Báo Phụ Nữ TPHCM đã trao đổi với phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), về vấn đề này.
|
Bộ Y tế chính thức quyết định tạm dừng khai báo y tế trong bối cảnh số ca mắc và tử vong trong nước giảm mạnh |
Phóng viên: Thưa ông, Bộ Y tế vừa công bố quyết định tạm dừng khai báo y tế nội địa - một trong những biện pháp thuộc quy định 5K mà Việt Nam đã kiên trì áp dụng kể từ khi COVID-19 bùng phát. Trước đó, quy định khai báo y tế tại cửa khẩu cũng đã được bãi bỏ. Theo ông, điều này có hợp lý trong bối cảnh hiện nay?
- Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu: Khai báo y tế là một trong những quy định của quốc tế trong điều kiện dịch khẩn cấp và được Việt Nam áp dụng có hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, tới nay, việc bỏ khai báo y tế là hoàn toàn là phù hợp vì chúng ta không còn thực hiện truy vết, phong tỏa cũng như số ca nhiễm do nhập cảnh không nhiều so với trong nước.
Quyết định tạm dừng khai báo y tế của Bộ Y tế cũng hợp lý bởi khi dịch có những diễn biến mới, kịch bản nặng nề hơn thì có thể áp dụng trở lại, góp phần kiểm soát dịch hiệu quả. Đặc biệt có đánh giá, biện pháp dự phòng với những người trở về từ vùng dịch.
* Không chỉ khai báo y tế, một số ý kiến cho rằng chỉ nên giữ lại 2K gồm khẩu trang, khử khuẩn. Ý kiến của ông ra sao?
- Bản chất của 5K là những biện pháp dự phòng không đặc hiệu phòng, chống COVID-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Trước khi COVID-19 xuất hiện, chúng ta vẫn thường xuyên áp dụng các biện pháp có trong quy định 5K để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt các bệnh lây truyền theo đường hô hấp và tiêu hóa.
Ví dụ, chúng ta vẫn đeo khẩu trang để phòng, chống các bệnh lây qua đường hô hấp. Rửa tay bằng xà phòng - chính là khử khuẩn, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ giúp giảm hơn 40% nguy cơ bệnh truyền nhiễm do hô hấp và tiêu hóa.
Trong thời gian áp dụng 5K dự phòng COVID-19, các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chân tay miệng, ngộ độc thức ăn… cũng đã giảm rất rõ rệt. Do đó, dù COVID-19 đã được kiểm soát, việc duy trì các biện pháp phòng bệnh trên, trừ việc bỏ khai báo y tế, là vẫn cần thiết và có giá trị. Cụ thể như chúng ta vẫn nên chủ động giữ khoảng cách với những người có triệu chứng ho, sốt…
Ngược lại, nếu bản thân có các triệu chứng này thì phải chủ động để phòng bệnh cho người khác. Đây cũng chính là vấn đề về “khoảng cách”. Do đó, chúng ta không nên quá băn khoăn việc áp dụng 5K hay 2K… mà cần áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh. Thay vì ép buộc, cần khuyến cáo người dân thực hiện, hình thành các thói quen tốt để không những phòng ngừa COVID-19 mà còn rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Nếu ngay lúc này, chúng ta bỏ đi hết các quy định 5K thì có thể gây ra sự chủ quan. Đối với các khu vực thông thoáng, người dân đi tập thể dục, chạy bộ… việc đeo khẩu trang là không cần thiết song ở nơi đông người, không gian kín như đi xe buýt… thì vẫn nên áp dụng.
Có thể lấy ví dụ điển hình như tại Nhật Bản, Chính phủ nước này vẫn kêu gọi người dân thực hiện 3C - khuyến cáo phòng bệnh chỗ đông người, tiếp xúc gần, môi trường kín. Chúng ta cũng không nên vì thấy dịch đang tạm lắng để bỏ đi hoàn toàn những quy định có giá trị về sức khỏe đối với người dân.
Các cấp chính quyền cũng cần linh hoạt trong khuyến cáo các hình thức áp dụng phù hợp, tránh sự ép buộc đặc biệt là xử phạt không hợp lý khi mà chưa kịp thay đổi các quy định có tính pháp lý trước đây.
* Thời gian gần đây, số ca mắc và tử vong trong nước liên tục giảm. Ngày 3/5, sau một năm dịch bùng phát, lần đầu tiên, chúng ta không ghi nhận ca tử vong. Số ca tử vong trong tuần cũng chỉ từ 1 - 3 ca. Theo ông, đây đã là những điều kiện đủ để chúng ta xem COVID-19 như một căn bệnh lưu hành hay chưa?
- Quan điểm của tôi là chưa thể xem COVID-19 như một căn bệnh lưu hành, chuyển từ nhóm A sang nhóm B mà cần theo dõi thêm một thời gian nữa. Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp để nghe ngóng, đánh giá tình hình dịch một cách chính xác. Hiện Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến hai kịch bản phòng, chống dịch.
|
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu |
Việc công bố ca bệnh COVID-19 hiện nay có thể không cần thiết trên truyền thông. Các cơ quan, đơn vị chức năng vẫn phải tăng cường giám sát bằng các biện pháp phù hợp để nắm bắt tình hình dịch… Ví dụ như với bệnh cúm vẫn diễn ra hằng năm, người ta không phải đếm từng ca nhưng sẽ có giám sát trọng điểm để từ đó tính toán có khoảng bao nhiêu trường hợp trên toàn quốc. Quan trọng nhất là không để xảy ra tình trạng không nắm bắt được diễn biến của dịch, dẫn tới chủ quan, thiếu các biện pháp ứng phó kịp thời khi có diễn biến mới, phức tạp.
Tình huống thứ nhất là chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới nhưng ít nghiêm trọng hơn. Tình huống thứ hai là xuất hiện biến chủng mới có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Như vậy, chúng ta vẫn chưa đánh giá được theo chiều hướng nào mà cần sẵn sàng đối phó với cả hai tình huống xảy ra. WHO cũng đang cảnh báo chưa thể lơ là với đại dịch, bởi kịch bản có thể nhẹ đi nhưng cũng có thể nặng lên vì chưa thể đánh giá biến chủng của virus
SARS-CoV-2 một cách rõ ràng.
Chúng ta cũng không nên quá bận tâm về việc xem COVID-19 như bệnh nhóm A hay nhóm B khi mà chúng ta vẫn đang phải đầu tư vắc xin, đầu tư vào công tác phòng, chống dịch. Điều quan trọng là chúng ta đánh giá đúng nguy cơ. Cùng với việc mở cửa các hoạt động, du lịch, đưa trẻ em quay trở lại trường học, không còn cách ly F1… thì vẫn phải kiểm soát rủi ro.
Dịch diễn biến tới đâu, đáp ứng tới đó. Cần đánh giá nguy cơ một cách chính xác để có đáp ứng phù hợp nhất. Nếu đáp ứng không tới sẽ không kiểm soát được dịch, đáp ứng thái quá, đặc biệt là cấm đoán không hợp lý sẽ ảnh hưởng tới làm kinh tế và an sinh xã hội. Nếu từ giờ tới cuối năm tình hình thực sự ổn định thì mới nên quyết định chuyển sang nhóm B.
Đây là quyết định yêu cầu sự chắc chắn, nên cần phải có giai đoạn chuyển tiếp là như vậy. Nếu chuyển sang nhóm B ngay có thể làm mất cảnh giác, khi dịch quay lại, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch sẽ khó khăn hơn, mất thời gian hơn… Còn hiện nay chúng ta đã và đang thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, chúng ta đã nới lỏng tất cả các hoạt động, đi lại, “coi” COVID-19 như là bệnh lưu hành, chỉ khác là vẫn đang bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội cho người dân như tiêm chủng miễn phí, chữa bệnh miễn phí.
* Xin cảm ơn ông.
Việt Nam tạm dừng khai báo y tế nội địa Ngày 5/5, Bộ Y tế cho biết đã có công văn về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế nội địa. Bộ Y tế nhận định dịch COVID-19 tại nước ta hiện đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với số ca nhiễm, tử vong giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cao trên toàn quốc. Theo thống kê, có tới trên 96% người dân ở nhóm trên 12 tuổi đã được tiêm vắc xin và nhóm từ 5 - 11 tuổi cũng đang được tiêm ngừa. Vắcxin dự phòng COVID-19 cho thấy vẫn có hiệu quả đối với các biến thể virus SARS-CoV-2 hiện đang lưu hành. Trước tình hình này, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế nội địa (di chuyển nội địa, nơi công cộng, nhà hàng...) kể từ 0g ngày 30/4/2022. Dù vậy, Bộ Y tế cho biết không buông lỏng mà vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và điều tra, xử lý ổ dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả, duy trì thành quả chống dịch. Bộ Y tế sẽ tiếp tục cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Trước đó, Bộ Y tế đã quyết định dừng khai báo y tế với người nhập cảnh tại tất cả cửa khẩu từ 0g ngày 27/4, trong bối cảnh ca nhiễm và tử vong do COVID-19 có xu hướng giảm trên toàn cầu cũng như Việt Nam. |
Huyền Anh (thực hiện)