Mạng xã hội có tác động không nhỏ đến đời sống văn chương, góc nhìn về “văn học mạng” ở thời điểm này cũng đã khác trước rất nhiều. Nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, TS. Đỗ Anh Vũ và nhà văn Văn Thành Lê tục chia sẻ ý kiến về vấn đề này.
Nhà văn Bích Ngân-Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM: Văn học mạng tác động không nhỏ đến người trẻ
|
Nhà văn Bích Ngân |
Để đánh giá hiện tượng hay thực trạng không chỉ cần phải dành thời gian tìm hiểu mà còn cần thời gian lùi hoặc tiến để thấy rõ hơn chiều hướng phát triển hay nguy cơ lụi tàn của nó. Với dòng văn mạng tuy tôi đọc không nhiều nhưng cũng thấy được sự tác động không nhỏ của nó đối người trẻ, cả người viết lẫn người đọc. Và được nhất có lẽ là sự hồn nhiên. Hồn nhiên gõ bàn phím để phơi bày tâm tư mình, trái tim mình.
Với facebook, tôi xem nó hiện diện trong không gian mạng như một mái nhà, thì chữ nghĩa là vật liệu. Đẹp hay không đẹp là do ngòi bút mình kiến tạo. Một mái nhà mở rộng cửa đón nắng, đón gió, đón khách, đón những điều mới mẻ hay kín cửa, đìu hiu...là do câu chữ của mình, do cánh cửa rộng hẹp của tâm hồn mình" - nhà văn Bích Ngân |
Bất cứ sự so sánh nào cũng có sự khập khiễng của nó. Mà so sánh để làm gì giữa sự sáng tác tự phát háo hức hồn nhiên với sự sáng tác có ý thức, biết tiết chế cảm xúc, nuôi dưỡng đam mê, được rèn giũa từ ý chí cho tới kỹ năng dù không ít người cầm bút vẫn chưa đủ tài đủ tâm làm nên tác phẩm đạt được hiệu quả nghệ thuật.
Với người viết trẻ và thạo được một vài ngoại ngữ, thời đại 4.0 tạo môi trường sáng tạo và quảng bá tác phẩm vô cùng thuận lợi. Điều này cho thấy đội ngũ người cầm bút lứa tuổi 8X, 9X và 10X ngày một thêm đông và đang cho thấy nội lực sáng tạo của tác giả trẻ dồi dào và phong phú.
Nhà văn Văn Thành Lê: Cách thể hiện trong văn chương mỗi thời mỗi khác
Thực tế, đã có một khối lượng tác phẩm không nhỏ khởi đi từ các blog cá nhân, trang web, diễn đàn trên mạng xã hội… Nhiều tác phẩm in thành sách giấy, sách điện tử, audio book thu hút lượng lớn độc giả, nhất là người trẻ. Rất nhiều sách bán chạy bước ra từ không gian mạng. Theo đó là hàng loạt tác giả trẻ, bắt đầu với thệ hệ 8X, rồi 9X được gọi tên. Thậm chí, có cả những công ty để quy tụ các tác giả, phát triển, định hướng khai thác tác phẩm văn học mạng. Văn học mạng như thành trào lưu của cả người viết trẻ lẫn người đọc trẻ.
Bản thân tôi không phân biệt văn chương mạng hay văn chương chính thống. Chỉ có tác phẩm mình thấy hay và tác phẩm mình thấy không hay, không hợp với tạng của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ, cũng như thời trang, nếu viết theo trào lưu, đọc theo trào lưu, thì rồi sẽ có ngày thành lỗi mốt, sẽ qua nhanh thôi. Còn có trở lại như thời trang sau vài chục năm hay không, chúng ta phải chờ.
Tôi nghĩ cũng không nhất thiết phải so sánh văn học mạng với văn học chính thống, vì mỗi thứ có đường đi riêng của nó. Nhưng xu hướng chung có thể nhận thấy là văn học mạng vẫn có một nhu cầu hướng đến chính thống và trở thành chính thống.
|
Theo TS. Đỗ Anh Vũ, văn học mạng tạo được nhiều ấn tượng và sự quan tâm của bạn đọc, với nhiều tên tuổi: Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Hà Kin, Di Li, Trang Hạ... |
TS Đỗ Anh Vũ: Không nên so sánh
Văn học mạng có những giai đoạn phát triển nở rộ, tạo được nhiều ấn tượng, với các tên tuổi như: Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trang Hạ, Trần Thu Trang, Hà Kin, Di Li, Keng, Gào, Đinh Vũ Hoàng Nguyên... Những cây bút vừa kể trên đều công bố một số lượng lớn các tác phẩm trên blog cá nhân hoặc các diễn đàn mạng.
Tôi nghĩ không nhất thiết phải so sánh văn học mạng với văn học chính thống, vì mỗi thứ có đường đi riêng. Nhưng xu hướng chung có thể nhận thấy là văn học mạng vẫn có một nhu cầu hướng đến chính thống và trở thành chính thống.
Người sáng tác văn chương viết ra tác phẩm từ thực tế cuộc sống, từ những trải nghiệm và cảm xúc của bản thân. Một cách tự nhiên, thực tế cuộc sống và trái tim nghệ sĩ sẽ mách bảo họ phải viết như thế nào. Còn công bố theo hình thức nào thì là tùy theo sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng xu hướng toàn cục thì tôi vẫn cho rằng, những sáng tác văn học mạng là bước thứ nhất cho sự hướng tới việc xuất bản các tác phẩm một cách chính thức. Sự song hành giữa văn học mạng và văn học chính thống (được in ấn, cấp phép) là mối quan hệ tương hỗ, qua lại và cùng giúp nhau phát triển.
|
Bắt đầu từ những tạp văn viết trên mạng, tác phẩm Ký ức vụn của nhà văn Nguyễn Quang Lập được ấn hành. Đến nay đã nhiều lần tái bản. |
Từ mạng xã hội đến văn chương Là người nhiều năm theo dõi sự phát triển của văn học, trong đó có văn học mạng, TS. Đỗ Anh Vũ nhận định, một trong những kênh đăng tải các tác phẩm mạng nổi bật nhất hiện nay phải kể đến ba diễn đàn Tiền Vệ, Da Màu và Hợp Lưu. Ngoài ra còn có nhóm Quán Chiêu Văn trên Facebook, với hơn 40 ngàn thành viên tham gia. Diễn đàn đã tổ chức xuất bản được 13 ấn phẩm, tổ chức nhiều cuộc thi thơ, truyện ngắn, tản văn gây được những tiếng vang nhất định. Nhiều tác phẩm của các thành viên sau khi đăng tải trên group đã được in trên các báo/tạp chí văn nghệ chính thống của trung ương và địa phương. "Khu vực văn học mạng đăng tải trên blog hầu hết đều có xu hướng xuất bản tác phẩm một cách chính thức qua việc được các nhà xuất bản cấp giấy phép. Có thể kể đến nhiều tác phẩm đã ra đời theo con đường này như: Chuyện của thiên tài (Nguyễn Thế Hoàng Linh), Cocktail cho tình yêu (Trần Thu Trang), Những đống lửa trên vịnh Tây Tử (Trang Hạ), Trại hoa đỏ (Di Li), Ký ức vụn (Nguyễn Quang Lập)..." - TS. Đỗ Anh Vũ nhìn nhận. |
Lục Diệp