Cùng dự bàn tròn là nhà báo Nông Huyền Sơn, người được chính vợ mình tặng cho hai chữ “soái ca”.
Là trụ cột gia đình
Rất tự tin, doanh nhân Nguyễn Tina xác định “soái” của mình là phải đẹp trai, oai, sang, sạch và thơm. Thực tế, chị đang có một “soái” như thế. Tuy nhiên, theo những tay “thợ săn” khác thì “soái” không cần phải có ngoại hình “nức nở” như vậy, mà quan trọng là “Ai thấy xấu kệ, miễn mình thấy đẹp là được”. “Soái” có thể ít tóc, ốm nhách, lùn xủn… nhưng phải là… đàn ông. Quan điểm này được ca sĩ Vy Oanh, họa sĩ Nguyễn Thái Giao Thủy, biên tập viên Xuân Dung và cả kế toán trưởng Trần Công Nhất Hạnh cùng thống nhất.
|
Biên tập viên Ngô Xuân Dung và “soái ca” của mình - Nhà báo Nông Huyền Sơn |
Chị Xuân Dung không yêu cầu “soái” là cái máy in tiền nhưng phải là người gánh vác kinh tế gia đình. Nuôi vợ con phải là “đam mê” của “soái” chứ không phải là trách nhiệm, nghĩa vụ. Với chị Giao Thủy, ông chồng trụ cột còn phải là người không bao giờ để vợ mặc cảm về bản thân: “Lúc tôi có bầu, tăng 20kg, chồng tôi đã dự báo trước và luôn ca ngợi vẻ đẹp “vĩ đại” của người mẹ. Với tôi, đó không phải là “những lời có cánh” mà hàm chứa sự biết ơn vợ của anh ấy”.
|
Ca sĩ Vy Oanh |
Ca sĩ Vy Oanh thì chỉ cần “soái” là người yêu thương và chia sẻ, cụ thể là biết ngay mọi cảm xúc của vợ. Khi vợ buồn hay sợ hãi dù là những chuyện rất “vớ vẩn”, chồng cũng luôn sẵn sàng san sẻ, chứ không nhạo báng hay tỏ ra khó chịu vì sự rắc rối đó. Chị Tina quan niệm, đó phải là người che chở, bao dung. Dù vợ ở tuổi đôi mươi mới cưới về, hoặc đã gần 100 tuổi, thì đối với “soái” vẫn là “người tình bé bỏng”, chứ không phải bà lão.
Lãng mạn
Phụ nữ cần tiền và cần cả hoa hồng nên bàn tròn hào hứng hẳn lên khi các bà vợ “thi đua” khoe thành tích lãng mạn của chồng. “Soái” của chị Nhất Hạnh rất thích việc vợ chồng cùng cà phê với nhau đón bình minh. Địa điểm có thể là khoảnh sân trước nhà, là bãi biển nơi xa, là vùng quê yên tĩnh… Anh còn viết ca khúc tặng vợ, tự tay làm quà cho vợ và rất mê chụp hình vợ. Món quà gần đây của anh là một clip nhạc tập hợp hình ảnh của vợ.
Chồng chị Tina thì thường: “Trốn con, chở vợ đi phố, không đi xe hơi như lúc đi làm mà đi bằng xe máy, thỉnh thoảng tấp xe vào lề đường ngồi ăn vặt như một đôi tình nhân”. Chị Giao Thủy thì thấy vợ chồng lãng mạn nhất là khi “tay trong tay” lúc uống cà phê, xem ti vi, ngay cả lúc đi ngủ. Các bà vợ khác cũng nhanh chóng khai: “Chồng mình cũng vậy, cũng nắm tay vợ suốt”. Đây là điều các ông chồng khác nên lưu ý, vì dễ thực hiện, không tốn kém mà hiệu quả lại rất cao.
|
Họa sĩ Nguyễn Thái Giao Thủy |
Dù là thiểu số nhưng anh Nông Huyền Sơn vẫn bình tĩnh phản bác: “Các quý bà cần “soái” của mình thể hiện tình cảm “như ngày đầu quen nhau”, luôn chủ động tạo không khí lãng mạn? Tôi nói thật lòng, các bà đang biến thi ca thành hiện thực, đang tập các ông chồng làm… diễn viên điện ảnh. Tôi không tin có ông chồng nào mỗi sáng thức dậy đều nói “anh yêu em”. Cũng chẳng ông thi sĩ, nhạc sĩ nào dành cả đời để chỉ sáng tác cho vợ. Làm sao có ông nào quanh năm chỉ đưa vợ đi chơi, đi cà phê, trong khi bản thân thì đang xử lý khủng hoảng công việc, đang đối diện với những thách thức mới của cuộc mưu sinh?
Chuyện nắm tay vợ, ôm vợ là bình thường. Không nắm tay vợ, không ôm vợ thì nắm tay ai, ôm ai? Khi tâm tịnh, trí bình, tôi chủ trương tạo không khí lãng mạn thật bất ngờ để làm mới tình cảm: bất ngờ tặng vợ viên ngọc trai; đưa vợ đi du lịch nước ngoài; bất ngờ “tặng” vợ một món nhuận bút, làm tặng vài câu thơ vui vui... Những điều bất ngờ luôn làm cho cuộc sống không nhàm chán”.
Cùng với ngôn tình phải có "cẩn ngôn"
Được dịp ngồi với nhau, các bà vợ cũng tranh thủ “công bố” những ngôn tình mà họ được nghe và thích nghe nhất. “Soái” của chị Giao Thủy có thói quen nhắn tin hằng ngày và câu hỏi quen thuộc vẫn hiện lên trong điện thoại chị là: “Cưng ơi! Em muốn ăn gì không?”. Trong những câu nói “chất lượng” của chồng, chị Nhất Hạnh thích nhất là câu: “Em an tâm, mọi việc đã có anh lo”. Chị Tina thì luôn được nghe “soái ca” thì thầm: “Bà xã, anh yêu em”. Ca sĩ Vy Oanh lại thường xuyên được “soái” công nhận: “Em rất xinh đẹp”. Chị Xuân Dung thì hài lòng với câu: “Em lúc nào cũng hấp dẫn trong mắt anh”.
|
Doanh nhân Nguyễn Tina |
Nhưng còn lúc tranh luận, thậm chí cãi nhau thì sao? Trong tình huống đó, các bà vợ yêu cầu “không mày tao, không bà tui, không văng bậy…”. Tuy nhiên, các chị đều công nhận, đã là “soái” thì luôn đủ trình độ ngôn ngữ để không bao giờ làm vợ tổn thương. Có nghĩa, cùng với ngôn tình còn có cả cẩn ngôn xuất hiện trong những tình huống “khó khăn”. Chị Tina nhấn mạnh: “Cẩn ngôn còn phải kèm theo phong cách. Không thể nói những lời đàng hoàng mà vung tay, dập cửa”. Chị Giao Thủy yêu cầu: “Không chỉ nói những lời lịch sự với riêng vợ, mà phải vớ cả hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè… thậm chí cả mọi người nơi công cộng. Tôi không chấp nhận một ông chồng chỉ nói những lời tốt đẹp trong nhà”. Chị Tina có vẻ “dễ tính” hơn: “Tôi không khắt khe khi “soái” nói tiếng “nước ngoài” với những người không theo những quy định của công ty, gây thiệt hại cho tập thể. Đàn ông nóng tính, phải để cho họ “bung càng”. Tôi chỉ can thiệp khi vào nhà hàng mà không được phục vụ như ý. Lúc đó tôi luôn nhắc anh ấy phải ăn nói mềm mỏng, lịch sự”.
Anh Nông Huyền Sơn tiếp tục can đảm: “Tôi quan niệm vợ chồng là cặp song sinh dính liền, là hai nửa ghép lại thành một thì không cần thiết phải “ngoại giao” với nhau. Với người ngoài, khi tức giận tôi cố kiềm chế và tìm giải pháp đối phó. Nhưng, với người “song sinh dính liền” thì tay đau, tim sẽ đau, không thể giả vờ không đau được. Vì vậy, tôi luôn thể hiện bản năng thật với vợ.
Vợ chồng trưởng thành trong hai môi trường “văn hóa gia đình” khác nhau, nên đôi khi quan điểm về một sự việc cũng khác biệt, tranh cãi chỉ là động thái đi tìm tiếng nói chung. Cãi xong là quên ngay. Cãi để yêu thương chứ không để hơn thua, thù ghét. Tất nhiên, là đàn ông, tôi phải luôn chủ động... thua. Khi cần thiết cũng phải xin lỗi, nhưng dứt khoát không có khoản khoanh tay, quỳ gối. Với vợ mà cẩn ngôn như ngoại giao thì... chán lắm! Chán như hai thằng bạn thân rủ nhau đi uống trà sữa, cắn hột dưa vậy”.
Biết làm việc nhà
Các chị cũng đồng tình cách đánh giá: người đàn ông không phân biệt việc lớn, việc nhỏ, chuyện anh, chuyện em… mới đáng mặt “soái ca”. “Soái” của chị Tina tình nguyện “vợ giặt đồ, chồng phơi đồ”. Khi chị Giao Thủy gặp gỡ cà phê với bạn bè, chồng chị cũng đi theo nhưng với nhiệm vụ trông nom hai đứa con nhỏ, khiến bạn bè rất ngưỡng mộ.
Chị Nhất Hạnh và Xuân Dung cùng xác định: một ông chồng dù kiếm nhiều tiền, dù nổi tiếng thành đạt, nhưng anh ta chỉ vĩ đại trong mắt vợ nếu khi về nhà không nề hà chuyện vặt, không bao giờ xem chuyện nội trợ của vợ là chuyện nhỏ. Chỉ riêng ca sĩ Vy Oanh cho rằng, đàn ông quan tâm đến gia đình thật ra cũng không cần phải xắn tay áo vào bếp hay lau nhà. Anh ta không thể hoàn thiện mọi mặt được.
Chung thủy
Theo các chị, đây là tiêu chuẩn số một của “soái ca”, mà nếu không có, thì những tiêu chuẩn khác cũng vô nghĩa. Các chị đều chưa rơi vào cảnh bị phản bội, nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn giải pháp. Chị Giao Thủy khẳng định: “Nếu biết chắc sự việc, tôi sẽ không tha thứ, không cần nghe anh ấy nói gì, mà chỉ cần anh ấy… đi luôn”. Để chồng không ham của lạ, chị Tina nghĩ: “Phải luôn tạo cho “soái” niềm kiêu hãnh khi vợ bên cạnh. Hãy duyên dáng, yêu kiều, thời trang phù hợp để “soái” phải sợ… mất vợ”.
|
Kế toán trưởng Trần Công Nhất Hạnh |
Chị Nhất Hạnh tâm sự: “Hồi mới cưới, tôi cũng rất lo chồng có “ai kia, ai khác”, nhưng sống với nhau lâu, mới thấy thủy chung không phải do hoàn cảnh mà do tính cách. Khi đã muốn sống với vợ, ông chồng nhất định sẽ thủy chung”. Ca sĩ Vy Oanh tự tin: “Tôi thích làm đẹp cho mình và cho chồng con. Ngày nào còn sống bên nhau là còn giúp nhau hoàn thiện. Nếu một ngày “ai kia” thay lòng đổi dạ thì coi như cạn duyên, hết nợ cho nhẹ nhàng”.
Các bà vợ tại bàn tròn càng yên tâm hơn khi anh Nông Huyền Sơn bày tỏ: “Nếu được sống cùng nửa kia của mình thì tình yêu sẽ thúc đẩy cả hai nửa cùng nương tựa nhau để hưởng thụ cuộc sống. Vì tình yêu, tôi kiềm chế những ham muốn để người tình trăm năm của mình không buồn lòng. Điều gì gây giảm nhiệt hạnh phúc, tôi không làm. Người chồng là trụ cột gia đình thì người vợ là mái lá. Mái dột, cột sẽ xiêu. Hiểu rõ giá trị của hạnh phúc gia đình mà mình đang thụ hưởng nên tôi thấy cần sống xứng đáng chứ không hề phấn đấu gì cả”.
Trường Sơn (thực hiện)