Không quyết liệt ngăn chặn, việc dùng "bùa lưỡi" sẽ lan mạnh

16/09/2016 - 12:21

PNO - Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy cho biết, trước thông tin về tình trạng học sinh ngậm “bùa lưỡi”, tức “tem giấy”, Trung tâm Cai nghiện ma túy Thanh Đa cũng đã tính đến phương án chuẩn bị đón bệnh nhân nghiện “bùa lưỡi”.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa cho biết, trước thông tin về tình trạng học sinh ngậm “bùa lưỡi”, tức “tem giấy”, Trung tâm (TT) Cai nghiện ma túy Thanh Đa cũng đã tính đến phương án chuẩn bị đón bệnh nhân nghiện “bùa lưỡi”, thực chất là một loại ma túy.

* Phóng viên: Thưa bác sĩ, TT đón nhận thông tin về “bùa lưỡi” như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy: Chúng tôi đã tính đến phương án đón bệnh nhân nghiện “bùa lưỡi” - LSD. Nếu các cơ quan khác không có biện pháp quyết liệt, hiện tượng sử dụng “bùa lưỡi” sẽ lan nhanh, rất đáng báo động.

Khong quyet liet ngan chan, viec dung
"Bùa lưỡi" được dân chơi ngậm trong miệng

Đơn cử, năm 2005, chúng tôi nhận được thông tin xuất hiện phong trào chơi ma túy đá, liền chuẩn bị phương án để đón đầu vì sợ trở tay không kịp. Đúng như dự đoán, con số người nghiện ma túy đá tăng rất nhanh.

Năm 2005 chỉ có bốn trường hợp vào TT nhưng năm 2015 đã có đến 548 trường hợp, chiếm gần 50% số học viên. Tôi nhấn mạnh rằng, thanh thiếu niên thường có xu hướng thử cái lạ, nếu toàn gia đình và xã hội không quyết liệt ngăn chặn, khả năng lan rộng của việc “ngậm bùa lưỡi” là rất cao.

* Bác sĩ có thể cho biết một số biểu hiện của người sử dụng LSD?

- Thường thì LSD bắt đầu phát tác sau 90 phút. Triệu chứng cụ thể là dãn đồng tử, thay đổi thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim; cũng có thể xảy ra việc đổ mồ hôi nhiều và cảm thấy lạnh. Đồng thời, người sử dụng LSD cũng sẽ mất vị giác, khó ngủ, run rẩy, tâm trạng thay đổi thất thường. Thị giác của họ cũng sẽ nhạy cảm hơn đối với một số màu sắc. LSD gây ảo giác rất mạnh, cảm giác như mình ở một thế giới khác và dễ bị kích động.

Người dùng LSD có thể có ảo giác về độ cao (ví dụ, đang đứng ở lầu 10 nhìn xuống tầng trệt, tưởng mình đang đứng sát mặt đất; nhìn một vật thành nhiều vật; hình dạng sự vật bị méo mó…). Đặc biệt, người dùng LSD ít nhận ra nguy cơ, không nhận biết được tình huống nguy hiểm nên rất dễ gặp tai nạn. Sau khi dùng chất kích thích này khoảng 20-30 phút, người sử dụng cảm thấy khoan khoái, thay đổi nhận thức và xuất hiện ảo giác. Cảm giác khoan khoái thường chuyển nhanh qua cảm giác khó chịu.

Ngoài ảo giác, người dùng còn bị các tác dụng nguy hại như: bực bội, lo âu, sợ hãi, hoang tưởng, trầm cảm hay cuồng loạn; rối loạn nhận thức, xuất hiện các cơn hồi phát hậu ảo giác; rối loạn hoang tưởng, người sử dụng tin rằng những suy nghĩ khi sử dụng chất gây ảo giác đều là sự thật. Người nghiện LSD kéo dài sẽ dẫn đến bị bệnh tâm thần.

* Thưa bác sĩ, nếu bị nghiện LSD, bệnh nhân được điều trị thế nào?

- Việc cai nghiện LSD rất công phu, vất vả, và hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Phương pháp chủ yếu là điều trị tâm lý, đó là quá trình điều trị kết hợp giáo dục, nhằm gọt giũa, điều chỉnh, phục hồi nhận thức, hành vi, nhân cách. Tùy vào mức độ, liều lượng sử dụng ma túy của bệnh nhân mà các bác sĩ đưa ra phương án phù hợp. 

Trần Triều (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI