Không san sẻ cùng nhau sao gọi là “bạn đời”

19/01/2017 - 16:30

PNO - Tôi thích những cặp vợ chồng thường thủ thỉ kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời, từ chuyện có con chó hôm nay đi lạc vào nhà, chuyện bà hàng xóm bị bệnh cho đến chuyện biển đang ô nhiễm...

Khong san se cung nhau sao goi la “ban doi”
 

Có lẽ vì tôi đã nghe ba mẹ mình trò chuyện với nhau mỗi ngày tự bao nhiêu năm rồi nên quen và thương hình ảnh ấy. Tầm 4 giờ sáng đã nghe ông bà dậy uống trà, nói chuyện chừng nửa tiếng rồi đi thể dục, hoặc lúc ông bà cùng nấu cơm, ăn cơm, xem ti vi… cũng kể nhau nghe chuyện này chuyện kia. Tôi thường trêu: “Chuyện đâu mà lắm thế, cha mẹ nói hoài không hết”.

Nghĩ rằng cần phải nói chuyện nhiều hơn với cha mẹ để khoảng cách giữa cha mẹ và con cái luôn ngắn nhất nhưng trong sự cố gắng của mình, tôi hiểu mình không thể thay cha để nói chuyện với mẹ, hay ngược lại. Cha và mẹ có thể bước vào thế giới của nhau, còn con cái thì bao giờ cũng giữ một thế giới cho riêng mình và chẳng tha thiết bước vào thế giới của cha mẹ.

Tôi nghe cha mẹ nói với nhau chuyện những đứa con, chuyện họ hàng hai phía, những người bạn, chuyện về ngôi nhà cũ dưới quê hay vườn tược nhà mình ngày xưa... và cũng không có việc gì xảy ra trong nhà mà chỉ có cha hoặc mẹ giải quyết - luôn luôn cùng nhau. Kỷ niệm chung của hai người quá nhiều và cha còn là kỷ niệm của mẹ nên khi cha mất, lòng mẹ trống vắng, buồn hơn tất cả những nỗi buồn cộng lại.

Bạn tôi có một cặp vợ chồng sinh được ba đứa con vẫn gọi nhau bằng tên như hồi mới quen nhau. Ngày nào đi làm vợ chồng cũng ríu rít kể chuyện công ty hôm nay thế nào, chuyện đón con trễ nên con khóc mếu máo, chuyện thất nghiệp, mất tiền, thậm chí những chuyện đại loại “có cô kia/ anh kia tán tỉnh anh/em” cũng kể nốt. Dĩ nhiên, trong từng câu chuyện dễ dàng được nói ra thì chẳng phải lúc nào cũng êm đẹp, có lúc cãi nhau loạn lên nhưng tôi tin về già hai đứa bạn mình cũng sẽ líu lo muôn chuyện.

Vợ chồng nói chuyện với nhau có gì mà khó? Tưởng chừng vậy thôi nhưng không phải là chuyện dễ dàng cho tất cả các cặp vợ chồng. Một người bạn khác của tôi sau khi lấy chồng vẫn không biết các công trình của chồng làm ở đâu, chưa từng gặp một người bạn nào của chồng. Mỗi khi có chuyện cãi nhau chưa được ba câu thì anh chồng đã bỏ nhà đi vài ba hôm mới về, đi đâu vợ chẳng biết.

Cặp vợ chồng cháu tôi tương tự vậy. Vợ có bầu muốn đi khám bác sĩ phòng khám tư, chồng đề nghị đi bệnh viện khám an toàn hơn và ít tốn tiền. Nói qua nói lại vài câu thì chồng mở tủ có nhiêu tiền lấy hết, buông một câu: “Bà không biết tiết kiệm thì tui cũng sẽ xài hết số tiền này” rồi bỏ đi nhậu nhẹt hết mấy ngày mới về.

Thủ thì trò chuyện là thói quen - hễ chút giận dỗi bỏ nhà đi cũng là thói quen. Tôi nghĩ chiếc chìa khóa quan trọng để giữ cho một cuộc hôn nhân được vui vẻ là thường xuyên nói chuyện cùng nhau - đó là cách chia sẻ và cũng là cách giải quyết mâu thuẫn giữa hai vợ chồng.

Thực tế thì có nhiều cặp vợ chồng không tạo ra hoặc bỏ mất thói quen nói chuyện với nhau, mỗi người sống trong thế giới riêng của mình. Chuyện trời trăng mây nước, chuyện một ngày đi làm như thế nào, chuyện bạn bè nọ kia ra sao… nhỏ nhặt vậy. Nhưng, nếu không cùng nhau san sẻ những chuyện nhỏ nhặt thế thì rất dễ dẫn đến chuyện cảm xúc ai người đó giữ, mạnh ai nấy làm, sao có thể sát cánh cùng nhau trong những chuyện lớn hơn?

                                                                                                               Hạnh Nhỏ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI