Không “nhiều chuyện” không phải phụ nữ!

28/02/2017 - 16:25

PNO - Người ta thấy, cứ hai người phụ nữ ngồi với nhau thì không sao, nhưng có sự hiện diện của người nữ thứ ba, lập tức hình thành nên việc nói sau lưng.

Một bà mẹ kể câu chuyện về cô con gái nhỏ như sau:

Vào năm học lớp năm, một hôm đi học về cháu thỏ thẻ với mẹ rằng rất thích làm… tổ trưởng. Theo ý cháu, làm tổ trưởng rất oai, được quyền đứng đầu hàng kêu các bạn xếp hàng, được cô giáo nhờ những việc của lớp như lấy sổ đầu bài, phát bài kiểm tra… và cháu rất thích ở vị trí đó. Thấy nguyện vọng của con cũng… chính đáng, bà mẹ liền ghi vào phiếu liên lạc nhờ cô giáo chủ nhiệm…xem xét, nếu thấy cháu có khả năng thì cho cháu làm… tổ trưởng. Và thế là năm học đó, cô bé được làm tổ trưởng, cô làm rất tốt, được cô giáo chủ nhiệm tín nhiệm.

Tuy nhiên, đầu năm lớp 6, bà mẹ rất ngạc nhiên khi thấy con gái từ chối chức tổ trưởng do các bạn đề nghị và trông cháu có vẻ buồn buồn! Hỏi mãi, cô bé mới nói: “Con thích làm tổ trưởng, nhưng con không chịu được các bạn nói xấu sau lưng con!”. Bà mẹ ngạc nhiên lắm: “Sao con biết các bạn nói xấu sau lưng?”. Cô bé trả lời: “Hôm bữa đầu năm, lúc xếp hàng, con thấy mấy bạn gái xầm xì rồi nhìn về phía con”. Bà mẹ hỏi tiếp: “Nhưng sao con biết các bạn ấy nói xấu con?”. Cô bé khẳng định: “Nhìn cái miệng các bạn ấy nói là con đoán biết ngay!”. Bà mẹ bật cười, nhưng rồi chợt nghĩ, có thể bằng một cảm giác nhạy bén nào đó, con mình đoán ra, hay cũng có thể nó nghe lời xầm xì râm ran từ trong đám bạn bè.

Đừng cho câu chuyện trên đây là chuyện trẻ con. Từ câu chuyện này khiến người ta liên tưởng đến tính buôn chuyện và thích bàn luận sau lưng người khác của cánh phụ nữ. Nói cách khác đó là những thông tin mà nhân vật chính thường không được nghe (nếu có chỉ là nghe nói lại). Những thông tin kiểu này, nhiều khi, vô tình gây nên những hệ luỵ vô cùng quan trọng mà có thể  những người nói ra, đôi khi một cách vu vơ, không hề biết đến tác hại của nó.

Khong “nhieu chuyen” khong phai phu nu!
 

Tính buôn chuyện hay nói xấu nhau hình thành từ rất bé khi con người bắt đầu biết suy nghĩ. Người ta thấy, cứ hai người phụ nữ ngồi với nhau thì không sao, nhưng có sự hiện diện của người phụ nữ thứ ba, lập tức hình thành nên việc nói sau lưng (ông bà xưa nói cấm có sai “ba bà và một con vịt thành cái chợ”). Một điều đặc biệt thường thấy ở phụ nữ là đôi khi họ không nói thẳng với nhau mà cứ thích nói vòng qua người khác. Nếu lời nói thẳng đi ngay vào vấn đề, thì lời nói qua, nói lại  thường mang đậm tính chất giãi bày hay bêu xấu nhau, nâng quan điểm lên, đôi khi còn thêu dệt hay phóng đại. Rồi có lúc để tán rộng ra, bổ sung thêm quan điểm (quan trọng hoá) của mình vào cho dài câu chuyện mà thật ra nó rất ngắn gọn và vấn đề thì chẳng có gì trầm trọng.

Một đặc điểm nữa của tính buôn chuyện đó là nhiều khi vì những phát biểu vu vơ, tưởng là vô hại đối với ai đó, khi đến tai một ai đó lại được thổi phồng lên và thành có hại!

Thật ra, buôn chuyện là điều tích cực nếu đó là những thông tin bổ ích cần thiết cho công việc hay muốn tìm hiểu về người khác và thậm chí là tìm hiểu ngay chính người đang buôn chuyện chẳng hạn. Đó là buôn chuyện biết chọn lọc, thông tin nào cần thiết hay không cần thiết, thông tin nào cần quan tâm, thông tin nào vô bổ. Đây là điều rất khó, phải là người bản lĩnh lắm  mới phân biệt và chọn lọc thông tin bổ ích cho mình.

Có điều khôi hài thế này, người ta thường thấy khi hai người phụ nữ đang xầm xì to nhỏ về một vấn đề gì đó. Nếu vấn đề được gọi là “bí mật” thì câu chuyện sẽ luôn được bắt đầu: “Kể nghe biết vậy thôi nhé, đừng kể với ai”. Người đối diện do rất muốn được nghe liền đưa tay xin thề: “Không kể với ai đâu!”. Và thế là, dường như rừng có mạch, vách có tai hay sao ấy, câu chuyện bí mật kia sẽ được loan truyền nhanh nếu đó là tin tức sốt dẽo, là câu chuyện tiếu lâm hay là thông tin về một nhân vật nào đó mà ai cũng chú ý, muốn biết… Từ đó, hình thành nên một quy luật cho cánh phụ nữ rút kinh nghiệm rằng, điều gì giấu được thì giấu kín, chớ hé môi cho ai biết, còn điều gì muốn hê lên cho cả làng biết thì phải chua thêm “bí mật đó, đừng kể với ai”. Phụ nữ mà, họ sẽ không kể với một ai đâu mà sẽ kể cho ba, bốn ai khác nữa lận!

Một điều cũng cần bàn thêm nữa là giờ đây khi hai từ “buôn chuyện” đang gần như gắn liền với phụ nữ thì cánh phụ nữ lại thường lấy làm tự hào (hay rủ nhau) cùng “tám”. Khỏi cần định nghĩa từ lóng này mới xuất hiện những năm gần đây bởi giờ đã thịnh hành và ai cũng biết.

Ông bà xưa thường dặn dò (có lẽ ông bà biết rằng con cháu luôn thích buôn chuyện): “Chuyện nghe đâu bỏ đó, đừng nói đi nói lại đâm phiền!”. Và, người xưa cũng kết luôn: “Hoạ từ miệng mà ra” , hay bên trời Tây họ cũng đúc kết rằng một trong ba thứ trên đời này không bao giờ lấy lại được là lời đã nói!

Rõ ràng, ở thời buổi mà thông tin cũng là một tài sản đặc biệt thì việc ai cũng cần phải nói, trao đổi, tiếp xúc, tìm kiếm thông tin, ngoại giao… Thậm chí cha mẹ cho rằng con cái hoạt bát mới thành công, chứ suốt ngày “ngậm hột thị” thì làm ăn gì! Thế nhưng, học nói cũng ngang bằng với học ăn. Biết nói rồi chưa chắc đã nói hay, không làm mất lòng người khác. Thì thôi, khi chưa đạt đến mức cao thủ võ lâm “khéo ăn khéo nói” thì hãy nói chầm chậm và chọn lọc trước khi nói hỡi các bạn gái; mà, người xưa cũng đã dặn kỹ rồi đó, ráng mà uốn lưỡi cho đủ mấy lần (không yêu cầu đủ đến bảy lần đâu) bởi lời nói đôi khi vô tình mà thành chủ ý cho một ai đó và có hại cho một ai đó!

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI