Không nên trữ thuốc phòng hờ khi bị mắc COVID-19

16/07/2021 - 06:54

PNO - Những tin đồn về thành phố sẽ bị phong tỏa siết chặt hơn khiến nhiều người tại TPHCM quyết định tích trữ thuốc men để phòng khi bệnh. Trong đó, Tylenol - một loại thuốc giảm đau, hạ sốt được nhiều người săn lùng.

Anh N.V.T., 45 tuổi, bệnh nhân COVID-19 ở TP. Thủ Đức, khoe đã kịp thủ sẵn thuốc Tylenol trước khi được đưa vào bệnh viện điều trị. Anh T. nói đây là thuốc mà người dân ở Mỹ hay dùng, có tác dụng chữa COVID-19 tuyệt vời. 

Những tin đồn khiến nhiều người đổ xô mua thuốc dự trữ - Ảnh: Quốc Thái
Những tin đồn khiến nhiều người đổ xô mua thuốc "trị COVID-19" dự trữ - Ảnh: Quốc Thái

Những tin đồn khiến thuốc Tylenol bỗng nhiên khan hiếm. Chị A.Đ., một người bán hàng online cho biết, do nhiều người tìm mua nên sáng 15/7 chị hoảng hốt khi thấy một cửa hàng trực tuyến bán hộp Tylenol 325 viên giá đến 1,1 triệu đồng, cao gấp đôi so với bình thường. 

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng, Phòng khám MD Kids Pediatric, Texas (Mỹ), cho biết, ông cũng nhận thấy ở Mỹ, nhiều người mua loại thuốc này gửi về Việt Nam cho người thân. Tuy nhiên, “Tylenol chưa bao giờ là thuốc trị COVID-19, mà đơn thuần chỉ là Acetaminophen - thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, cùng một loại như Panadol, Paracetamol.

Người dân không cần phải cực khổ đi tìm mua Tylenol về trữ làm gì. Nếu uống Tylenol rồi lướt qua COVID-19 thì đó là do bản thân bệnh nhẹ rồi tự khỏi như hầu hết mọi người khác, chứ không phải là nhờ Tylenol”. 

Nếu sử dụng Tylenol chung với các loại thuốc giảm đau hạ sốt khác như Efferalgan, theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng, chính là đang tự đầu độc bản thân.

Bởi lẽ, các thuốc Acetaminophen/Paracetamol là thuốc hạ sốt thông dụng, an toàn nếu dùng đúng liều; người lớn không uống quá 4g/ngày, trẻ em không quá 60mg/kg/ngày. Nếu uống quá nhiều sẽ gây tổn thương gan, thậm chí tử vong. Thuốc và độc chất chỉ khác nhau ở liều lượng mà thôi.

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng nhận định: hiện tại, chưa có thuốc đặc trị COVID-19, chỉ có một số thuốc hỗ trợ được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp nặng. Hầu hết chúng ta sẽ tự lướt qua và hồi phục trong 1-3 tuần, triệu chứng mất khứu giác, vị giác có thể kéo dài tới vài tháng.

Điều chúng ta cần làm:

- Nghỉ ngơi, uống nhiều nước, đặc biệt nếu có sốt.

- Ngủ đủ, thiếu ngủ sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.

- Ăn uống, vận động điều độ.

- Uống thuốc hạ sốt nếu có sốt hay đau: các thuốc có thể dùng là Acetaminophen hoặc Paracetamol.

- Uống thuốc ho nếu ho nhiều gây khó ngủ, đau ngực. Trẻ em dưới sáu tuổi thuốc ho không tác dụng nên không cần uống cũng được. Nên chú ý một số thuốc ho cảm đã có thành phần hạ sốt.

- Giữ tinh thần lạc quan, không nên quá sợ hãi.

Lưu ý một số thuốc nếu dùng liều cao cũng có thể gây các tác dụng phụ:

- Vitamin C liều cao có thể gây đau dạ dày và tiêu chảy, sỏi thận. Nếu uống nhiều có thể ảnh hưởng đến các thuốc chống đông máu và thuốc hạ cholesterol.

- Vitamin D liều cao có thể gây đau dạ dày, tổn thương thận nếu dùng nhiều ngày.

- Kẽm liều cao có thể gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, dùng lâu có thể gây thiếu máu do rối loạn chuyển hóa đồng. 

Hoàng Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI