Không nhấc điện thoại gọi cấp trên, người hùng cứu thế giới khỏi chiến tranh hạt nhân

19/09/2017 - 09:35

PNO - Báo chí phương Tây gọi ông, cựu Trung tá Phòng không Liên Xô (cũ) Stanislav Petrov là “người hùng” của Chiến tranh Lạnh, người cứu thế giới khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Hôm nay, giữa lúc thế giới một lần nữa đứng bên bờ vực thảm họa hạt nhân, truyền thông thế giới lại nói đến nhân vật “lịch sử” này, đặc biệt sau khi một nhà hoạt động người Đức cho biết người anh hùng thầm lặng đã qua đời cách đây 4 tháng, thọ 77 tuổi. 

Petrov là cầu nối duy nhất giữa cảnh báo phóng tên lửa và một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm tàng giữa hai siêu cường Nga-Mỹ vào năm 1983.

Khong nhac dien thoai goi cap tren, nguoi hung cuu the gioi khoi chien tranh hat nhan
Cựu Trung tá Liên Xô Stanislav Petrov tại nhà riêng tháng 3/2004 - Ảnh: ArsTechnica/ Getty Images

Trung tá Phòng không Petrov là sĩ quan trực ban chịu trách nhiệm về hệ thống cảnh báo sớm của lực lượng hạt nhân Liên Xô vào đêm 26/9/1983. Khi đó, ông đã quyết định không trả đũa khi một tín hiệu tấn công giả cho thấy Mỹ phóng tên lửa hạt nhân về phía Nga.

Ông được các nhà hoạt động hạt nhân mệnh danh là “người cứu thế giới” khi họ xác định rằng hệ thống của Liên Xô bị sự phản chiếu của Trái đất “đánh lừa”.

Câu chuyện của Petrov đã được các sử gia kể lại nhiều lần, gần đây được tác giả William Taubman nhắc đến trong tiểu sử của nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Đêm đó, mới qua nửa đêm, hệ thống cảnh báo sớm hạt nhân Oko ("Con mắt") của quân đội Nga, phát tín hiệu một tên lửa của Mỹ đã được phóng lên.

"Lần đầu tiên nhìn thấy thông điệp cảnh báo, tôi đã bật dậy khỏi ghế”, Petrov nói với RT trong một cuộc phỏng vấn năm 2010. "Tất cả các sĩ quan cấp dưới của tôi đều bối rối, vì vậy tôi bắt đầu hét lớn các mệnh lệnh để trấn an họ, tôi biết quyết định mình đưa ra sẽ có nhiều hậu quả”.

Sau đó, nghe thấy tín hiệu báo động thứ hai. “Tiếng còi báo động lần thứ hai đã tắt, những dòng chữ đỏ như máu xuất hiện trên màn hình chính của trung tâm báo BẮT ĐẦU. Nó nói rằng thêm 4 tên lửa nữa đã được phóng”, Petrov kể lại.

Nếu báo động là thực, thì các tên lửa của Mỹ sẽ bay đến Liên Xô sau 30 phút nữa. Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov đang đau ốm. Nếu tuân thủ các thủ tục hiện hành, Petrov sẽ có ít hơn 15 phút để cảnh báo Chủ tịch Andropov về việc Mỹ phóng hạt nhân - và có thể sẽ có lệnh phóng tức thì các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga.

"Chiếc ghế bành ấm áp của tôi lúc này giống như một cái chảo nóng đỏ, hai chân tôi tê dại”, Petrov nói với RT. "Tôi cảm thấy như tôi không thể đứng lên được, tôi rất lo lắng khi đưa ra quyết định của mình”.

Do số lượng các vụ phóng tên lửa được phát hiện tương đối nhỏ nên Petrov tin rằng báo động này chỉ là lỗi của hệ thống Oko. Có giả thuyết cho rằng Mỹ sẽ đồng loạt phóng tên lửa trước để tấn công phủ đầu Liên Xô, lần này không có dữ liệu về các máy bay ném bom hay các tín hiệu khác cho thấy cuộc tấn công sắp xảy ra.

Trong bối cảnh đó, Petrov đã bác bỏ cảnh báo. Tình huống này sau đó được xác định là do phản xạ mặt trời các đám mây trên lãnh thổ Mỹ.

Khong nhac dien thoai goi cap tren, nguoi hung cuu the gioi khoi chien tranh hat nhan
Vũ khí hạt nhân của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh - Ảnh: Getty Images

Bởi vì người nhận thông tin tối quan trọng ngày đó là Stanislav Petrov, một con người có suy nghĩ thấu đáo, nên Chủ tịch Andropov đã không nhận được cảnh báo, và không có phản ứng gì đối với một cuộc tấn công hạt nhân bị cảnh báo sai.

Nhiều năm sau, hành động của Petrov mới được đưa ra ánh sáng và được đánh giá là đã cứu nhân loại khỏi một thảm họa hạt nhân.

"Tất cả những gì tôi phải làm là nhấc điện thoại, dùng đường dây trực tiếp báo cáo cho các chỉ huy tối cao, nhưng tôi đã không thể làm điều đó”. Ông chỉ gọi điện đến sĩ quan trực ban ở Bộ Quốc phòng và báo cáo một sự cố hệ thống. Nếu ông sai, vụ nổ hạt nhân đầu tiên sẽ xảy ra sau đó ít phút.

"Hai mươi ba phút sau tôi nhận thấy không có chuyện gì xảy ra, nếu có tấn công thực bây giờ tôi đã biết về nó, tôi đã thở phào dễ chịu”, Petrov nhớ lại.

Mấy ngày sau, Petrov bị khiển trách vì những gì đã xảy ra vào đêm hôm đó, nhưng không phải vì những gì anh ta đã làm, mà là một số sai sót trong sổ ghi chép.

Sau khi nghỉ hưu ở một thị trấn nhỏ gần thủ đô Moskva, Petrov thừa nhận ông không bao giờ hoàn toàn tin chắc rằng đó là báo động giả. 30 năm sau sự cố, ông nói rằng “cơ may” chỉ là 50%!

Ông nói “may mắn đó là tôi!”, vì theo ông, nếu sĩ quan trực là ai khác thì báo động sẽ được cấp báo cho lãnh đạo Nga.

Petrov im lặng trong suốt 10 năm. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng không hay ho gì khi hệ thống của Liên Xô thất bại theo cách này”.

Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, câu chuyện của Petrov đã xuất hiện trên báo chí, và ông nhận được nhiều giải thưởng quốc tế. Nhưng ông không nghĩ mình là một anh hùng, vì theo như ông nói, "đó là công việc của tôi".

Năm 1984, Petrov xuất ngũ và nhận một công việc tại viện nghiên cứu đã phát triển hệ thống cảnh báo sớm của Liên Xô. Sau đó, ông nghỉ hưu để chăm sóc vợ vì bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Petrov qua đời ngày 19/5/2017.

Hòa Ninh (Theo ArsTechnica, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI