Không phải bởi... lò than

02/10/2018 - 12:19

PNO - Vấn đề không phải là cái lò than, mà là không khí gia đình, là cảm giác đầm ấm, gắn bó. Đừng loại bỏ, chỉ trích những nền nếp cũ mà hãy gạn lọc trong đó những cái tinh túy đã được gìn giữ lâu đời...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Má chồng em là người thủ cựu, trong khi em không chịu được những lề thói cũ. Em lấy chồng cách đây sáu năm, ra ở riêng ngay, vì không thể chịu nổi cách sống ở nhà chồng. Gia đình ở ngay quận Gò Vấp mà còn nuôi bò. Ba má, anh chị em trong nhà đi mua cỏ, chở về cho bò ăn, mùi phân bò ám vô mọi thứ. Sau này ba má không nuôi bò nữa, nhưng những việc khác trong cuộc sống thì vẫn vậy. Ví dụ ăn cơm xong, thứ gì còn, như tô thịt kho, chén nước mắm… vẫn đậy lồng bàn để đến chiều. Em không chịu được.

Khong phai  boi... lo than
Ảnh minh họa

Em dị ứng nhất là cái lò than. Mỗi lần cả nhà tề tựu, má chồng em bưng cái lò than to bỏ ra ngoài sân, quạt lò nướng sườn, đổ bánh xèo… rồi đặt ấm nấu nước sôi lên đó. Cái lò với em là cực hình - quạt hoài mà vẫn khói mù mịt, nước mắt giàn giụa. Nhưng sợ nhất là mấy đứa nhỏ. Con em mới bốn tuổi, ưa chạy tới chơi chỗ bếp lò, nhỡ con bị tàn lửa, bị bỏng. 

Em nói má nấu nướng đơn giản thôi, dùng bếp ga cho khỏe, nhưng mỗi lần vậy là má giận, má nói than này đượm, có gì đâu mà không quạt được, hồi xưa củi ướt, mùn cưa… thì sao. Mỗi lần về, em chỉ mong mau rời khỏi đó để về nhà mình. Mà lạ là chồng em ưa về nội lắm, mỗi lần về cứ cà kê hoài không chịu đi.

Nguyễn Hồng (TP.HCM)

Em Hồng thân mến, 

Má chồng em không quên được cái lò than, vẫn coi nó như một cái bếp đặc biệt cho những ngày gia đình sum họp, không phải vì má ưa cực khổ, mà vì cái lò than đó nướng thịt ngon hơn, đổ bánh ngon hơn. Má muốn chồng con được hưởng miếng ăn ngon lành nhất, nên má sẵn sàng chịu khổ. Cái đức tính muôn đời của phụ nữ Việt Nam là vậy, chứ không phải má muốn đem lò than ra thử thách dâu con đâu em.

Khong phai  boi... lo than
Ảnh minh họa

Mà cô gái hiện đại như em, quạt lò than vài lần là rút được kinh nghiệm ngay thôi. Ví như mình mặc đồ gò bó quá, váy vóc vướng víu thì đem bộ đồ mặc ở nhà theo, thay cho thoải mái. Thổi mệt thì bưng quạt máy ra cho nó thổi giùm. Mệt nữa thì kêu chồng phụ quạt. Nói cho cùng, lò than cho mình nhiều trải nghiệm thú vị lắm. Nhen cho cục than hồng không dễ, nhưng khi bếp đã hừng lên, em sẽ thấy công sức mình đáng giá. Cái kiên nhẫn của đàn bà trong việc nhen nhóm, giữ gìn hơi ấm gia đình cũng như vậy đó. Các bà thuộc thế hệ trước nhiều bí kíp nhóm lò, em cứ hỏi, má sẽ chỉ thôi mà.

Em hãy làm chủ cái lò, đừng sợ hãi nó. Hôm nào vui, khỏe thì điện thoại hỏi trước má mai đốt lò ăn món gì; hôm nào mệt, em điện thoại nói sẽ mang món này món kia đến, cả nhà nghỉ ngơi, ăn uống chuyện trò, cũng đâu có sao. Vấn đề không phải là cái lò than, mà là không khí gia đình, là cảm giác đầm ấm, gắn bó. Đừng loại bỏ, chỉ trích những nền nếp cũ mà hãy gạn lọc trong đó những cái tinh túy đã được gìn giữ lâu đời, được thế hệ trước dành lại cho mình, em nhé.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:
hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI