Không ở chung với mẹ là… bất hiếu

29/11/2021 - 10:03

PNO - Người già cần sự quan tâm. Chị nên đến thăm mẹ nhiều hơn, chăm sóc chi tiết những sở thích của bà, đừng phó mặc cho người giúp việc.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Tôi năm nay 52 tuổi, lập gia đình rồi sau đó chia tay, các con đã lớn và tự lập. Trước đây tôi có cửa hàng buôn bán đồ nội thất, cách đây hai năm tôi quyết định nghỉ kinh doanh, dành thời gian cho riêng mình. Tiền bạc vậy cũng đủ rồi, tôi không ham tích lũy làm giàu nữa, chỉ muốn sống những ngày còn lại theo ý thích. 

Có một băn khoăn là mẹ tôi đã ngoài 80 tuổi. Bà có ba con nhưng hai anh chị của tôi gia đình đều ở nước ngoài, còn tôi không hợp tính mẹ. Mọi người đều hỏi sao tôi không về ở chung với bà, cả hai mẹ con đều cùng thành phố, vậy mà mỗi người một nhà.

Tôi có thử về ở với mẹ vài lần rồi, nhưng chỉ được vài bữa là sinh chuyện, tôi và mẹ đều có những cái khác biệt rất khó thu xếp.

Mặt khác, tôi thích đi đây đi đó, không muốn nhốt đời mình một chỗ. Tôi thuê người giúp việc ở cùng để chăm sóc bà, có gì thì gọi điện báo tin. Tôi thấy cách làm này ổn thỏa, vì người giúp việc có chuyên môn, có trách nhiệm với đồng lương họ nhận.  

Tháng vừa rồi mẹ tôi nhập viện trị bệnh một đợt, người giúp việc cũng vào chăm. Chắc trong thời gian ở viện, bạn bè mẹ đến thăm đã nói chuyện thế nào, nên nay tôi lại nghe điệp khúc “con về ở với mẹ”.

Tôi bảo không được vì sắp tới tôi theo một khóa tập thiền ba tháng tại Đà Lạt, mẹ rất giận tôi, nói tôi ở đâu cũng được mà không chịu về ở với mẹ.

Bà con trong gia đình, các anh chị cũng làm áp lực. Tôi thật sự rất mệt mỏi, vì nói sao rồi cũng mang tiếng “bất hiếu”, mà thực sự chỉ một mình tôi lo cho mẹ. Chẳng lẽ cứ phải về ở chung mới là chăm lo? 

Hoài Vân (TP.HCM)

Chị Hoài Vân thân mến, 

Xã hội vẫn đang còn rất nhiều định kiến. Ngay cả khi người phụ nữ đã tự giải phóng mình ra khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, những trách nhiệm khác vẫn chờ chực để quàng lên vai họ. Nếu không tuân theo cách nghĩ, cách làm thông thường, họ dễ bị nhận xét, bị than phiền, bị đặt câu hỏi về trách nhiệm, tình cảm…

Trong hoàn cảnh cụ thể của gia đình chị, chỉ một mình chị còn gần mẹ, những người ở xa có làm áp lực để chị về sống chung với mẹ cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là quyết định của chị.  

Chị đang trong một tình thế rất khó giải thích. Nhưng thực ra mà nói, có cần thiết phải đặt mục tiêu giải thích cho mọi người hiểu hay không? Đôi khi việc chấp nhận mọi người muốn hiểu sao thì hiểu cũng là một chọn lựa. Mình cũng không đủ thời gian và sức lực để có thể thuyết phục mọi người phải đồng ý với mình.

Nhiều chị em biết mình là người khó tính, không sống chung với ai được kể cả người thân, họ quyết định sống một mình để giữ gìn các mối quan hệ.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Cuộc sống riêng của chị, hạnh phúc, niềm vui của chị, chỉ mình chị cảm nhận được. Chị có quyền tận hưởng nó khi còn có thể. Rất có thể mai này chị thấy cần về ở chung với mẹ, đó cũng là điều bình thường thôi. Trong những giai đoạn khác nhau của đời người, người ta có những nhu cầu khác nhau.

Vấn đề của chị là cân bằng giữa cuộc sống riêng và trách nhiệm với mẹ. Người già cần sự quan tâm. Chị nên đến thăm mẹ nhiều hơn, chăm sóc chi tiết những sở thích của bà, đừng phó mặc cho người giúp việc. Chị có thể trò chuyện với bà để biết mẹ cần gì và chị có thể đáp ứng.

Cứ bình tĩnh, vui vẻ giữ sự cân bằng giữa cuộc sống của mình và cuộc sống của mẹ, không cần phải tự ép mình.  

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn  gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(9)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI