Bị cấm, xe vẫn đậu tràn lan dưới gầm cầu
Từ cuối năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 35/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó cấm sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đậu xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Tuy vậy, do thiếu chỗ đậu xe, ở TPHCM và TP Hà Nội, người ta vẫn đậu xe ở gầm cầu.
|
Xe vẫn đậu dưới gầm cầu Chữ Y (quận 5) dù từ năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy định cấm đậu xe ở gầm cầu |
TPHCM lâu nay thiếu trầm trọng chỗ đậu xe, nhất là ở trung tâm thành phố. Ở các quận 1, 3, 5, người tham gia giao thông tìm mỏi mắt cũng không thấy bãi đậu xe nào dành cho ô tô. Các tài xế phải tận dụng mọi chỗ trống để đậu, thậm chí đậu trên những tuyến đường có biển cấm đậu xe, đậu dưới các gầm cầu. Theo ghi nhận của chúng tôi, dưới chân cầu Chữ Y, đường Nguyễn Biểu, quận 5, một phần hàng rào bao quanh gầm cầu đã bị tháo ra, dưới gầm cầu là một dãy ô tô cùng một số xe máy, xe ba gác đang đậu. Thỉnh thoảng, lại thấy ô tô chạy ra, chạy vào gầm cầu này.
Anh Tiến Dũng - công nhân đang thi công hệ thống thoát nước ở khu vực này - cho hay, gầm cầu này lâu nay đã trở thành bãi đậu xe tự phát, xe vào đậu cả ngày lẫn đêm: “Các tài xế thấy gầm cầu trống chỗ thì chạy vào đậu chứ không có ai đứng ra tổ chức trông xe, thu tiền. Người dân còn tranh thủ vứt rác, xà bần vào đây”.
Tương tự, dưới gầm cầu Thủ Thiêm phía TP Thủ Đức, nhiều ô tô cũng tranh thủ đậu thành dãy. Một tài xế nói, để xe dưới gầm cầu mát mẻ, lại tận dụng được không gian trống ở đây. Gầm cầu này nằm ở phần đường cụt, không có xe cộ qua lại, nên việc đậu xe không gây cản trở giao thông. Tài xế này nhận xét, đậu ở gầm cầu Thủ Thiêm còn tốt hơn nhiều so với việc hàng loạt ô tô, xe tải thường xuyên đậu tràn lan trên đường Nguyễn Cơ Thạch, Trần Bạch Đằng… ngay gần đó, gây ảnh hưởng đến giao thông.
Dưới gầm cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 và quận 7), cầu vượt Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), cầu Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), ô tô, xe máy thỉnh thoảng vẫn đậu “ké”. Gầm cầu vượt Ngã Tư An Sương, cầu vượt Quang Trung, cầu vượt Ngã Tư Ga (quận 12) cũng là nơi cánh tài xế xe tải, xe container thường đánh xe vào đậu.
Chỉ nên là giải pháp tạm thời
Ông Nguyễn Ngọc Lự - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - cho rằng, đề xuất cho phép sử dụng gầm cầu làm nơi trông, giữ xe là phù hợp với tình trạng thiếu trầm trọng chỗ đậu xe ở TPHCM và TP Hà Nội.
Theo ông, hiện nay, dù không cho phép thì xe vẫn đậu tràn lan dưới các gầm cầu hoặc bất kỳ không gian trống nào. Điều này cũng giống như cấm lấn chiếm, đậu xe ở vỉa hè nhưng gần như mọi vỉa hè đều bị lấn chiếm, đậu xe. Ở TP Hà Nội, do nhu cầu quá bức thiết nên UBND thành phố buộc phải cho phép sử dụng 4 gầm cầu Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Mai Dịch và Vĩnh Tuy làm nơi trông, giữ xe.
Như vậy, thay vì cấm đoán mà không đạt kết quả, cơ quan quản lý nên rà soát, chọn những gầm cầu an toàn, không ảnh hưởng đến việc lưu thông để làm bãi đậu xe, vừa giải quyết được phần nào nhu cầu đậu xe của dân, vừa có nguồn thu ngân sách. Còn như hiện nay, trên danh nghĩa thì cấm nhưng thực tế, vẫn có tình trạng giữ xe tự phát ở gầm cầu và nguồn thu không biết vào túi ai.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Hậu - cán bộ Hội Cầu Đường Cảng TPHCM - lại cho rằng, việc cho phép sử dụng gầm cầu làm nơi trông, giữ xe là không đúng công năng của gầm cầu, cũng không phù hợp với các quy định hiện hành. Theo quy định, gầm cầu nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Việc chiếm dụng, khai thác gầm cầu có thể gây ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông.
Theo ông, việc trưng dụng gầm cầu làm bãi đậu xe có thể cản trở hoạt động bảo trì công trình cầu, cản trở phương tiện cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy khi xảy ra sự cố, hỏa hoạn tại cầu và khu vực xung quanh. Chưa kể, đa phần cầu, cầu vượt thường nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch, các nút giao lớn, nên việc cho phép đậu xe dưới gầm cầu có thể gây cản trở các phương tiện tham gia giao thông.
Ông lo ngại: “Việc cho phép đậu xe dưới gầm cầu cạn có thể dẫn đến tình trạng đậu xe tràn lan. Người ta có thể cho đậu xe ở gầm cầu nhỏ, cầu sắt, cầu cũ, cầu đã xuống cấp, rất nguy hiểm. Chưa kể, dù dự thảo luật quy định không cho phép đậu xe dưới gầm cầu với các xe chở nhiên liệu, chất gây cháy nổ, hóa chất ăn mòn kim loại để phòng ngừa cháy nổ, nhưng thực tế đơn vị tổ chức giữ xe lại không có khả năng và thẩm quyền để kiểm tra, xác định phương tiện có chở các chất nguy hiểm trên hay không. Do vậy, quy định này phải đi kèm hướng dẫn cụ thể mới mong có tính khả thi, đồng thời phải quy định rõ ai chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố”.
Theo ông Hoàng Đức Hậu, không nên đưa việc cho phép trông, giữ, đậu xe ở gầm cầu thành quy định cứng trong luật, bởi điều này không phù hợp công năng của công trình, cũng không nước nào trên thế giới quy định như vậy.
Đối với tình trạng khan hiếm chỗ đậu xe, ông cho rằng, có thể linh động phân cấp cho địa phương rà soát, cho phép đậu xe tạm thời dưới gầm cầu phù hợp điều kiện thực tế và đảm bảo an toàn. Nhưng đây chỉ nên là giải pháp tạm thời, “chữa cháy” cho tình trạng thiếu chỗ đậu xe. Về lâu dài, chính quyền các thành phố phải có trách nhiệm quy hoạch, xây dựng hệ thống bãi đậu xe để đảm bảo giao thông tĩnh cho người dân.
Bãi đậu xe chỉ đáp ứng được 7 - 10% nhu cầu Dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là 2 dự thảo luật được Chính phủ tách ra từ Luật Giao thông đường bộ, đang trong quá trình nghe góp ý để hoàn thiện, trình Quốc hội. Theo điều 40 dự thảo Luật Đường bộ, gầm cầu cạn được tạm thời sử dụng để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ, trừ các phương tiện chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, các chất nguy hiểm khác và các phương tiện quá niên hạn sử dụng. Việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn chỉ được thực hiện trong trường hợp cầu đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật, đảm bảo độ an toàn, không quá thời hạn tuổi thọ khai thác. Khi sử dụng tạm thời gầm cầu cạn làm nơi trông, giữ phương tiện giao thông, phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông; có thiết kế tổ chức giao thông đấu nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực, phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về biện pháp phòng cháy và chữa cháy, bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường. Đề xuất này xuất phát từ thực tế là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… thiếu trầm trọng chỗ đậu xe. Chẳng hạn, tổng diện tích bãi đậu ô tô của TPHCM chưa đầy 2,7ha, chỉ đạt 0,5% so với quy hoạch (520ha). Theo quy hoạch, đến năm 2020, TPHCM phải xây được 15 bãi đậu xe taxi trên tổng diện tích 31ha nhưng đến nay, chưa xây được mét vuông nào. Theo tính toán, tổng số bãi đậu xe của TPHCM hiện có chỉ đáp ứng được khoảng 7% nhu cầu đậu xe của người dân. Tương tự, tổng điểm, bãi đậu xe của TP Hà Nội chỉ đáp ứng khoảng 10% tổng nhu cầu đậu xe. 90% phương tiện còn lại đang đậu ở các điểm đậu xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan… |
Phạm Luận