Buổi tối mùa đông lạnh 5C một nhà nghỉ ở gần bản Cát Cát của Sapa, tôi đang loay hoay nhận phòng thì nghe một thanh niên lập cập bước đến quầy lễ tân, hỏi: “Khách sạn… có nước… đá… không?”. Cô lễ tân hỏi lại ba lần. Người thanh niên vẫn run rẩy xác nhận: “Nước đá!”. Thấy cô lễ tân vẫn ái ngại, người thanh niên la to: “Tôi cần nước đá trong tủ lạnh để uống trà đá”.
Một bạn nam trong nhóm phượt của tôi la to không kém: “Ơ… anh người Sài Gòn phải không?”. Người thanh niên cần nước đá đang tần ngần thì thằng bạn tôi vỗ ngực tự giới thiệu luôn: “Tui cũng Sài Gòn nè! Trời lạnh teo mà nghe đòi trà đá là hiểu rồi”. Cả bọn cười ồ. “Anh trai trà đá” cũng khoái chí gật đầu, rồi như quên cả lạnh, anh túm lấy ly nước đá từ cô lễ tân, tụm lại chào hỏi, giới thiệu, nhập bọn với “cánh phượt Sài Gòn”. Chuyến phượt đó của nhóm tôi từ đó mà “nhân đôi quân số”.
Trà đá bấy giờ không còn là của riêng Sài Gòn. Giờ cả nước đã quen uống trà đá. Thế nhưng, cái kiểu nghiện trà đá” đến mức “không có là không chịu được”, vừa run lập cập vừa kiếm bằng được một ly trà đá - thì hình như chỉ người Sài Gòn mới “mắc”. Và dù cả nước cùng uống trà đá, nhưng hễ nói đến vùng đất của trà đá, là người ta nghĩ ngay đến Sài Gòn.
Sài Gòn - TP.HCM hôm nay là thiên đường ẩm thực, là nơi châu tuần của thức món trăm miền. Vậy đâu là món ăn Sài Gòn chánh hiệu, để hễ gọi tên nó, thì dứt khoát Sài Gòn hiện ra từ… miệng, gợi nỗi nhớ tái tê, vừa như một bảo chứng dù có “trăm hoa đua nở” thì món ăn hay chính là hồn cốt người Sài Gòn vẫn không đổi thay?
Liệu có tranh cãi được không, khi đây, ba món đặc sản không lẫn vào đâu được: cơm tấm, bánh mì và trà đá, từ đậm đà đến mát lành như gan ruột người miền Nam… Ba món đó như kiềng ba chân, neo tâm thức Sài Gòn dẫu qua bao biến động, vẫn hoài nguyên không chút sứt mẻ.
|
Tôi còn nhớ, lần đầu tôi được uống trà đá thực sự, là trong một quán cơm bình dân ở đâu đó Gò Vấp cách đây 20 năm. Hồi đó, tôi theo đoàn của cơ quan mẹ vào du lịch. Đoàn mấy chục người, hầu như đều là lần đầu vào Sài Gòn. Kinh phí eo hẹp, bữa cơm du lịch của cả đoàn được tổ chức ngay quán cơm bình dân, cơm khô không khốc, nhưng ly trà đá thì được phục vụ trong cái cối bự, mỗi người được hẳn một ly.
Lần đó, bọn con nít tụi tôi bị “quê một cục” khi có cô chung đoàn kêu nhân viên lại, biểu: “Cho trà nhiều quá, uống hổng hết. Cho gửi lại mấy ly lát trừ tiền nghen!”. Anh nhân viên trẻ măng mà trả lời tỉnh queo: “Trà cho miễn phí, trả lại cũng hổng được tiền!”. Sài Gòn bình dân lúc đó kỳ cục trong mắt người miền Trung dữ lắm. Ly trà to bự, khách uống hổng tính tiền, trả lại cũng hổng trừ tiền, thì tính vô đâu?
Đến lúc này, chỉ sau 8 năm ở Sài Gòn, tôi đã thấy lạ lẫm với chính sự lạ lẫm xưa kia của mình, với trà đá. Trà đá quen thuộc đến mức trở thành một thức uống mặc định của mọi quán ăn ở Sài Gòn. Quán ăn nào thử liều lĩnh không phục vụ trà đá, thì xem như… chẳng biết cách làm dịch vụ.
Trà đá “thiết yếu” với người Sài Gòn đến mức được phục vụ miễn phí ở một nửa số quán ăn và phục vụ… tính phí ở nửa số còn lại. Nó thiết yếu ở chỗ, người bán sẵn sàng miễn phí, còn người mua sẵn sàng trả tiền để “uống bằng được” nó sau khi ăn món chính.
Quen thuộc là vậy, nhưng trà đá lắm lúc cũng… thị phi. “Trà gì mà không nóng, lại còn lạnh, rồi vị trà thì nhạt nhẽo”. Thước đo của trà truyền thống được áp vào, trà đá lạc loài, thất thế trước những tiêu chí đậm, thơm truyền đời. Rồi cả ở khía cạnh văn hóa, khi lục lại chuyện trà của tổ tiên người Việt nhiều đời, trà đá như một “đứa con nằm ngoài gia phả”.
Người Sài Gòn chừng như “chưa từng biết uống trà” nên phá tan những cái thơm ngon nhất của nước uống tế vi này bằng cách... cho thêm đá. Thế nhưng, dõi theo sự xuất hiện của trà đá ở mọi ngữ cảnh, sẽ thấy, người Sài Gòn chưa bao giờ “nghiêm trọng hóa” thức uống thường nhật này bằng dáng dấp của một “biểu tượng văn hóa”, hay mang vào nó chiếc áo của “mỹ vị” địa phương.
|
Trà đá ở Sài Gòn là một kiểu uống rất riêng, là nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này |
Trà đá được uống ngay bên tủ lạnh sau khi thoát khỏi cơn nắng ngoài trời. Nó là thức uống sự dễ chịu, sự giải tỏa và có lẽ bởi sự “đồng lõa” của cái nắng Sài Gòn, nó trở thành khoái khẩu.
Trà đá được dùng kèm mọi món chính, thậm chí được bày ra ngay sau một cuộc trà với các loại “trà thực sự”. Và đến đoạn đó, người ta biết, cuộc chuyện trò đã hết phần nghiêm trọng. Trà đá xuất hiện như một tín hiệu của sự dễ chịu, hóa giải, như một cái nắm tay, một sự dàn hòa dù câu chuyện trà trước đó có bao phần căng thẳng.
Trà đá được đặt mời ngay bên đường, dán tờ giấy ghi dòng chữ thật to “trà đá miễn phí”, kiểu “đã miễn phí lại còn chơi sang”. Nhưng ngay từ lúc thùng trà đá miễn phí trịnh trọng để giữa những vỉa hè, một chú vá xe lề đường Lý Thái Tổ đã giải thích gọn hơ với cô sinh viên tỉnh lẻ mới thấy dòng chữ ấy lần đầu: “Đã tặng thì phải tặng cho đáng! Nước lọc miễn phí cũng quý rồi, nhưng ráng một tí, làm xô trà đá, ực một phát là đã liền, vậy sao không ráng?”.
Với lại, chắc chịu chung nhiều trận nắng, nên Sài Gòn ưa giải khát cho nhau. Trà đá được để sẵn miễn phí, được tặng kèm mọi món ăn thức uống… không cần phải là một biểu tượng văn hóa. Và trước khi trở thành biểu tượng gì đó của Sài Gòn, nó đã là biểu tượng của nghĩa tình phương Nam.
Rồi từ một loại thức uống lạc loài, “không phải trà truyền thống”; trà đá bằng sức sống của nó, đã chẳng phải sửa mình cho “thơm và đậm đúng chuẩn”, mà bất kể là “trà lài”, “trà sen” hay “trà hoa hồng” thêm đá - nó trở thành một loại trà riêng biệt, có tên “trà đá”.
Minh Trâm