Không nên 'siết' hoạt động cho vay của công ty tài chính

01/04/2019 - 06:24

PNO - Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo thông tư bổ sung quy định nhằm “siết” việc cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính.

Theo các chuyên gia, quy định này nếu được ban hành, sẽ khiến không ít người tiêu dùng phải tìm đến “tín dụng đen”. 

Khong nen 'siet' hoat dong cho vay cua cong ty tai chinh
Không vay được tiền từ công ty tài chính, người tiêu dùng rất dễ tìm đến “tín dụng đen”

Dự thảo thông tư quy định, công ty tài chính (CTTC) chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (bằng tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản thanh toán của khách hàng) đối với khách hàng đã và đang vay tại CTTC đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của CTTC và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. CTTC phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty. 

Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, cho khách hàng vay dưới dạng giải ngân trực tiếp có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Do đó, để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả, hoạt động này nên hướng đến khách hàng đã vay tại CTTC và có lịch sử trả nợ tốt. 

Trước đây, các CTTC chủ yếu cho vay qua hình thức trả góp để mua xe hay đồ gia dụng tại các cửa hàng, các điểm bán lẻ. Hơn một năm trở lại đây, hoạt động cho vay giải ngân trực tiếp (còn gọi là cho vay tiền mặt) nở rộ nhờ nhu cầu cần tiền mặt rất lớn từ những người không có tài khoản ngân hàng, người có thu nhập thấp. 

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ, cách làm của các CTTC chưa minh bạch nên thời gian qua, có nhiều phản hồi không tốt của người vay. Do đó, xét trên khía cạnh quản lý rủi ro, động thái trên của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn hợp lý. Nhưng, việc quản chặt hoạt động cho vay trực tiếp này sẽ khiến khách hàng chưa từng vay từ CTTC không tiếp cận được nguồn vốn của CTTC. Khách hàng không đủ điều kiện vay tại ngân hàng mới tìm đến CTTC, nay lại không vay được tại CTTC thì họ tiếp cận tín dụng bằng cách nào? Thêm nữa, việc các CTTC không được tiếp cận nguồn khách hàng mới sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của loại hình doanh nghiệp này, bởi đây là lĩnh vực tiềm năng, được dự báo còn nhiều “đất” để phát triển.

Việc “siết” hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC cũng có thể cản trở mục tiêu đẩy lùi “tín dụng đen” mà Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực thúc đẩy. Người dân tiếp cận “tín dụng đen” là vì không có điều kiện vay ngân hàng, nhưng nếu có đủ điều kiện, họ cũng ít chọn ngân hàng vì số tiền vay nhỏ, thủ tục rườm rà, chờ phê duyệt lâu. Xét về mặt thủ tục thì các CTTC linh hoạt hơn nhiều so với ngân hàng, nên rất nhiều người dân có nhu cầu cấp bách đã tìm đến các CTTC. Người vướng vào “tín dụng đen” thường có nhu cầu về tiền mặt chứ không có nhu cầu vay tiền để mua hàng hóa thông qua hình thức trả góp, nên nếu người dân không được vay tiền mặt tại các CTTC, họ buộc phải trông chờ vào “tín dụng đen”. 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị Ngân hàng Quốc Dân (NCB) - cho rằng, quy định CTTC phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của CTTC là không hợp lý. Khi xét cho vay đối với một khách hàng nào đó, CTTC đã tính đến khả năng trả nợ và sử dụng khoản tín dụng đó. Chẳng hạn, khách hàng cần vay tiền mặt thì các CTTC phải giải ngân bằng tiền mặt. Nhu cầu vay tiền mặt chính đáng, khách hàng đáp ứng đủ yêu cầu mà CTTC lại không được giải ngân quá 30% là một rào cản cho cả khách hàng lẫn CTTC. Hãy để CTTC tự thẩm định khả năng trả nợ của người vay, mục đích vay, nếu vượt quá 30% tổng dư nợ mà các CTTC vẫn có thể quản lý được rủi ro thì hãy để CTTC làm. 

“Quy định nào khi đưa ra cũng phải hài hòa giữa mục tiêu quản lý nhà nước với tình hình thực tế. Nên đặt vấn đề quản lý lãi suất, sẽ tốt hơn là đi “làm khó” hoạt động cho vay tiêu dùng tại các CTTC, đẩy người dân tìm đến “tín dụng đen”. Hiện có CTTC cho vay với lãi suất cao ngất ngưởng, lên đến 70 - 80%/năm; nếu vẫn giữ quy định cũ (cho phép CTTC tự quyết định hình thức vay), cộng với quản lý lãi suất hợp lý, sẽ hạn chế được tình trạng vay tiền qua “tín dụng đen” - tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ phân tích. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI