Hiệu quả chưa rõ ràng
Ở TPHCM, dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM, nhiều cơ quan, ban, ngành đã thí điểm các mô hình thương mại điện tử xã hội (social commerce). Trong chưa đầy 1 tháng, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM và TikTok Việt Nam đã tổ chức 2 hoạt động thí điểm để hỗ trợ các điểm kinh doanh quảng bá sản phẩm trên TikTok qua hình thức live stream. Nhưng theo đánh giá của những người trong cuộc, tác động của các buổi live stream này chưa rõ rệt.
|
Rất nhiều sản phẩm gia dụng xuất hiện trong buổi live stream bán hàng tổ chức ngày 9/1 ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - Ảnh: Thanh Lâm |
Chị Phan Thị Lài - tiểu thương bán áo dài trong chợ Bến Thành, là một trong vài chủ sạp đăng ký tham gia live stream bán hàng cùng tiktoker có tiếng ngày 15/12/2023 - cho hay, sau buổi trên, chị vẫn chưa tự thực hiện buổi live stream nào ở gian hàng của mình.
Theo chị, live stream chỉ phù hợp với người kinh doanh tự do, tự chủ về thời gian, có không gian rộng rãi để thực hiện. Đối với sạp trong chợ, khách ra vào hỏi sản phẩm liên tục, người bán không thể vừa live stream, vừa tiếp khách trực tiếp.
“Tiểu thương chỉ có thể live stream buổi tối tại nhà nhưng sau 1 ngày kinh doanh tại chợ, tôi không còn sức để live stream, còn nếu thuê người trẻ thì phải tốn kinh phí đào tạo về cách live stream” - chị Lài nói.
Một tiểu thương khác ở chợ Bến Thành (xin không nêu tên) cho hay, trong buổi live stream cùng tiktoker nổi tiếng, sạp của chị không chốt được đơn hàng nào. Theo chị, TikTok chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng khoảng 19-25 tuổi, sản phẩm bán ra có giá chỉ trên dưới 200.000 đồng và phí vận chuyển phải dưới 20.000 đồng, mới được chốt đơn, trong khi 1 sản phẩm quần áo ở chợ Bến Thành có giá từ 500.000 đồng trở lên.
Một số tiểu thương ở chợ Bến Thành đã đăng ký tham gia chương trình live stream nhưng sau đó hủy đăng ký do TikTok yêu cầu phải hạ giá sản phẩm đến mức “siêu rẻ” để hút khách, trong khi các nhà phân phối sản phẩm thì yêu cầu nhà bán lẻ áp dụng mức giá chung.
Phải có chiến lược tổng thể, dài hơi
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - các nhà bán hàng trên thế giới đã đạt kết quả rất tốt thông qua hình thức live stream. Trong năm 2023, việc TikTok Shop phát triển ở Việt Nam đã tạo thêm động lực, điều kiện để hình thức bán hàng này phát triển mạnh mẽ hơn, các nền tảng thương mại điện tử khác cũng đẩy mạnh live stream bán hàng, đưa thương mại điện tử Việt Nam lên tầm cao mới. Việc chính quyền địa phương hỗ trợ người bán hàng là tín hiệu rất đáng mừng, là bước chuyển rất tốt cho thị trường trong thời gian tới.
|
Các tiktoker chuẩn bị cho buổi live stream bán hàng ở chợ Bến Thành ngày 15/12/2003 - Ảnh: Q.Thái |
Nhưng cũng theo ông, muốn live stream hiệu quả, các nền tảng thương mại điện tử nói chung vẫn còn lệ thuộc vào một số người nổi tiếng (KOL), người tiêu dùng có sức ảnh hưởng (KOC). Việc nhờ họ để làm tăng mức độ nhận diện sản phẩm là tốt nhưng nếu hình ảnh của những KOL, KOC này vì lý do nào đó lại bị xấu đi thì giá trị thương hiệu được xây dựng trước đó cũng bị ảnh hưởng xấu.
“Các cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý được những người tham gia live stream bán hàng nói chung, KOL, KOC nói riêng. Những người này phải cam kết nói đúng về chất lượng sản phẩm, chỉ quảng cáo bán sản phẩm minh bạch về nguồn gốc để góp phần làm cho thị trường lành mạnh hơn, làm cho lĩnh vực thương mại điện tử phát triển bền vững” - ông Nguyễn Ngọc Dũng nói.
Ông Hồ Đình Viên - Giám đốc Công ty Xuất khẩu thời trang Veco, nơi tự đào tạo cách live stream bán hàng cho các nhà phân phối - cho rằng, để phương thức live stream bán hàng tồn tại và phát triển thì Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cùng các đơn vị liên quan phải tham mưu để UBND TPHCM có chiến lược dài hơi và tổng thể cho lĩnh vực này. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần có sản phẩm tốt, quảng bá tốt và bán hàng tốt; trong đó, sản phẩm tốt là yếu tố quan trọng nhất. Muốn bán được hàng bất kể ở đâu, qua hình thức nào (kể cả live stream), cũng phải bán sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.
Theo ông, live stream là hình thức bán hàng xuyên biên giới. Nếu mua hàng ngoại có giá rẻ hơn, phí vận chuyển về Việt Nam rẻ hơn thì người tiêu dùng sẽ đặt mua hàng ngoại, hàng Việt Nam càng khó cạnh tranh: “Phải có sự quy hoạch về mạng lưới logistics (kho bãi, vận chuyển, giao nhận) và giảm thuế để hỗ trợ chi phí vận chuyển cho các gian hàng Việt”.
Đại diện một doanh nghiệp từng tham gia hoạt động live stream ở chợ Bến Thành cho rằng, có thể live stream trên nhiều nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube, các sàn thương mại điện tử. Mỗi nền tảng có một phân khúc khách hàng riêng. Do đó, chính quyền TPHCM nên phối hợp với nhiều đơn vị để khai thác tối đa mô hình kinh doanh mới này thay vì chỉ phối hợp với TikTok. Đa dạng hóa nền tảng giúp tránh được tình trạng lệ thuộc.
Hoạt động live stream ngoài TPHCM do TikTok tự sắp xếp, bố trí Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, viện là đơn vị đứng ra phối hợp chính thức với TikTok Việt Nam. Nếu TikTok muốn thực hiện chủ đề nào đó trên địa bàn TPHCM sẽ bàn bạc với viện để giúp sắp xếp, lên kế hoạch, làm cầu nối kết nối. Hoạt động live stream tại Bến Tre vừa qua do nằm ngoài TPHCM nên TikTok tự sắp xếp, bố trí. Viện không nắm khâu tổ chức thực hiện mà chỉ gợi ý chủ đề phù hợp với bối cảnh kinh tế, mùa vụ của địa phương. Chẳng hạn vào dịp tết, viện sẽ gợi ý nên thực hiện tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trước khi thực hiện tại Bến Tre, TikTok đã tự khảo sát và thực hiện live stream tại làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp. Riêng hoạt động live stream tại làng hoa Thủ Đức được tổ chức vào cuối tháng Một này thì viện sẽ nắm khâu tổ chức do đây là hoạt động chính nằm trong chương trình “Ngày hội mua sắm tết trực tuyến TPHCM - Ấn tượng Thủ Thiêm” của TPHCM. Live stream là mô hình kinh doanh mới vừa được thí điểm tại TPHCM nên các bên vừa thực hiện vừa đúc kết kinh nghiệm. Thông thường bán hàng qua TikTok Shop sẽ có 4 loại phí: phí sàn, phí thuê các KOL/KOC, phí hoa hồng doanh thu sản phẩm cho KOL/KOC, phí ê kíp vận hành. Tuy nhiên các điểm kinh doanh khi bán được sản phẩm qua các hoạt động live stream do viện phối hợp với TikTok thì chỉ mất 2 loại phí là phí sàn, phí hoa hồng trên doanh thu bán hàng. 2 loại phí còn lại và nhiều chi phí khác trong chương trình đều do TikTok hỗ trợ hoàn toàn. |
Live stream hỗ trợ nông dân nhưng lại bán hàng gia dụng Mới đây, nghe tin có người nổi tiếng về tỉnh Bến Tre live stream để giúp nông dân bán hoa, kiểng tết, nhiều người háo hức chờ đợi, ai dè hầu hết các buổi live stream là để bán hàng gia dụng. Cụ thể, buổi live stream diễn ra từ 12g đến hơn 16g ngày 9/1 tại xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Theo thông tin ban đầu, các nhà sáng tạo trên TikTok (tiktoker) như Long Chun, Tun Phạm, Phương Oanh… sẽ live stream trên TikTok Shop để bán cây giống và một số sản phẩm khác cho nhà vườn theo chủ đề “Chợ tết miền Tây”. Tuy nhiên, chỉ có 1 vựa cây giống, 1 người bán thịt gác bếp và 1 đơn vị kinh doanh lạp xưởng đăng ký tham gia. Trên thực tế, chỉ có vựa cây giống tham gia bán hàng, còn buổi live stream chủ yếu là để các tiktoker bán những mặt hàng khác như bình siêu tốc, bếp từ, máy ép trái cây. Các tiktoker không phối hợp với chính quyền địa phương khi tổ chức buổi live stream bán hàng này. Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách - cho hay, ông nắm được thông tin có nhóm tiktoker hỗ trợ nông dân bán hàng là qua báo chí và ông không rõ họ bán sản phẩm gì, cũng như thời gian và địa điểm cụ thể. |
Thanh Hoa - Thanh Lâm