Không ngừng nâng cao vai trò PN trong gia đình và xã hội

08/03/2013 - 08:43

PNO - PNO - Ngày 7/3, tại Cung Văn hóa Lao Động, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa nữ lãnh đạo TP.HCM với trên 150 công nhân viên chức lao động (CNVC-LĐ) nữ đang làm việc tại các đơn vị, khu chế xuất, khu...

 Đến dự có các nữ lãnh đạo: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP; Võ Thị Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP và nhiều lãnh đạo sở ban ngành.

Cần có chính sách thỏa đáng cho lao động nữ

Tại buổi gặp gỡ, nhiều nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ) đã đề xuất lãnh đạo TP thực hiện các chính sách đối với lao động nữ như: việc làm, chế độ lao động nữ, nhà ở xã hội, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phối hợp công tác tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng bạo hành trong gia đình nữ CNVC-LĐ đến các chiến lược quy hoạch, đào tạo, đề bạt cán bộ nữ ở các ngành, các cấp theo tiêu chuẩn chức danh…

Khong ngung nang cao vai tro PN trong gia dinh va xa hoi

Nữ CNVC-LĐ đề đạt ý kiến của mình tại buổi gặp gỡ.

Chị Lê Thị Ngọc Nhung (12 năm làm bảo mẫu, hiện đang làm việc tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) bày tỏ một thực tế đáng buồn của nghề: Mỗi ngày làm việc 8 giờ nhưng chỉ được hợp đồng thời vụ 9 tháng với nhà trường, 3 tháng hè không có lương nên các bảo mẫu phải tìm việc làm thêm, tự bỏ tiền đóng BHYT, BHXH để được hưởng chế độ liên tục. Các chị không từ bất cứ việc gì để tăng thu nhập, từ may thêu, gia công thêm đến giúp việc nhà, chạy bàn, rửa chén trong các quán ăn… “Được chính thức có tên trong danh sách định biên với mức lương hợp lý và ổn định để toàn tâm toàn ý chăm lo trẻ” là mong muốn của chị.

Chị Bùi Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn phản ánh thực tế: hiện nay điều kiện làm việc của lao động nữ trong các doanh nghiệp một số nơi chưa đảm bảo, điều kiện vệ sinh kém nên ảnh hưởng đến sức khỏe của lao động nữ. Chị Nhung mong muốn ngành y tế, chi cục dân số…tăng cường nhiều hoạt động tổ chức khám phụ khoa miễn phí cho CNLĐ nữ ở những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và ở các huyện ngoại thành.

Chị Lê Thị Mỹ Châu, Chủ tịch Công đoàn ngành y tế TP, kể câu chuyện thiệt thòi mà nữ trí thức ngành y đối diện: Khi tốt nghiệp ngành y, đã 24 - 25 tuổi, cộng thêm thời gian để đủ thâm niên đi làm, đi học 5 năm cho mỗi bậc sơ bộ chuyên khoa, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 thì khi đạt chuẩn chức danh chuyên môn, chị em cũng đã ở tuổi 40! Chưa kể còn thời gian học ngoại ngữ, chính trị và đặc biệt là 5 - 10 năm để thực hiện thiên chức của người mẹ, khi đến lúc có thể đảm bảo hội đủ các tiêu chuẩn có khi đã không còn đủ tuổi đưa vào diện quy hoạch hoặc bổ nhiệm các chức danh quản lý.

Về nhà ở, chị Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp cho rằng, nhiều năm qua TP có chủ trương bán nhà ở xã hội cho CNVC-LĐ nhưng đa số đối tượng mua nhà là cán bộ công chức, giáo viên, còn đối tượng là CNLĐ chưa được hưởng chính sách mua nhà. Chị Yến đề xuất cần có chính sách dành cho đối tượng này.

Khong ngung nang cao vai tro PN trong gia dinh va xa hoi

Nữ lãnh đạo TP.HCM trao đổi với đại biểu nữ CNVC-LĐ tại buổi gặp gỡ.

Tại buổi đối thoại, các nữ lãnh đạo TP đã chia sẻ cũng như thông tin một số biện pháp cụ thể trong việc chỉ đạo, lãnh đạo, giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến kiến nghị, đề xuất CNVC- LĐ TP. Về vấn đề xây dựng nhà ở cho CNLĐ, nhà lưu trú cho công nhân, Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thị Hồng cho biết: từ năm 2006 đến nay UBND TP chấp thuận cho đầu tư xây dựng 20 dự án nhà ở xã hội tại các quỹ đất có nguồn gốc là đất nhà nước trực tiếp quản lý với tổng diện tích hơn 73 ha, dự kiến đầu tư gần 16.000 căn nhà ở xã hội tương đương 1,2 triệu m2 sàn xây dựng, tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, TP cũng đã chấp thuận chủ trương cho 5 dự án đầu tư xây dựng tại quỹ đất do doanh nghiệp tự bồi thường giải phóng mặt bằng với diện tích 10ha, quy mô 6.000 căn hộ. Về nhà lưu trú cho công nhân, từ 2009 đến nay đã có 6 dự án hoàn thành với diện tích đất hơn 45.000m2, đáp ứng hơn 10.000 chỗ ở cho công nhân. Có 4 dự án đang đầu tư xây dựng với tổng diện tích gần 40.000m2, đáp ứng 7.600 chỗ lưu trú cho công nhân. Có 5 dự án dự kiến khởi công năm 2013 với quy mô 17ha, đáp ứng khoảng 40.000 chỗ ở cho công nhân. Có 8 dự án đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng.

Tạo điều kiện nâng cao nhận thức chính trị, pháp luật

Không ít ý kiến tại buổi họp mặt đề xuất tạo điều kiện để CNVC-LĐ được học tập, nâng cao nhận thức về Đảng, nâng cao hiểu biết về giai cấp mình. Chị Võ Thị Đào (công nhân Công ty TNHH Punrkook, 100% vốn nước ngoài ở KCX Tân Thuận) kiến nghị: Cần nhiều hơn nữa các buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền về lịch sử Đảng, về pháp luật cho lao động. Đặc biệt, lãnh đạo các cấp cần tăng cường gặp gỡ đảng viên xuất thân từ công nhân - những người đã có quá trình phấn đấu bền bỉ và là tấm gương cho công nhân khác noi theo, để động viên, chia sẻ. Tiếp tục duy trì nêu “gương sáng đảng viên” trong doanh nghiệp…

Khong ngung nang cao vai tro PN trong gia dinh va xa hoi

Các nữ lãnh đạo TP.HCM chụp hình lưu niệm cùng đạ diện nữ CNVN-LĐ

Chị Trần Thị Hồng Vân, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei, cho biết: Các KCX-KCN hiện có hơn 250.000 công nhân nên rất cần có trung tâm bồi dưỡng giáo dục chính trị với các hoạt động phong phú, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho CNLĐ được tìm hiểu, học tập về Đảng, về giai cấp mình, từ đó nỗ lực phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Trả lời những kiến nghị này, bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM khẳng định: Lãnh đạo TPHCM luôn mong muốn trong Đảng có thêm nhiều đảng viên xuất thân từ công nhân. “Cần sớm có trung tâm bồi dưỡng giáo dục chính trị ở những nơi có đông công nhân lao động, để công nhân lao động được tạo điều kiện tốt nhất trong học tập, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, đây là trách nhiệm của chúng tôi”.

Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng các ý kiến, đề xuất của nữ đại biểu CNVC-LĐ TP là cơ sở quan trọng để Thành ủy, UBND TP và các ban ngành TP tiếp tục xem xét, điều chỉnh, tìm ra những giải pháp phù hợp nhất nhằm tiếp tục có những biện pháp cụ thể trong việc chỉ đạo, lãnh đạo, giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến CNVC-LĐ TP trong giai đoạn hiện nay, đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn các cấp thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ X.

Về tạo nguồn cán bộ nữ, Thành ủy sẽ tiếp tục duy trì và nâng tỷ lệ nữ trong chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, Chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn, Chương trình quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, trong công tác phát triển đảng nhằm tạo nguồn cán bộ nữ trẻ đáp ứng nhu cầu bổ sung cán bộ dự bị trong những năm tiếp theo.

Phấn đấu cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt từ 30% trở lên. Các cơ quan, đơn vị có 30% lao động nữ trở lên nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo là nữ; các sở, ban, ngành thành phố đều có cán bộ nữ tham gia trong ban lãnh đạo; nâng tỷ lệ thường trực cấp ủy quận, huyện trên 36%.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà

Để thực hiện tốt hơn các chính sách quan tâm đến lực lượng lao động nữ, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị LĐLĐ TP chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, lao động nữ trong việc chăm sóc sức khỏe và nắm rõ pháp luật lao động. Bên cạnh đó, công đoàn cần nâng cao hơn nữa vai trò cầu nối, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động…

Đề cập đến vấn đề bình đẳng giới, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, định kiến về giới vẫn còn tồn tại trong xã cơ hội, một bộ phận phụ nữ vẫn còn có mặt hạn chế; không ít phụ nữ vẫn còn tư tưởng an phận, chưa ý thức tự giác học tập, vươn lên, chưa nỗ lực phấn đấu tham gia vào các cương vị quản lý, lãnh đạo của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Đặc biệt, tập trung phổ biến sâu rộng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới trong cán bô, đảng viên và quần chúng nhân dân.

“Bên cạnh chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, điều quan trọng nhất là phụ nữ phải ý thức được năng lực của bản thân, phải tự học tập trau dồi kỹ năng kiến thức và từ thực tiễn lao động rút ra kinh nghiệm để hoàn thiện mình, để từ đó chứng tỏ bản lĩnh mình không thua kém nam giới. Trước hết, phải tự trang bị cho mình có được chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức hơn nữa trong việc học tập và lao động sáng tạo, góp phần tạo ra thật nhiều giá trị lợi ích cho gia đình và xã hội. Từ đó mới khẳng định được vị trí của mình trong xã hội và dần dần thay đổi ý thức của nam giới đối với vai trò người nữ trong gia đình và xã hội” - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Nhật Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI