con nằm trên chiếc giường trắng toát, cơ thể bé nhỏ đầy máu và những vết cháy loang lổ” - chị nhớ lại.
Trên giường bệnh, Tài như chìm sâu trong cơn mê sảng, cơ thể bỏng rát, đau đớn, miệng liên tục rên rỉ: “Con đau quá. Mẹ ơi, cứu con với! Các bác sĩ cứu con với!”. Từ Bạc Liêu, Tài được chuyển đến Cần Thơ và cuối cùng là Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau khi bị điện giật phỏng 70%, cú ngã từ trên cao xuống nền ruộng ẩm ướt đã khiến chấn thương thêm nghiêm trọng. Bác sĩ trầm ngâm hồi lâu rồi thông tin đến chị Út rằng tỉ lệ giữ được mạng sống rất thấp. Tài buộc phải phẫu thuật tháo khớp gối chân phải và cánh tay phải để tránh nhiễm trùng lan rộng.
Nghe đến đây, chị Út khóc nấc như một đứa trẻ nhưng chị nhanh chóng nói: “Nếu chỉ còn 1% hy vọng, tôi cũng phải cố gắng”. Chị vẫn nhớ ngày con 1 tuổi, chập chững tập đi, chị hay đứng cách con vài bước chân đợi ôm con vào lòng. Chị cũng ngồi chong đèn những đêm khuya khoắt để dạy con nắn nót từng chữ cái đầu đời. Vậy mà có ngày chị buộc phải chấp nhận rằng con mình sẽ mất đi một phần cơ thể. Ở tuổi 14, con sẽ không thể chạy trên những cánh đồng cháy nắng, đạp xe với lũ bạn hay sút tung trái banh, thả diều, trèo cây, lặn ngụp dưới dòng sông mát rượi…
Trước ngày phẫu thuật, Tài thức trắng. Khi chiếc băng ca được đẩy vào phòng mổ, chị Út nói với theo: “Con cứ xem như mình ngủ một giấc thôi”. Bên ngoài phòng mổ, chị đi đi lại lại, ruột gan cồn cào. Ca mổ thành công, chị là người khóc nhiều nhất, thấy như con vừa được sinh ra lần nữa.
“Không sao cả, con ở với mẹ, mẹ nuôi con, thương con cả đời” - chị nói trong nước mắt.
|
Phát Tài hiện tại vui vẻ, yêu đời (ảnh: NVCC) |
Cùng con vượt qua nỗi sợ
Thời gian đầu, Tài không chấp nhận được những nỗi đau và sự mất mát trên cơ thể. Từ cậu bé nhanh nhẹn, mọi sinh hoạt như tắm rửa, ăn uống, vệ sinh… Tài đều phải nhờ đến cha mẹ. Em phải nhảy lò cò để di chuyển quanh nhà, với cánh tay trái đau buốt để cầm nắm vật dụng.
Có những đêm, Tài thiếp đi, mong mọi thứ đang diễn ra trong đời mình chỉ là cơn ác mộng để sáng hôm sau thức dậy, em được thấy cơ thể mình lành lặn, vẹn nguyên. Suốt 1 năm ở nhà dưỡng bệnh, em trở nên ít nói, hay ngồi thẫn thờ vào mỗi buổi chiều khi thấy bạn bè tan học.
Nỗi mặc cảm vây lấy Tài. Em từ chối gặp gỡ mọi người. “Em đã nghĩ mình sẽ không thể tiếp tục đi học. Em sợ đến lớp với cái chân cụt, cái tay cụt, mọi người sẽ nhìn em” - Tài nhớ lại.
Chị Út hiểu hết tâm tư sâu kín của con. Những buổi chiều ngồi trước hiên nhà cùng con, chị đưa tay xoa bên chân phải bị tháo khớp cụt lủn, nói: “Con còn được sống, ở với mẹ là rất quý. Phần đời còn lại, con phải sống thật tốt”. Tài không nói gì, lặng thinh nhìn những chú chó đang cuộn mình trong vạt nắng chiều.
Chị Út và chồng bắt đầu hành trình “tìm chân” cho con. Tuy nhiên, sau khi nghe mức giá gần trăm triệu đồng cho 1 bên chân giả, vợ chồng chị lại lặng lẽ về. May sao, vài tháng sau, nghe tin TP Cần Thơ có chương trình hỗ trợ chân giả cho người khó khăn, chị lại đưa con đến.
Những ngày tập đi, Tài rất khó khăn để giữ được thăng bằng. Em ngã nhào, đầu gối rướm máu đến chai cứng, tay chống dưới nền đau điếng. Chị Út thương con đứt ruột nhưng vẫn động viên: “Tài ơi, đừng bỏ cuộc!”. Chị Út cho rằng có 2 khoảnh khắc thiêng liêng nhất đời mình là khi chị thấy Tài chào đời và lúc nhìn con bước đi với đôi chân giả.
Một tối, sau bữa cơm, Tài chợt hỏi: “Mẹ ơi, sau này con có thể làm gì được hả mẹ?”. Chị Út buông chén đũa đang xếp dở, nói: “Con sẽ trở thành người tốt. Người ta tay chân lành lặn vẫn phải học, con không nên bỏ dở giữa chừng. Mẹ có thể nuôi con nhưng sau này mẹ không còn nữa, con vẫn phải tự mình sống tiếp”. Sau câu nói đó, Tài suy nghĩ rất lâu.
Trong thời gian này, thầy cô, bạn bè thường xuyên đến thăm, động viên Tài, bày tỏ mong muốn em quay lại trường học. Chị Út lên huyện mua quyển vở để con tập viết bằng tay trái. Mọi thứ như trở lại vạch xuất phát. Con chữ đầu tiên Tài viết ra xô lệch, ngả nghiêng. Tài buông bút, chị Út lại xoa bóp cho ngón tay con đỡ tê cứng. Năm 2020, sau khi cặm cụi trên bàn học vài tháng, Tài mới đủ dũng cảm đến lớp.
Chị Út cẩn thận ủi phẳng phiu chiếc áo trắng, quần tây xanh, bao tập cho con. Tài ngồi trên giường để lắp chân giả, vết thương vẫn chưa lành hẳn.
Ngày đầu tiên đến lớp, dù được các bạn chào đón, mặt Tài vẫn đỏ bừng. Biết Tài viết còn chậm, cả lớp chia nhau giúp đỡ em hoàn thành việc ghi chép. Tài từ từ bước ra khỏi bóng tối của sự mặc cảm bằng tình yêu thương của bạn bè, thầy cô và gia đình.
Tài chia sẻ: “Em cảm thấy mình may mắn khi chưa một lần bị các bạn trêu chọc. Mọi người luôn giúp đỡ em từ việc nhỏ nhất. Dần dần, em đã lên xuống được cầu thang, có thể ngồi ở căn tin chơi với các bạn mà không còn ngại ngùng. Trải qua những biến cố, em luôn thầm biết ơn mẹ. Nhờ có mẹ, em mới không bỏ cuộc”.
Rồi vách tường nhà của chị Út lại được lấp đầy bởi những tờ giấy khen của Tài. “Bây giờ, chữ con tôi còn đẹp hơn lúc chưa bị tai nạn” - chị Út khoe. Con trai của chị đã lên cấp III, đã hòa nhập với bạn bè trong môi trường mới.
Chị Út sắm cho con trai út một chiếc xe để chở anh Hai (là Tài) đến trường. Buổi trưa, chị ở nhà đan chổi, thỉnh thoảng lại nhìn ra cánh đồng xanh rì trước mắt, đợi bóng dáng 2 con trở về. Đối với chị, đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong ngày.
Ngọc Ngân