Không nên tùy tiện bổ sung vi chất cho trẻ

23/12/2019 - 17:51

PNO - “Trẻ đã đi học, đã ăn uống được rồi thì việc bổ sung vi chất vào sữa không cần thiết nữa. Nên chú ý cơ sở khoa học của việc bổ sung này vì bổ sung đại trà như vậy sẽ dẫn đến chỗ dư, chỗ thiếu”

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho rằng, nếu một đứa trẻ ăn một khẩu phần đầy đủ dưỡng chất thì không cần chương trình này. Nhưng chương trình này mang tính cộng đồng, dành cho những đứa trẻ có nguy cơ ăn không đủ, thiếu chất nên nhìn chung, về mặt cộng đồng thì có lợi.

Cũng giống như muối i-ốt, không phải có lợi cho tất cả mọi người, nhưng về mặt cộng đồng thì có lợi vì có một tỷ lệ nào đó thiếu chất này. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, việc bổ sung vi chất là có lợi nhưng nhìn chung, đối với chương trình Sữa học đường, muốn có lợi và hiệu quả, cần phải nghiên cứu và khảo sát nhiều hơn nữa. 

Nhưng, tiến sĩ Phan Thế Đồng - giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường đại học Hoa Sen - lại nhận định: “Trẻ đã đi học, đã ăn uống được rồi thì việc bổ sung vi chất vào sữa không cần thiết nữa. Nên chú ý cơ sở khoa học của việc bổ sung này vì bổ sung đại trà sẽ dẫn đến chỗ dư, chỗ thiếu”.

Theo tiến sĩ Đồng, việc bổ sung vi chất này có nguy cơ gây hại cho trẻ do vi chất trong sữa không đầy đủ bằng rau, quả, thịt, cá. Nếu trẻ chỉ uống sữa, không ăn uống gì thì mới thiếu vi chất, còn ở đây, trẻ đã biết ăn rau, củ, thịt, cá thì việc bổ sung vi chất vào sữa là không cần thiết. 

21 vi chất mà Bộ Y tế quy định bao trùm hết các loại vitamin, khoáng chất và có nguy cơ gây thừa vitamin, khoáng chất trong cơ thể trẻ. Vitamin có hai nhóm, một nhóm tan trong nước, một nhóm tan trong dầu. Nhóm tan trong nước nếu dư thừa, sẽ được đào thải ra ngoài, nhưng nhóm tan trong dầu như A, D, E thì không thể đào thải được, sẽ tích lại trong cơ thể.

Dư quá nhiều vitamin sẽ có nguy cơ gây hiện tượng ngộ độc vitamin trong cơ thể trẻ. Khoáng chất cũng vậy, cơ thể chỉ cần lượng rất nhỏ, nếu nhiều, cũng có thể gây ngộ độc. 

Ngộ độc vitamin và khoáng chất cũng giống như ngộ độc kim loại nặng, diễn ra âm thầm, rất khó phát hiện, rất giống những triệu chứng các bệnh khác. Ví dụ, ngộ độc vitamin A, D, E sẽ dẫn đến triệu chứng rất giống thiếu chất dinh dưỡng như khiến trẻ biếng ăn, mệt mỏi, không linh hoạt, rụng tóc, học hành kém, khó tiếp thu bài vở.

“Phải có cơ sở khoa học, phân tích, điều tra kỹ càng cho việc bổ sung này. Cần phải nghiên cứu kỹ vùng nào cần bổ sung vi chất nào, chứ không  phải vùng nào cũng bổ sung. Trẻ vùng núi thường thiếu vi chất có trong thức ăn biển như tôm, cá, rong biển… nên cần bổ sung vi chất biển, nhưng cần nghiên cứu xem nên bổ sung lượng bao nhiêu thì hợp với thể trạng trẻ. Trẻ em vùng thành thị có hiện tượng béo phì, dậy thì sớm là do thừa chất, việc bổ sung vi chất là lợi bất cập hại. Hàng triệu học sinh khác nhau với sức khỏe khác nhau, có trẻ thừa chất phải ăn kiêng, có trẻ suy dinh dưỡng độ 1, độ 2 mà lại phải uống cùng một loại sữa với bao nhiêu vi chất như vậy là không hợp lý” - tiến sĩ Phan Thế Đồng nói. 

Theo cả hai chuyên gia trên, ở các nước phương Tây, không có chương trình Sữa học đường. Họ cũng ít uống sữa tươi nhưng dùng nhiều sản phẩm từ sữa như phô mai, bơ, sữa chua, kem lạnh... Chương trình Sữa học đường phổ biến tại các nước châu Á và Đông Nam Á, nhưng họ có thêm vi chất vào sữa hay không thì chưa rõ. Nếu có thêm, phải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, có kiểm nghiệm của các tổ chức y tế uy tín để tìm ra công thức sữa phù hợp với trẻ.

“Một viên thuốc cho người da trắng có thể trạng tốt phải được làm khác với người da vàng có khối lượng cơ bắp ít như Việt Nam. Vắc-xin cho người Việt cũng được người Pháp nghiên cứu và làm đặc biệt hơn so với dành cho người dân nước họ. Sữa dành cho trẻ cũng vậy, cần phải nghiên cứu và có sự phù hợp, mới nên áp dụng” - một vị chuyên gia xin giấu tên nói thêm.  

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI