Thách thức lẫn cơ hội
Trong bản báo cáo “Những cơ hội và thách thức của các nhà làm phim ở Việt Nam”, được thực hiện dựa trên các kết quả khảo sát, phỏng vấn của nhóm chuyên gia thuộc dự án E-MOTIONS với mục đích thúc đẩy kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim với sự hỗ trợ từ Văn phòng UNESCO và Quỹ tín thác Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Thu Phương (thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - VICAS) đã đưa ra nhiều thông số thú vị.
Sự phát triển kinh tế trong nhiều năm qua đã tác động mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp 3,61% GDP, vượt mục tiêu chiến lược (3%) mà Nhà nước đề ra.
Từ khoảng 60 triệu người vào năm 1986, dân số Việt Nam đã lên đến khoảng 97 triệu người vào năm 2019; trong đó, tầng lớp trung lưu đang hình thành, hiện chiếm khoảng 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026, giúp Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều hơn các hoạt động văn hóa mới, hoặc loại hình văn hóa mới.
|
"Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", một trong hai bộ phim tài liệu có tín hiệu tốt tại phòng vé và truyền thông |
Thông qua cuộc phỏng vấn 21 nhà làm phim, nhà quản lý, nhà báo, nhà phê bình diễn ra vào năm ngoái, bà Thu Phương cho rằng dòng phim độc lập ở Việt Nam có nhiều câu chuyện riêng để kể và có thể hấp dẫn thế giới. Thị trường điện ảnh cũng ngày càng tăng trưởng và chạm mốc 4.000 tỷ doanh thu vào năm ngoái, trong đó có 41 bộ phim Việt Nam được tung ra chiếu rạp, so với con số 188 phim nhập khẩu. Sự xã hội hóa điện ảnh mạnh mẽ trong những năm qua cũng góp phần đặt nền móng vững chắc hơn để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, nhiều lực cản và thách thức cũng được các nhà làm phim và giới phê bình chia sẻ. Dòng phim tài liệu từ lâu đã bị gắn mác là phim làm nhiệm vụ tuyên truyền, khoa học khô cứng hay khoa học thường thức nên rất khó lôi kéo khán giả đến rạp. Nhưng những tín hiệu tốt tại phòng vé và truyền thông từ hai bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm) và Đi tìm Phong (đạo diễn Trần Phương Thảo) đã cho thấy nếu phim tài liệu có đề tài tốt và cách khai thác sâu sắc, gần gũi với đời sống, chạm được vào số phận của nhân vật, những bộ phim này hoàn toàn có thể thu hút khán giả đến rạp.
Một rào cản lớn nữa là sự khắt khe trong quá trình kiểm duyệt, thậm chí nhận thức của Hội đồng kiểm duyệt chưa bắt kịp xu hướng của thời đại, có những trường hợp thể hiện sự bảo thủ hơn trước; khiến cho những bộ phim ra rạp đều phải “tự kiểm duyệt” trước, không đạo diễn nào dám mạnh tay với các vấn đề xã hội nóng bỏng.
Những chủ đề liên quan đến bạo lực và tình dục, dù đã được phân loại về độ tuổi, vẫn bị “lưỡi dao kiểm duyệt” cắt bỏ, khiến giới làm phim bức xúc và khán giả ngán ngẩm khi đến rạp. Hoặc những điều luật trong Luật Điện ảnh Việt Nam không có “ba-rem” và tiêu chuẩn rõ ràng nào, khiến giới làm phim hoang mang.
Điển hình là bộ phim Thất Sơn tâm linh, dù dựa theo câu chuyện tội phạm có thật diễn ra nhiều năm trước, vẫn bị Hội đồng kiểm duyệt cắt nát và không còn hình hài của một tác phẩm hình sự, kinh dị như yêu cầu của thể loại phim này.
|
Phim "Ròm" vướng kiểm duyệt nên phát hành trễ tại Việt Nam |
Một ví dụ khác là bộ phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy, dù đã đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim (LHP) Busan vào năm ngoái, nhưng phim vẫn bị Hội đồng kiểm duyệt ở Việt Nam phạt và yêu cầu cắt gọt, gây cản trở và chậm trễ cho việc phát hành bộ phim ở Việt Nam cũng như tham dự các LHP quốc tế khác trên thế giới.
Một trong những bình luận của bạn đọc mà người viết tâm đắc khi lý giải tại sao thể loại phim hình sự, vốn rất ăn khách tại nhiều nước trên thế giới nhưng rất “kén” khán giả tại Việt Nam - đã cho rằng “bởi vì chưa cần xem phim cũng biết kiểu gì cuối cùng lực lượng công an cũng thắng bọn tội phạm”.
Một thách thức lớn tiếp theo đối với các nhà làm phim độc lập, đặc biệt là những đạo diễn trẻ là vấn đề kinh phí. Ở Việt Nam, không có bất kỳ một quỹ hỗ trợ tài năng trẻ nào; đa số phải tìm nguồn tài trợ từ bên ngoài…
Những tiếng nói nữ
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng tiếng nói của các nhà làm phim nữ nước ta ngày càng mạnh mẽ. Nguyên do là bình đẳng giới được đảm bảo ở Việt Nam, giúp tỷ lệ đạo diễn nữ xuất hiện ngày càng nhiều. Một số tạo được thành công, cả ở dòng phim thương mại lẫn độc lập như Ngô Thanh Vân, Kathy Uyên, Hồng Ánh, Nguyễn Thị Thắm, Trần Phương Thảo, Kay Nguyễn…
Diễn viên và đạo diễn Kathy Uyên - người khá thành công với bộ phim Chị chị em em phát hành cuối năm 2019 - chia sẻ, cô không thích được (bị) gọi là một đạo diễn nữ, mà đơn giản là một đạo diễn. Trên thực tế, về sáng tạo, một đạo diễn nữ không khác gì một đạo diễn nam.
Với đạo diễn Trần Phương Thảo, người thành công với nhiều bộ phim tài liệu theo phong cách Varan (tài liệu trực tiếp của Pháp), cô hạnh phúc với vai trò là một nhà làm phim độc lập và không ngại đối kháng, vì có đối kháng mới có phát triển, nhưng quan trọng là phải có luật kiểm duyệt hợp lý và rõ ràng.
|
Những bộ phim giải trí xây dựng hình ảnh phụ nữ hiện đại nhưng lại không điển hình cho phụ nữ Việt Nam |
Trong khi đó, đạo diễn Nhuệ Giang - một tên tuổi đạo diễn nữ nổi bật của thế hệ làm phim từ nguồn tài trợ của Nhà nước, nhưng có tư duy làm phim độc lập - cho rằng, điện ảnh hiện nay đang thiếu những tiếng nói của các vấn đề xã hội hay những thân phận phụ nữ bên lề. Bà cũng cho rằng những bộ phim giải trí xây dựng hình ảnh phụ nữ hiện đại nhưng lại không điển hình cho phụ nữ Việt Nam, như Hai Phượng (Ngô Thanh Vân đóng) trong bộ phim cùng tên; hay Linh Đan (Kaity Nguyễn đóng) trong Em chưa 18.
Những tín hiệu vui
Dù gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí hay tiếp cận các quỹ điện ảnh nước ngoài, nhưng nhiều nhà làm phim độc lập trẻ ở Việt Nam gần đây đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình. Những cái tên như Trần Thanh Huy, Lê Bảo, Phạm Ngọc Lân… đều đã và đang thực hiện được những bộ phim dài với các chủ đề ấn tượng.
Phan Đăng Di, đạo diễn tiên phong trong dòng phim độc lập thừa nhận, ngày càng có nhiều nhà làm phim trẻ ở Việt Nam có dự án nhận được các nguồn tài trợ của các quỹ điện ảnh khác nhau trên thế giới, và có phim lọt vào các LHP quan trọng của thế giới, đặc biệt ở mảng phim ngắn.
Năm 2019, bộ phim ngắn Hãy thức tỉnh và sẵn sàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân đã đoạt giải tại hạng mục Director’s Fortnight ở LHP Cannes và tham dự nhiều LHP quốc tế khác.
|
Cảnh trong "Dòng sông không nhìn thấy "(The Unseen River) của Phạm Ngọc Lân - một trong những tác phẩm tranh giải ở hạng mục Pardi di domani tại Liên hoan phim Locarno 2020 diễn ra vào tháng Tám |
Năm 2020, mặc dù dịch COVID-19 hoành hành, nhiều phim ngắn của các đạo diễn độc lập Việt Nam vẫn lọt vào các vòng tranh giải tại một số LHP lớn như Dòng sông không nhìn thấy (The Unseen River) của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, An Act of Affection của đạo diễn Việt Vũ, Thiên đường gọi tên của đạo diễn Dương Diệu Linh sẽ được trình chiếu và tranh giải trong hạng mục Pardi di domani tại LHP Locarno 2020 diễn ra vào tháng Tám. Hay mới đây nhất là bộ phim ngắn Mây nhưng không mưa (Live in Cloud - Cuckoo Land) của hai đạo diễn trẻ Vũ Minh Nghĩa và Phạm Hoàng Minh Thy lọt vào vòng tranh giải phim ngắn tại hạng mục Orizzonti Short Competition tại LHP Venice diễn ra vào tháng Chín tới.
Điện ảnh Việt Nam đang trong thế lưỡng cực, nhiều cơ hội lẫn không ít thách thức. Một hành lang cần và đủ, để đường băng điện ảnh vận hành xuyên suốt là điều cần thiết. Và nói như nhà làm phim độc lập Trần Phương Thảo, để phát triển, điện ảnh không thể thiếu các tiếng nói khác biệt, thậm chí đối kháng. Họ chỉ mong luật kiểm duyệt ngày càng cụ thể và rõ ràng.
Lâm Lê