“Không rác thải” để bảo vệ môi trường sống

26/03/2023 - 20:56

PNO - Thế giới đang đối mặt với nhiều thảm họa thiên nhiên. Điều này nhắc nhở chúng ta về nhu cầu cấp thiết đối với các hoạt động quản lý chất thải bền vững, nhằm giảm thiểu chất thải và chống biến đổi khí hậu.

 

Sáng tạo tận dụng thức ăn thừa là cách giúp chúng ta hướng đến mục tiêu “không rác thải” - ẢNH: NEW YORK TIMES
Sáng tạo tận dụng thức ăn thừa là cách giúp chúng ta hướng đến mục tiêu “không rác thải” - Ảnh: New York Times

Mục tiêu “không rác thải”

Theo Ngân hàng Thế giới, toàn cầu đang tạo ra hơn 2 tỉ tấn chất thải rắn đô thị hằng năm và dự kiến con số sẽ tăng lên 3,4 tỉ tấn vào năm 2050. Do đó, điều quan trọng hơn bao giờ hết là giúp mỗi cộng đồng nhận ra tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận “không rác thải”.

Theo Liên minh Quốc tế Không rác thải (ZWIA), đây là nhiệm vụ bảo tồn tất cả nguồn tài nguyên bằng cách sản xuất, tiêu thụ, tái sử dụng và thu hồi sản phẩm, bao bì, vật liệu một cách có trách nhiệm. Đồng thời đảm bảo không đốt hoặc thải chúng ra đất, nước, không khí, đe dọa gây ô nhiễm môi trường và làm hại sức khỏe con người.

Tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Tổng thống Mohammed bin Zayed Al Nahyan tuyên bố năm 2023 là “Năm bền vững” với chủ đề “Hôm nay cho ngày mai”. Quốc gia vùng Trung Đông đã xây dựng một số cơ sở tái chế tiên tiến nhất thế giới và thu hồi các vật liệu như giấy, nhựa, lốp xe, kim loại, chất thải hữu cơ, nước thải công nghiệp… Thông qua những nỗ lực này, họ chuyển hướng 76% chất thải rắn rời xa các bãi chôn lấp và biến đổi phần chất thải không thể tái chế còn lại thành năng lượng tại nhà máy.

Ở Scotland, Anh, người tiêu dùng sẽ đặt cọc 20 xu khi mua đồ uống mang đi đựng trong chai nhựa, chai thủy tinh hoặc lon kim loại và nhận lại số tiền khi đem trả vật đựng. Chương trình này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tái chế, giảm lượng khí thải và giảm chi phí xử lý cũng như tác động tiêu cực của việc xả rác bừa bãi.

Ước tính, chương trình hoàn trả tiền cọc sẽ giúp giảm 1/3 khối lượng rác ở Scotland và giảm lượng khí thải trung bình hơn 160.000 tấn CO2 mỗi năm. Kế hoạch còn giúp tiết kiệm 46 triệu bảng Anh tiền dọn rác hằng năm và giảm các tác động đến môi trường. Hiện chương trình hoàn trả tiền cọc khi mua sản phẩm đựng trong chai, lon đã được áp dụng hiệu quả tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong khi đó tại Ấn Độ, Bộ Nhà ở và Đô thị vừa yêu cầu tất cả các tổ hợp nhà ở và khu thương mại sắp xây dựng đảm bảo yếu tố “không rác thải ròng” và xử lý chất thải lỏng trước khi đổ ra môi trường. Quy định này nhằm cải cách và hiện đại hóa hệ thống xử lý nước thải, qua đó giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân.

Cuộc sống “bền vững”

Béa Johnson - một nhà hoạt động môi trường, tác giả và diễn giả tại Mỹ - nổi tiếng với lối sống không lãng phí bằng cách giảm lượng rác thải hằng năm của gia đình cô xuống chỉ khoảng 1 thùng. Trong cuốn sách Ngôi nhà không rác thải, Johnson đã minh họa cách sống không rác thải bằng cách áp dụng 5 nguyên tắc.

Đầu tiên là “từ chối” những thứ bạn không cần như đồ nhựa dùng 1 lần, ly cà phê dùng 1 lần, túi nhựa đựng nông sản… Thứ hai là tặng những món đồ không cần hoặc không sử dụng nữa, đồng thời giảm số lượng những thứ mua và mang vào nhà. Tiếp theo là tái sử dụng thay vì vứt bỏ mọi thứ.

Mua sắm đồ cũ cũng là một cách mang lại sức sống mới cho những sản phẩm tưởng chừng bỏ đi. Tái chế là quy tắc thứ tư trong danh sách, được áp dụng sau khi bạn đã thực hiện 3 nguyên tắc trước đó. Cuối cùng là nguyên tắc ủ rác thải sinh hoạt thành sản phẩm hữu ích như phân bón cho khu vườn.

Lối sống không rác thải ngày nay còn được thể hiện rõ nét trong căn bếp gia đình. Các nhà nghiên cứu tin rằng người Mỹ đã vứt bỏ 25 - 40% tổng số thực phẩm được sản xuất tại nước này mỗi năm. Con số tương đương gần 60,3 tỉ ký thực phẩm, trị giá 161 tỉ USD. Khái niệm nấu ăn không rác thải gần như đúng với nghĩa đen của nó khi người đầu bếp cố gắng để lại càng ít rác thải thực phẩm và bao bì càng tốt khi nấu nướng, ăn uống.

Để đạt được điều này, hãy sử dụng mọi phần của rau, trái cây, thịt và bất cứ nguyên liệu ăn được nào khác cho món ăn của bạn. Lập kế hoạch cho bữa ăn, suy nghĩ về cách thức và thời điểm cần chuẩn bị bữa ăn sẽ giúp bạn mua sắm và sử dụng nguyên liệu hiệu quả hơn. Mang theo túi đựng, tránh các mặt hàng có bao bì không cần thiết, mua đủ không thừa, chú ý đến ngày hết hạn là những điều người nội trợ cần lưu ý.

Việc bảo quản thực phẩm đúng cách cũng có thể kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm dễ hỏng. Ngoài ra, bạn có thể tìm cách tái sử dụng thức ăn thừa và các bộ phận bị bỏ qua của trái cây, rau củ, chẳng hạn như thân hoặc vỏ để chế biến món ăn mới. Cuối cùng, ủ phân hữu cơ là cách tuyệt vời để xử lý chất thải hữu cơ tự nhiên (trái cây và rau củ, vỏ trứng, bã cà phê, trà) thành đất giàu dinh dưỡng.

Tejal Rao - một nhà phê bình nhà hàng sống tại Los Angeles, Mỹ - nhận định: “Nấu ăn không rác thải là một cách khác để tối đa hóa niềm vui từ món ăn của bạn, tận dụng tối đa những gì bạn có. Đó không phải là một xu hướng mà là cách nấu ăn tiến bộ”. 

Linh La (theo Healthline, New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI