Không nên tùy tiện dùng đông y trị hậu COVID-19

31/03/2022 - 06:08

PNO - “Cựu F0” lắng nghe sức khỏe của mình là đúng. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ bản thân có vấn đề về hậu COVID-19, muốn dùng thuốc đông y thì hãy đến các viện y dược học dân tộc, bệnh viện y học cổ truyền, hoặc các bệnh viện có chuyên khoa y học cổ truyền để được bác sĩ khám, cho thuốc phù hợp.

Đa số thành phần của thuốc là các loại thảo dược bổ huyết, được bốc chung cho các “cựu F0” mà không cần phải đi khám bệnh - ẢNH: PHẠM AN
Đa số thành phần của thuốc là các loại thảo dược bổ huyết, được bốc chung cho các “cựu F0” mà không cần phải đi khám bệnh - Ảnh: Phạm An

Vẫn còn nhiễm COVID-19 nhưng chị T.T.T.L. (35 tuổi, ở Q.10, TPHCM) đã nhờ bạn đặt thuốc nam để sẵn chờ khi khỏi sẽ sắc uống điều trị hậu COVID-19. Chị cho biết không sốt nhiều nhưng mệt mỏi, hụt hơi, khó thở… Tâm sự với người bạn là “cựu F0”, chị được giới thiệu các thang thuốc bổ khí, bổ huyết trị hậu COVID-19 rất hiệu quả…

Theo đó, lương y bốc thuốc ở Q.Bình Thạnh. Người bệnh chỉ cần uống mười thang thuốc, mỗi thang 140.000 đồng, không cần đến tận nơi bốc thuốc hay bắt mạch. “Do khi mắc COVID-19, tôi có triệu chứng giống của bạn tôi, chỉ khác là tôi ho khan, còn bạn tôi ho đàm nên nhờ bạn tôi mua để dành”, chị L. nói.

Mở thang thuốc của chị L., có nhiều loại thảo dược như táo tàu, kỷ tử, đương quy, trần bì… với hướng dẫn, sắc bằng nồi đất năm chén nước còn một chén để uống. Tuy nhiên, khi hỏi bác sĩ đông y, được biết những thang thuốc này có công dụng bổ huyết rất cao, nếu phụ nữ tới chu kỳ hay người bị bệnh máu khó đông… sử dụng hơn năm ngày sẽ có nguy cơ mất máu. Chưa kể trước đó, chị L. có uống thuốc tây hỗ trợ điều trị COVID-19.

Bên cạnh mua thuốc đông y từ người quen, trên các trang mạng, thuốc nam, thuốc bắc cũng được rao bán tràn lan. Người bệnh mua được rất dễ dàng, chỉ cần gọi vào số điện thoại cung cấp, thuốc sẽ được gửi đến nhà từ 30 phút đến hai ngày. Giá thuốc dao động từ 120.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng tùy loại.

Tiến sĩ - bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM, cho biết trung bình mỗi ngày có từ 100 - 200 bệnh nhân có vấn đề sức khỏe liên quan đến hậu COVID-19 tới khám bệnh. Tính đến nay, viện đã thăm khám cho khoảng 8.000 “cựu F0”. Về cơ bản, khi một người nhiễm COVID-19, nếu có triệu chứng sẽ biểu hiện khá giống nhau gồm sốt, ho, đau đầu, hô hấp… Nhưng sau khi khỏi bệnh, mắc hậu COVID-19, “cựu F0” sẽ có sự phân chia triệu chứng thuộc các thể hàn, thể nhiệt, hay thể chỉ thuần khí với suy nhược cơ thể. Triệu chứng hậu COVID-19 rất đa dạng, nhưng thường gặp nhất và có tỷ lệ trên 50% là ho, mất ngủ, nóng bứt rứt, rụng tóc, dễ xây xẩm chóng mặt, khó ngủ…

Bác sĩ Lan khẳng định: “Trong y học cổ truyền, không có một bài thuốc chung nào điều trị cho tất cả chứng bệnh của hậu COVID-19. Thêm phần trong phác đồ, tùy từng liệu trình, bác sĩ sẽ gia giảm thuốc cho bệnh nhân. Ngoài ra còn các triệu chứng nhiều phải điều trị ra sao, ví dụ bệnh nhân mất ngủ sẽ phải hỗ trợ thuốc như thế nào, người bệnh ho, khạc đàm nhiều sẽ hỗ trợ ra sao, ho khan lại càng khác hơn…”. Do đó, bệnh nhân phải trực tiếp đi khám bệnh mới xác định được đang mắc hậu COVID-19 ở thể nào, từ đó bác sĩ mới kê đơn bốc thuốc điều trị phù hợp. 

Với những bệnh nhân vừa uống thuốc tây y lại sử dụng thuốc đông y, bác sĩ Ngọc Lan cảnh báo nguy cơ hứng chịu các hậu quả nghiêm trọng, thậm chí hai loại thuốc phản ứng với nhau, tạo thành… thuốc độc. “Về nguyên tắc, thuốc tây và thuốc đông y có thể uống chung nhưng phải được sự hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh khi đi khám đông y, bắt buộc phải nói (hoặc đem theo thuốc đang uống) cho bác sĩ.

Từ đó, bác sĩ điều chỉnh các thang thuốc phù hợp với loại thuốc tây mà bệnh nhân đang dùng. Tùy tiện sử dụng thuốc, bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ thuốc phản ứng với nhau. Đã có công trình nghiên cứu cho thấy nhân sâm nếu uống cùng với thuốc Digoxin (một loại thuốc trợ tim) sẽ làm độc tính của thuốc Digoxin tăng lên. Người bệnh rơi vào nguy hiểm, thậm chí tử vong”, bác sĩ Lan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khi người bệnh uống thuốc y học cổ truyền dạng viên, mua hoặc người thân ở nước ngoài gửi về, hãy mang đến bác sĩ để được tư vấn. Bởi ở Hồng Kông, Malaysia… cho phép trộn thuốc tây vào thuốc y học cổ truyền nhưng Việt Nam chưa được phép, nếu sử dụng nhầm thể bệnh, thuốc không có tác dụng mà còn ảnh hưởng đến gan, thận. 

 Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI