Không quên mình từng là người nghèo

20/10/2019 - 19:56

PNO - Trong chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” diễn ra tối 17/10, thấy chị ủng hộ chương trình 2,1 tỷ đồng, tôi không ngạc nhiên dù biết doanh nghiệp của chị còn non trẻ, bản thân chị cũng mới thoát nghèo chưa lâu.

Chị là Nguyễn Nam Phương - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lan Anh, đóng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bươn chải đủ việc, chỉ mong thoát nghèo

Chị Nguyễn Nam Phương sinh ra ở vùng quê nghèo huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Khi đó, bố chị, một đại tá quân đội còn phục vụ quân ngũ, cứ đi biền biệt; một mình mẹ chị chèo chống nuôi các con, cái nghèo cứ mãi đeo bám.

Ngày đó, chị không có đủ sách, bút đi học, phải nhặt giấy của bạn viết dở để chép bài. Vừa đi học, chị vừa giúp mẹ làm bánh. Cứ mỗi sáng, chị lại đội trên đầu thúng bánh mang ra chợ cho mẹ.

Con nhà nghèo nên mỗi lần được mẹ cho mấy xu, chị không dám tiêu mà mang cất vào ống, luồn trên mái nhà lá để tiết kiệm, rồi lấy số tiền tích góp đó ra mua gạo nấu cháo, thế cũng là hạnh phúc lắm rồi.

Khong quen minh tung la nguoi ngheo

Chị Nam Phương trao tặng 2,1 tỷ đồng ủng hộ quỹ Vì người nghèo cho đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Số tiền công ít ỏi đó được chị tích cóp, xuống làng mua mít, mua chuối đem về gánh lên Bệnh viện huyện Bình Long bán cùng bình nước trà xanh và vài cái chén. Đến trưa, chị đi cắt cỏ tranh, đan lát hoặc lấy củi bán.Những ngày đầu từ Bắc vào lập nghiệp ở huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé, chị ở nhà chị gái. Nhà chị gái cũng nghèo nên chị phải bươn chải: đi hái tiêu thuê, mỗi thúng vài ngàn đồng.

Từ buôn thúng bán bưng cực khổ, khi dành dụm được chút vốn. Có người bạn rủ chị về Vũng Tàu làm thu ngân cho một nhà hàng, chị đi. Ít lâu sau, chị thuê nhà hàng của Công ty Thanh Bình ở phường 8, TP.Vũng Tàu với giá 3 triệu đồng/tháng để kinh doanh ăn uống.

Ban đầu, chị đi ký hợp đồng với các cửa hàng mua nguyên liệu rồi trả gối đầu chứ không có sẵn vốn. Nhờ giữ uy tín và biết tính toán, cửa hàng của chị rất đông khách. Năm 1996, chị bỏ ra 8 chỉ vàng, lên thị xã Bà Rịa mua đất làm trang trại chăn nuôi theo mô hình VAC để cung cấp thực phẩm cho nhà hàng của mình ở TP.Vũng Tàu, tự túc về nguyên liệu.

Đến năm 2006, chị xây dựng nhà máy sản xuất nước uống đóng chai. Nghe thì đơn giản vậy nhưng chị bảo, làm cái gì cũng phải chịu thương, chịu khó, phải dành nhiều tâm sức mới thành công.

Quan tâm xây dựng nông thôn mới

Cũng từ năm 2006, chị thành lập Công ty TNHH MTV Lan Anh, chuyên kinh doanh bất động sản. Từ đây, nhiều dự án khu dân cư mang tên Lan Anh lần lượt ra đời. Đến nay, công ty chị đã có tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 7 dự án khu dân cư, trong đó có những dự án nhà ở xã hội, dự án du lịch ven biển, khu dân cư nông thôn mới, biệt thự nghỉ dưỡng.

Trong khi phần lớn các doanh nghiệp chọn đầu tư ở những khu đất vàng trong thành phố thì Công ty Lan Anh lại kinh doanh với mục đích phát triển cho địa phương ở các vùng nông thôn hẻo lánh, và muốn cải tạo nơi hoang sơ thành vùng đất màu mỡ, những con đường gồ ghề từ thời chiến tranh thành tuyến đường nhựa sạch đẹp.

Công ty đã tiên phong khai phá đầu tư vào nhiều khu dân cư nông thôn. Chính vì vậy, Lan Anh là công ty duy nhất được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao bằng khen đã có thành tích đóng góp và đầu tư phát triển nông thôn mới trong lễ tổng kết 10 năm thực hiện nông thôn mới của tỉnh.

Nhận bằng khen, chị nhắn nhủ: “Thời gian tới, các doanh nghiệp trong tỉnh cần chung tay xây dựng nông thôn mới để bà con mình bớt khó khăn”.

Khong quen minh tung la nguoi ngheo

Chị Nam Phương (phải) luôn tâm niệm phải có nghĩa vụ chăm lo cho người nghèo, cùng địa phương xây dựng nông thôn mới 

Ngẫm lại hành trình khởi nghiệp của mình, chị Nam Phương vẫn không tin nổi bản thân đã vượt qua được quãng đường gian truân như thế. Nhưng đúng như điều chị tâm niệm, nếu có tâm, chịu thương chịu khó, trời sẽ không phụ.

Vì đã trải qua những lúc cơ hàn, gặp quá nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng như tuyệt vọng nên chị càng thấu hiểu sự sẻ chia, đùm bọc có ý nghĩa như thế nào đối với những người nghèo khó.

Chính vì vậy, chị đã luôn rộng lòng chia sẻ cho cộng đồng, từ chăm lo cho người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, góp quỹ trẻ em nghèo hiếu học tại địa phương, đồng hành với các chương trình của Hội Liên hiệp phụ nữ địa phương.

Trong chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động tối 17/10 vừa qua, chị đã ủng hộ 2,1 tỷ đồng.

Những người biết doanh nhân Nam Phương đều cảm phục gương hiếu thảo của chị. Dù là tổng giám đốc, về đến nhà, chị gác hết công việc ngoài xã hội để chăm lo cho người mẹ nay đã 94 tuổi.

Mẹ chị có 6 người con nhưng chỉ thích ở với chị, vì chỉ có chị mới hiểu, mới chiều được mẹ. Chị luôn giáo dục con cháu về chữ hiếu, vì theo chị, thiếu đức hiếu thảo thì chưa thể gọi là nên người.

Như rất nhiều doanh nghiệp tư nhân khác, Công ty Lan Anh gặp phải không ít khó khăn lien quan đến chính sách, thủ tục. Trên thực tế, các hướng dẫn về luật chưa cụ thể, còn chồng chéo giữa Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Thương mại.

“Mới đây, VCCI đã nêu ra 20 điểm chồng chéo giữa các luật nhưng theo tôi là còn nhiều hơn. Khi doanh nghiệp muốn đầu tư, mỗi địa phương hướng dẫn một kiểu khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được đúng dự tính của mình. Mà mất cơ hội đầu tư đồng nghĩa với việc người lao động không có cơ hội việc làm. Do đó, Chính phủ cần phải chế tài mạnh đối với người vi phạm thủ tục hành chính, gây rắc rối cho doanh nghiệp và cho người dân” - chị đề xuất.

Với những đóng góp cho địa phương và xã hội, chị đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III năm 2010, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông hồng vàng”dành tôn vinh các nữ doanh nhân tiêu biểu năm 2008, 2009, 2010 và giải thưởng Thánh Gióng năm 2016. Công ty Lan Anh cũng đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 3 lần trao tặng giải thưởng Ngọn hải đăng…


Quang Mạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI