edf40wrjww2tblPage:Content
Tài xế kiệt sức ngủ gục trên đường Đồng Văn Cống (Q.2, TP.HCM)
PHÍA SAU TAY LÁI LÀ… GIẤC NGỦ
Khoảng 17g ngày 1/6, chúng tôi có mặt ở giao lộ Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ, nút giao thông dẫn vào cảng Cát Lái (Q.2) và cảng Tân Thuận (Q.7). Dọc theo hai tuyến đường, xe đầu kéo container, xe tải nặng nối đuôi nhau nhích từng chút một. Cả hai tuyến đường dù đã được phân làn cho ô tô và xe máy, nhưng sau 30 phút ùn tắc, phần đường dành cho xe máy đã bị đoàn ô tô “nuốt chửng”.
Cũng trong thời điểm này, chúng tôi bắt gặp cảnh tượng các bác tài kiệt sức nằm ôm vô lăng, ngửa người trên ghế ngủ ngon lành. Trong hàng dài container ùn tắc này, có quá nửa là các phương tiện khởi hành từ Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An… hoặc xe đầu kéo của các doanh nghiệp tại TP.HCM nhưng chở hàng từ các tỉnh miền Trung về thành phố.
Để chống lại cơn buồn ngủ, một số tài xế mua cà phê của những người bán dạo đang len lỏi vào giữa những làn xe ùn tắc. Một số khác mắc võng dưới gầm container ngủ mê mệt, cho dù bùn đất phía trên rơi lả tả xuống chỗ nằm.
Tranh thủ lúc nhảy vội xuống xe mua cà phê, tài xế Trần Văn Huỳnh (33 tuổi, quê Nghệ An) cho biết, hơn một ngày nay bận lái xe đến nỗi… chưa kịp ngủ.
Huỳnh đang làm việc cho một doanh nghiệp vận tải đóng trên địa bàn quận Bình Thạnh kể: “Công ty tôi mới mua hai xe đầu kéo. Bên công ty nói cần phải tăng chuyến, tăng thời gian nên hiện nay tôi không ngủ theo giờ mà ngủ theo… hoàn cảnh. Lúc nào kẹt xe hoặc vào cảng chờ hàng thì tranh thủ ngủ, cũng có khi liên tục hai ngày thức trắng. Như chuyến hàng này, lý ra tôi không phải đi vì trước đó đã thức trắng đêm chạy container rỗng từ TP.HCM về Bình Thuận. Nhưng khi về đến nơi, hai đầu kéo khác của công ty bị hỏng. Hàng lại gấp nên tôi phải đôn chuyến đi luôn”.
Trước khi Huỳnh nhảy lên cabin xe đầu kéo vì những tiếng còi inh ỏi phía sau, tôi kịp nhìn thấy đôi mắt thâm quầng của anh.
Gặp chúng tôi tại một kho hàng trên đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp, anh Ngô Văn Nguyên (28 tuổi, quê Quảng Trị) cho biết, anh lái xe tải chở gạch cho một doanh nghiêp vận tải có trụ sở đóng tại Q.12. Công việc hằng ngày của tài xế này là lái xe về huyện Phú Giáo (Bình Dương) lấy gạch giao cho khách ở TP.HCM. “Hiện nay tôi bị khoán chuyến. Mỗi ngày phải chạy ba chuyến liên tục. Mỗi chuyến mất khoảng 4-5 giờ (nếu không xảy ra sự cố xe hư hỏng dọc đường - PV)”, anh Nguyên kể.
Tuy nhiên, đó là chuyện “bình thường”. Nếu hôm nào có một xe trong đoàn xe của công ty bị hư hỏng hoặc khách đặt thêm hàng, lập tức “chỉ tiêu” của Nguyên bị đôn lên thành bốn-năm chuyến. “Có lần tôi đang chạy trên quốc lộ 1A, đoạn qua ngã tư Ga thì bất ngờ ngủ gật. Khi gần đâm vào xe máy của người đi đường thì phụ xe hô hoán lên. Tôi giật mình tỉnh dậy, đạp vội thắng nhưng không kịp. Chiếc xe máy đã bị xe tôi cán bẹp dúm. Cũng may lần đó tai nạn không gây chết người” - Nguyên kể.
Khi nghe chúng tôi nhắc đến quy định tài xế không được làm việc quá 10 tiếng/ngày, Nguyên cười: “Nghề tài xế khó mà theo lịch như vậy lắm. Có khi còn phải làm việc ba-bốn ngày liên tục, mong gì 10 tiếng được nghỉ ngơi”.
Anh Nguyễn Trường Giang (24 tuổi), giám đốc một công ty vận tải tại TP.HCM cho biết: Chi phí đầu tư cho xe đầu kéo container hiện nay rất cao. Một đầu kéo cũ do Mỹ sản xuất hiện nay đã có giá dao động từ 1,3-1,5 tỷ đồng. Nếu tính theo giá cước vận tải và tình hình đơn hàng hiện nay ở khu vực Đông Nam bộ thì sau khoảng ba năm doanh nghiệp mới có thể thu hồi vốn. Đó là chưa kể các rủi ro khác như tai nạn, hư hỏng, khan hiếm đơn hàng.
Chính vì vậy, những lúc có người thuê xe, chủ doanh nghiệp vận tải thường gật đầu ngay cho dù phải tăng chuyến, “ép” tài xế lái xe quá giờ quy định. Như trường hợp một tài xế trong công ty của Giang, từng ngủ “say như chết” trên đường vào cảng Cát Lái gây ra vụ kẹt xe gần 10km trong vòng năm tiếng. Anh này chỉ tỉnh lại khi các tài xế khác xúm đến khiêng xuống vì nghĩ rằng đồng nghiệp bị... đột quỵ.
Ngay cả với các lộ trình ngắn, tài xế cũng bị vắt kiệt sức. Chúng tôi đã ghi nhận tình trạng “quay đầu xe” tăng chuyến chóng mặt ở tuyến vận tải hành khách quãng đường dưới 150km. Nhà xe T.P.Đ. nằm trên đường Lê Hồng Phong (Q.10). Xe chạy tuyến TP.HCM - Đồng Nai. Nhiều tài xế bắt đầu làm việc từ 2g sáng và có đến ba-bốn lần giao khách trong một ngày tại bến xe. Cộng với tình trạng đường xấu, kẹt xe, đón trả khách… nhẩm tính có thể thấy một tài xế xe khách làm việc ít nhất 12 giờ/ngày.
Tài xế ngủ quên, khiến xe tải lật ngang trên cầu Sài Gòn
CĂNG THẲNG VỚI HẠ TẦNG
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông thành phố đang có những bước chuyển tích cực, nâng cao khả năng kết nối. Tuy vậy, vấn đề chất lượng công trình và phân luồng giao thông vẫn còn khiến các tài xế lâm vào tình trạng vừa gồng vừa lái. Hai tháng qua, các tài xế xe tải lưu thông theo hướng từ Suối Tiên về ngã tư An Sương thường xuyên phản ánh về lô cốt án ngữ trên đường rẽ từ Xa lộ Hà Nội vào Quốc lộ 1K.
Đơn vị thi công đã rào chắn gần nửa mặt đường nhưng không có phương án mở rộng tạm mặt đường đối diện, gây ra tình trạng thắt cổ chai ở khúc cua khá gắt. Trong tình huống ô tô chuyển hướng, nhiều người đi xe máy dù lưu thông đúng tốc độ vẫn có thể bị “nuốt chửng” vào gầm xe.
Tình trạng mặt đường xuống cấp trên Quốc lộ 1K hiện nay cũng đáng báo động. Từ đoạn cầu vượt Linh Trung đến cầu vượt Tân Thới Hiệp, có đến hàng chục vị trí khiến bánh xe ô tô bị hẫng vì vênh nhau giữa cầu và đường, giữa làn xe tải và làn xe du lịch. Đó là chưa kể tình trạng mặt đường bị lún, trồi sụt ở đoạn đi qua P.An Phú Đông có thể gây ra tình huống mất lái rất nguy hiểm khi chuyển làn.
Tuyến đường từ Phạm Văn Đồng vào sân bay Tân Sơn Nhất cũng khiến người dân khổ ải. Mặt đường xuống cấp tạo thành những ổ voi, ổ gà. Hai bên đường nhựa bong tróc trơ đất, sỏi đá gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Không chỉ vậy, mỗi lần mưa xuống, mặt đường đọng nước bùn sình, nắng thì bụi tung mù mịt. Ở đoạn sát vòng xoay Nguyễn Thái Sơn-Phạm Văn Đồng, làn đường chỉ đủ cho một xe ô tô du lịch di chuyển với góc chuyển hướng rất hẹp, trong khi vòng xoay bên ngoài lại rộng, lượng xe máy từ các hướng đi qua rất đông tạo ra nguy cơ tai nạn.
Đường sá trồi sụt, lởm chởm
PHẢI PHẠT NẶNG NHÀ XE
Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn luật sư TP.HCM, Luật Giao thông đường bộ quy định thời gian làm việc của người lái ô tô không được quá 10g một ngày và không được lái xe liên tục quá 4g. Điểm d, khoản 6, điều 23, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người điều khiển xe quá thời gian quy định. Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong hai tháng.
Tuy nhiên, để xác định được việc tài xế đã làm việc quá giờ hay không thì rất khó, nếu không muốn nói là hầu hết các trường hợp chỉ phát hiện sau khi xảy ra tai nạn.
Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TP.HCM nói: “Tôi cho rằng chế tài xử phạt tài xế lái xe quá giờ quy định hiện nay là hợp lý, nhưng đáng lẽ trước đó phải áp chế tài này đối với các doanh nghiệp hoạt động vận tải. Chính các chủ doanh nghiệp mới là người lên lịch cho lái xe làm việc. Nghị định 171/2013/NĐ-CP chưa quy định xử phạt doanh nghiệp có tài xế lái xe quá giờ quy định.
Thêm vào đó, theo quy định của Bộ GTVT, doanh nghiệp nào có số tài xế vi phạm trên 20% thì bị tước giấy phép hoạt động vận tải. Cần phải phạt nặng hơn đối với chủ doanh nghiệp để xảy ra tình trạng này. Bất cập hiện nay là rất khó để giám sát, theo dõi xử phạt do cơ quan chức năng không thể đủ nhân lực để thanh tra, kiểm tra tất cả các doanh nghiệp vận tải. Trước mắt, có thể kiến nghị tăng mức xử phạt đối với tài xế; chế tài với doanh nghiệp, sau đó thông qua thiết bị giám sát hành trình để phạt “nguội” thì mới hiệu quả".
MINH DŨNG