Không “nuôi” cái ác

15/04/2013 - 16:17

PNO - PN - Những câu chuyện “nồi da xáo thịt” xảy ra gần đây khiến cả xã hội không thể không âu lo. Tại sao người ta lại có thể sát hại chính người ruột thịt, máu mủ của mình? Theo tôi, gia đình để xảy ra cơ sự như vậy, là do...

Thuở bé, có một lần tôi ngỗ nghịch, mẹ tôi bảo cha: “Cho nó một trận cho chừa”. Cha tôi không làm theo, mà chỉ bắt tôi ngồi đối diện với ông để nói chuyện thiệt hơn. Ông để tôi tự phân tích về việc mình đã làm, tự đánh giá xem lỗi nằm ở đâu. Cứ thế, tôi ngồi vắt óc để kể cho đúng tội, kể chưa đúng, cha tôi bắt kể lại. Tự xét lỗi của mình thật khó, thế là tôi cứ “lên bờ xuống ruộng” với việc này. Có lúc, tôi còn chủ động xin “thay vì phải nói, con chịu một trận đòn được không?”, nhưng cha cương quyết lắc đầu. Khi đã tạm đồng ý với những nội dung con trai kể, cha tôi mới từ tốn phân tích thiệt hơn, đúng sai, và cuối cùng là bắt tôi hứa “về sau sẽ như thế nào”.

Khong “nuoi” cai ac

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi nhớ có lần, khi hai cha con “làm việc” với nhau xong, mẹ bực tức bảo cha: “Cho một trận thật đau là nhớ đời ngay, nói tới nói lui làm gì cho mất thời gian”. Cha tôi đã nói: “Đừng đánh người, đánh người thân trong nhà lại càng không nên. Đánh người, dù ít dù nhiều cũng chứa cái ác trong đó. Trong một gia đình, đừng nuôi dưỡng cái ác”.

Hồi học lớp 2, tôi về nhà với hình ảnh tả tơi: quần áo lấm lem, mặt sưng vù. Tôi ấm ức báo cáo: “Con không làm gì cả, bị K. đánh”. Mẹ tôi xót con, lớn tiếng: “Con ngốc vậy, đưa thân cho người ta đánh như vậy à? Sao không đánh lại?”. Cha tôi lại ôn tồn: “Thôi, đánh nhau không phải là cách hay”. Dù mới bị bạn đánh tơi bời, tôi còn bị cha bắt ngồi “làm việc”. Thế là lại kể đầu đuôi câu chuyện, tự nhận xét đúng sai, rồi lại xin hứa, và cuối cùng cha tôi đưa ra lời khuyên. Lúc ấy, tôi ấm ức hỏi: “Sao kỳ vậy, con bị người ta đánh, giờ lại phải ngồi nhận lỗi là sao? Không đánh lại, mai mốt bạn đánh tiếp thì phải làm thế nào?”. Cha tôi đã nói: “Cha lớn tuổi hơn con nhiều, đúng không? Vì cha không bao giờ muốn đánh người khác, nên cha hầu như không bị ai đánh cả. Con người với nhau, nên tránh vũ lực”.

Cha tôi không đánh con, nên mẹ tôi dù đôi lúc không kiềm chế được, muốn đánh con nhưng cũng thôi. Vì vậy, hầu như xóm giềng không nghe gia đình tôi to tiếng, nói chi đến bạo lực. Mấy chị em chúng tôi, sau này lớn lên, đi khắp nơi lập nghiệp, cũng giữ được nếp “không lấy bạo lực để giải quyết vấn đề”. Tất nhiên, cha mẹ tôi, hay anh chị em chúng tôi cũng gặp những mâu thuẫn gia đình như bao gia đình khác. Thậm chí, chị tôi còn mâu thuẫn với chồng đến mức phải ly hôn, nhưng tuyệt nhiên không xảy ra bạo lực.

Trong những trường hợp hành hung người thân xảy ra vừa qua mà báo chí đã đăng, kẻ thủ ác đều hành động trong sự thiếu kiếm chế. Nhưng theo tôi, sâu xa nhất, họ không kiềm chế được là vì trước đây họ cũng đã từng không kiềm chế từ những mâu thuẫn nhỏ, sau đó tăng dần cấp độ. Khi gây án mạng, cũng là lúc nóng giận “leo thang”. Nếu mỗi gia đình biết cách triệt tiêu “những nấc thang nóng giận” đầu tiên, sẽ khó xảy ra việc đau lòng đến vậy.

Cuối cùng, tôi nghĩ, trong rất nhiều giá trị tốt đẹp, giá trị “cùng giúp nhau sống hiền hòa, biết chia sẻ, có trách nhiệm với người thân” là một giá trị cần lưu ý để bồi đắp. Có như thế mới không chừa “đất sống” cho cái ác, từ đó giải quyết tận gốc được nạn bạo lực gia đình.

Sơn Khê
Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: giatrigiadinh@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI