Không sợ bất đồng để tránh bất hòa
“Tôi thích chữ “Không” vừa kiên quyết vừa có chút ương bướng nhưng hài hước của vợ nên nhiều lần bị từ chối cũng cáu nhưng không thể giận lâu. Cô ấy là người thẳng thắn, rõ ràng, rất yêu chồng con nhưng không nhường nhịn vô lối như nhiều phụ nữ khác. Không chỉ tôi mà ngay cả các con cũng biết khi mẹ đã nói “Không” đồng nghĩa với chuyện chúng ta phải lùi, mẹ có lý do và mẹ sẽ giải thích nhưng vào lúc nào hợp lý mẹ sẽ nói, còn bây giờ hãy tính phương án khác” - một người đàn ông kể về đặc điểm tính cách của vợ đã dần gây ảnh hưởng với cả gia đình được anh cho là thú vị, giúp gia đình ngày càng gắn bó.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Anh tiếp: “Chọn nơi du lịch hè cho cả nhà là một ví dụ. Vợ tôi thích đi biển, mua sắm còn 2 con và tôi thích leo núi, chơi dù lượn. Hè này có 4 ngày nghỉ, mấy cha con lấy lý do ưu tiên nơi nào có khoảng cách gần, thuận tiện đi lại, ngỏ ý muốn đi Hà Giang để bay dù nhưng mẹ lại chọn Singapore. Mấy cha con bỏ phiếu chống nhưng khi mẹ giải thích chọn nơi ấy không chỉ vì thích ăn cháo ếch mà còn vì muốn cho con trai xem kỹ trường con định chọn cho năm học tới, cho con gái nhỏ có thể sang gặp một cô em rất yêu quý ở Malaysia mà chỉ mất một thời gian ngắn ngồi xe buýt… thì tất cả đều bị mẹ thuyết phục”.
Vợ anh cũng dạy các con rằng ngay từ đầu, trong mọi bàn bạc, dự định, phân chia công việc ở nhà, nấu bếp, làm vườn…, cả gia đình đều nên tránh chuyện cả nể, nhường nhịn để rồi cuối cùng trong lòng vẫn ấm ức, mất vui. Tuy vậy, phải phản biện bằng con số hoặc kế hoạch cụ thể, chi tiết thì mới thuyết phục được người khác. Mọi việc từ nhỏ đến lớn đều cần thỏa thuận và thương lượng với nhau.
Sợ nhất chữ "tùy"!
“Sợ nhất khi bàn bạc gì mà chồng nói “Tùy em”. Chỉ một chữ đó thôi mà thấy trách nhiệm dồn hết lên vai mình. Quyết đúng thì không sao, chứ quyết sai là khổ vì day dứt, dằn vặt dù chồng có khi chẳng cằn nhằn chì chiết gì. Ông nào không biết điều, đã đùn đẩy cho vợ quyết, sau đó lại đổ lỗi thì chắc chắn gia đình sẽ căng thẳng” là chia sẻ của chị Quyên - một phụ nữ mà chồng thường xuyên công tác xa, có chuyến đi kéo dài đến nửa năm, mọi việc trong nhà đều do vợ lo toan. Đây cũng là suy nghĩ không hề cá biệt của nhiều phụ nữ.
Việc nhà hay kiếm tiền là việc chung, không có định kiến giới tính. Với nhiều gia đình, nóc nhà mặc nhiên được coi là hình ảnh của người chồng, người cha. Từ một trào lưu trên mạng, nhiều nam nhân thản nhiên khẳng định vợ mình mới là nóc nhà, hoàn toàn nhường vai trò và vị trí ấy cho người vợ thực chất vừa là nội tướng vừa là ngoại tướng. Mà đã là nóc nhà thì quyền “chịu lực, che nắng mưa cho cả gia đình” là đương nhiên. Chồng hay con có được hỏi cũng sẽ “Tùy em” hay “Tùy mẹ”. Cái nóc nhà luôn cần tỉnh táo, luôn chu toàn, không được quyền sai!
“Khi chưa kết hôn, cả hai đã thống nhất chia quyền quyết định cụ thể. Những khoản chi tiêu hằng ngày, hằng tháng, mức chi dưới 10 triệu đồng sẽ do vợ tôi tự quyết. Với những khoản đầu tư lớn hơn như mua nhà đất, xe cộ, đồ dùng giá trị cao, chọn trường cho con… thì vợ chồng sẽ cùng bàn bạc cân nhắc.
Vợ tôi tính toán giỏi, lại chịu khó tham khảo nhiều thông tin thị trường đầu tư, nhưng cô ấy không bao giờ lẳng lặng quyết chuyện gì. Nếu có bất đồng, cô ấy cũng sẽ nói ngay để chồng tính toán cân nhắc thêm chứ không “Dạ vâng” rồi vẫn tự làm theo ý mình. Ngược lại, nếu đã tranh luận nhưng không đồng thuận mà cô ấy nói “Tùy anh” là tôi cũng lập tức dừng lại vì biết mình không thể bảo thủ mà quyết bừa.
Khăng khăng bất chấp sẽ vừa gây bất hòa, vừa chịu nhiều áp lực. Có lần vui vui sau khi có lời rất nhiều từ một khoản đầu tư nhanh, tôi hỏi sao em không quyết luôn mà chờ bàn bạc với anh lỡ chẳng may vuột mất cơ hội trong khi tiền thì em có sẵn, thông tin em có cả rồi…; cô ấy bảo cứ theo đúng thỏa thuận, đầu tư cũng như đi xe buýt, không đi chuyến này thì đi chuyến khác, chúng ta cùng quyết chứ em làm sai thỏa thuận rồi lỡ có chuyện xui rủi, lại thêm khó chịu nặng nhẹ. Có tiền mà không vui đã không ham, đây lại mất tiền mà không vui, chẳng dại” - anh Tuấn Anh - chủ một doanh nghiệp nhỏ nhưng có tiềm lực tài chính - kể về vợ, cánh tay phải trong công ty nhưng luôn luôn không nhận vị trí nóc nhà.
“Cô ấy nói thích là cái phòng ngủ có chứa két sắt và camera chứ không bao giờ làm nóc. Nhiều người nói hôn nhân mà coi như một thương vụ đầu tư nên cần có cả các hợp đồng tiền hôn nhân, các quy ước, thỏa thuận rạch ròi thì có vẻ thiếu “nhân văn”, nhiều lý tính nhưng tôi nghĩ điều đó là nền tảng cần thiết cho mọi cuộc hôn nhân bền vững. Một thương vụ lớn thì cũng rất đáng để xem trọng. Vợ chồng mà có sự tôn trọng lẫn nhau như đối tác, như những nhà đầu tư thông minh, nhiều uy lực thì có gì sai! Nói cho cùng, dù tiền - tài sản, sẽ không là gì nếu không còn yêu thương tin cậy nhau nhưng nó cũng là một trong những điều kiện quan trọng” - anh giải thích.
Những phụ nữ biết mình là giường ấm, nệm êm; là bàn ăn ngon, bếp sạch; là tường rào vững chắc thì không cần xung phong làm nóc rồi lại gồng lên cho thiệt thân. Các ông chồng trong những gia đình này thường đánh giá vợ rất cao, lại càng tự hào hơn khi vợ mình năng động, tự tin, biết phản biện đến thế nhưng ở nhà, mình vẫn là nóc.
|
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team |
Cho mình, mà không phải chỉ cho riêng mình!
“Trong nhà tôi có quy ước rằng mẹ có ít nhất 1 tiếng cho riêng mình, gọi là “me-time”. Tôi sẽ tự sắp xếp để 1 tiếng đó rơi vào lúc không có ai ở nhà, ví dụ khi chồng đi làm và các con đi học; vào mùa hè thì là buổi sáng sớm, khi các con chưa thức dậy. Giờ thì thành nếp và quen rồi, bất cứ lúc nào trong ngày, chỉ cần thông báo: cho mẹ nửa tiếng me-time là mấy cha con sẽ tự động nhường, không gọi điện không hỏi han. Vào đúng lúc me-time thì mẹ sẽ chẳng nghe điện thoại chứ nói gì đến từ chối” là chia sẻ của chị Tô Hồng Vân - một bà mẹ 3 con bận rộn với nhiều công việc nhưng luôn theo sát thời khóa biểu của các con, luôn tự hào là một bà mẹ trực thăng có thể rà rà để con luôn ở trong tầm mắt.
“Gọi là me-time nhưng với tôi đó không chỉ là thời gian dành riêng cho bản thân bởi vì ai cũng cần khoảng thời gian cho riêng mình, cho những việc rất cá nhân cần được tập trung và tôn trọng (tập luyện chẳng hạn). Nếu mình là trung tâm gắn kết trong gia đình mà không có được sự vui vẻ, thoải mái thì rất khó có thể khiến người khác cũng vui vẻ” - chị nói thêm.
Dù chỉ là vài chục phút dưỡng da hoặc tập thể dục; chỉ là bữa ăn trưa cùng ông bà ngoại cố định trong tuần; thi thoảng có buổi cà phê tám chuyện với cô bạn thân cùng lớp ngày xưa, chị em sẽ tự thấy nhu cầu “được giải phóng” và bức bối vì phải làm siêu nhân của mình rất ít. Không có mình thì nhà cửa cũng không hề “loạn lên”, mọi thứ vẫn đâu vào đấy.
Hóa ra có rất nhiều cách để từ chối “ôm việc”, từ chối thành “siêu nhân” mà phụ nữ vẫn là nội tướng đầy yêu thương, biết chia sẻ, luôn được nể trọng và là người quyết định hạnh phúc của cả gia đình.
Lê Lan Anh