Mẹ anh thương tôi như thương cô con gái nhỏ. Bao năm được ăn món mẹ nấu, được nhổ cho mẹ những sợi tóc bạc màu, được đưa mẹ đi chơi, được ngồi cà phê cùng mẹ như hai người bạn, được nghe mẹ kể về một thời trẻ trung, yêu thương giận hờn… tôi càng thấy mình đã vô cùng may mắn.
Chiều nay đi làm về trễ, trời nhá nhem, phố thị sáng bừng trong ánh đèn, vô tình hay cố tình không biết nữa, tôi lại rẽ vào lối ấy, con đường xưa tôi đã từng đi mòn mấy đôi dép. Bao ký ức ùa về, bóng người xưa - người tôi gọi bằng một tiếng thiêng liêng “mẹ”, nhưng không phải là người sinh tôi ra. Mẹ của anh, người tôi thương một thuở.
Hồi đó, anh hay chở tôi qua nhà anh chơi. Căn hộ nho nhỏ trong khu chung cư xóm A, xung quanh bao bọc bởi những hàng cây xanh. Trong khuôn viên chung cư, chiều chiều nhộn nhịp các cụ già tập thể dục, các em nhỏ chơi bắn bi, đá banh, nhảy dây...
Mỗi lần qua nhà, mẹ anh luôn đón tôi như vị khách đặc biệt. Mẹ khác hẳn với những bà mẹ hay để ý lời ăn, tiếng nói của con dâu tương lai. Mẹ cũng không thử tài coi cô dâu tương lai ấy có biết nấu ăn không, ăn xong có biết dọn dẹp, rửa chén không. Với mẹ, tôi luôn được cưng, được yêu chiều như một cô con gái.
Tôi nhớ mãi những món ăn của mẹ, đặc biệt là món bánh hỏi Bình Định và nồi canh rau tập tàng. Ở quê tôi không có hai món này. Bánh hỏi trắng vừa, không quá dẻo và cũng không quá mềm, ăn kèm với rau sống, thịt, lòng heo chấm nước mắm đặc trưng Bình Định. Ăn mà nhớ cả đời. Món canh rau tập tàng của mẹ cũng là đặc sản với tôi.
Để chuẩn bị nồi canh này, mẹ phải đi chợ sớm mua những con tôm tươi nhất và nhiều loại rau như rau má, rau dền gai, rau sam, mã đề, mồng tơi, bồ ngót, lá lốt, ngò tàu, rau ngổ, rau éo... Vị ngọt của mớ tôm tươi, của rau sạch mẹ lựa rất kỹ khiến cả nhà ai ăn cũng tấm tắc khen. Nếu hôm nào tôi qua chơi mà thiếu mẹ, chị anh lại đảm nhiệm vụ nấu ăn. Chị cũng đon đả và chân thành, thương tôi như thương một đứa em. Nhưng phải có mẹ, căn nhà mới ấm cúng và đầy tiếng cười.
Tôi nhớ, mỗi dịp sinh nhật hay ngày dành cho phụ nữ. Tôi còn chưa kịp tặng quà cho mẹ, đã nghe mẹ nhắc nhở anh “chở con T. đi chơi, mua cái gì nho nhỏ cho nó”. Nhớ lần lãnh tháng lương đầu tiên, tôi ra chợ chọn mua cho mẹ một chiếc áo khoác. Mẹ khen đẹp, ánh mắt chan chứa niềm vui.
Tôi cũng thấy lòng chộn rộn vui, dù biết, với đồng lương ít ỏi mới ra trường, tôi chỉ mua được một chiếc áo “coi được” thôi. Cả chục năm sau, gọi điện thoại hỏi thăm tôi, mẹ vẫn nhắc kỷ niệm ấy, khiến sống mũi tôi cay cay. Giờ đây, tôi có thể tặng mẹ nhiều hơn một chiếc áo khoác như vậy, nhưng có lẽ, mẹ sẽ không nhận nữa.
Cuộc sống nhiều biến cố, quãng thời gian êm đềm ấy qua nhanh, chúng tôi không còn bên nhau và tôi cũng không còn bên mẹ. Những cuộc điện thoại của tôi gọi cho mẹ ngày càng thưa, cho đến khi tôi đổi sim và mẹ không còn liên lạc được với tôi nữa. Có lẽ, đó là sự nhẫn tâm nhất của tôi, nhưng tôi nghĩ như vậy cũng tốt cho cả tôi và mẹ. Cuộc đời luôn có nhiều bất ngờ, chính tôi cũng bất ngờ với những quyết định của đời mình.
Rồi một hôm, đang tổ chức sự kiện cho công ty, số điện thoại lạ gọi tới, tôi bấm nghe. Và đầu dây bên kia, giọng nói của mẹ ấm áp như ngày nào: “Mẹ đây, con hả T., con khỏe không”. Chỉ vậy thôi mà nước mắt tôi rơi, phải trốn chui sau bức rèm của sân khấu để khóc ngon lành.
Thương lắm mẹ ơi. Muốn kể cho mẹ nghe thật nhiều về cuộc sống của mình, nhưng rồi lại nghẹn ngào chẳng nói được nên câu. “Dạ, con chào mẹ”, tôi lí nhí. Sau đôi lời thăm hỏi, tôi vội vã cúp điện thoại để lo chạy tiếp sự kiện. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, tôi ước gì được ngồi bên mẹ, ngả lên bờ vai mẹ và khóc như một đứa trẻ. Rằng mẹ ơi, con sai mất rồi, từ khi rời xa mẹ.
Tiếng xe buýt tuýt còi inh ỏi, tôi giật mình với lan man dòng ký ức trải dọc trong tâm tư, vội vã rồ ga để kịp giờ đón con. Cuộc sống nhiều lúc mệt mỏi quá, nhưng cứ nhớ về mẹ là lòng thấy ấm áp hơn, mạnh mẽ hơn, như lời mẹ năm xưa: “Con ạ, mẹ chẳng có gì thay đổi, mẹ vẫn là mẹ của con, có gì vui buồn con cứ kể mẹ nghe”.
Cuộc sống có vui, có buồn, nhưng những lúc “khó khăn”, đau khổ, nỡ nào tôi lại cho mẹ biết. Có lẽ, tóc mẹ bạc thêm nhiều, không biết sau tôi có ai nhổ cho mẹ không? Tay mẹ chắc cũng yếu và đau nhức, không biết mẹ có đi tập vật lý trị liệu thường xuyên không? Nghĩ vậy thôi rồi tôi rưng rưng giấu những cảm xúc riêng tư sau cái khẩu trang, phóng ga mạnh hơn trên mặt đường loang loáng ánh đèn.
Con đường xưa tôi vừa chạy ngang qua, không biết mẹ còn ở đó hay đã về quê? Tôi muốn ghé vô rồi ngần ngại. Tôi nhớ mẹ và thương mình. Chọn lựa là ở mình, và cũng không trách ai được, khi mình đã chọn con đường không rẽ về nhà mẹ nữa.
T.M