Nhiều phụ huynh lo lắng
Gần đây, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin về vi khuẩn Mycoplasma gây “bệnh lạ” khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Theo một thông tin được chia sẻ rộng rãi, với trẻ mắc phải căn bệnh này, tình trạng ban đầu chỉ sốt nhẹ, sau đó cắt sốt nhưng đến ngày thứ ba tăng lên 38-39 độ C, khi chụp X quang đã “trắng xóa” phổi, chỉ số SpO2 giảm còn 91 - 92%.
|
Bệnh nhi bị viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương - ẢNH: H.ANH |
Thậm chí, có tài khoản khẳng định loại vi khuẩn này còn “lợi hại hơn cả COVID-19”. Bởi COVID-19 có thể điều trị tại nhà còn mắc vi khuẩn này phải nhập viện do có khả năng kháng thuốc, phải sử dụng kháng sinh đặc trị. “Vi khuẩn này gây ho nhiều, sốt cao và làm tổn thương phổi rất nhanh nên cứ thấy con ho nhiều, sốt cao 3 ngày không đỡ thì phải cho vào viện xét nghiệm luôn”, người này nhấn mạnh.
Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện đa khoa ở Hà Nội cho hay, do lo lắng có dịch do vi khuẩn Mycoplasma, nhiều phụ huynh có con ho, sốt đều xin bác sĩ làm xét nghiệm. Ngay cả khi bác sĩ cho biết không có dấu hiệu điển hình, không cần làm xét nghiệm, một số phụ huynh vẫn nghi ngại. Thực tế, Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện do viêm phổi Mycoplasma Pneumoniae (gọi tắt là Mycoplasma). Trung tâm có khoảng 155 giường bệnh điều trị nội trú, trong đó các ca viêm phổi Mycoplasma chiếm khoảng 20 - 30%.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) - chia sẻ, viêm phổi có nhiều căn nguyên, trong đó Mycoplasma Pneumoniae - vi khuẩn không điển hình - là tác nhân quan trọng gây viêm phổi. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp ở nhóm trẻ lớn, tỉ lệ mắc viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae chiếm 20 - 25% trong các căn nguyên gây viêm phổi cộng đồng. Theo một nghiên cứu của Mỹ, ở trẻ từ 5-10 tuổi, tỉ lệ mắc viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae là 16%, trong khi đó nhóm trẻ 10-17 tuổi lên đến 23%.
Như vậy, vi khuẩn Mycoplasma không phải là bệnh mới mà đã có từ rất lâu. Điều này tương tự với căn bệnh do vi rút hợp bào hô hấp (RSV) cách đây vài năm, dù là bệnh đã ghi nhận từ lâu trong y văn nhưng do cách hiểu không đúng, nhiều phụ huynh hoang mang, thậm chí trên phương tiện truyền thông còn có thông tin đây là “bệnh lạ”. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hồng Hanh, các căn nguyên gây viêm phổi như vi khuẩn không điển hình Mycoplasma hay các căn nguyên khác như Adenovirus, vi rút hợp bào hô hấp có thể xảy ra quanh năm, tăng lên, rầm rộ ở một thời điểm nhất định, đặc biệt là các giai đoạn giao mùa như xuân - hè, đông - xuân…
Không nên xét nghiệm đồng loạt
Đang nằm điều trị tại phòng cách ly của Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu N.T.B.A. (4 tuổi, Hưng Yên) đã có tiến triển tốt sau 6 ngày điều trị. Trước đó, trẻ ho sốt 2 ngày nên được đưa tới bệnh viện huyện khám và được chẩn đoán viêm phổi. Sau 8 ngày điều trị, trẻ không thuyên giảm nên gia đình đã chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, kết quả xét nghiệm của bệnh nhi cho thấy có khối đông đặc thùy giữa phổi bên phải, chẩn đoán căn nguyên viêm phổi cho kết quả dương tính với vi khuẩn Mycoplasma.
Tương tự, bệnh nhi L.D.T (10 tuổi, ở Thái Bình) được đưa đến Trung tâm Hô hấp trong tình trạng ho nhiều kèm sốt cao liên tục, đau ngực, khó thở, phát ban toàn thân. Bệnh nhi đã điều trị tại bệnh viện tuyến dưới 9 ngày không đỡ. Sau khi nhập viện, qua khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, chụp X quang, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi thùy, tràn dịch màng phổi trái do vi khuẩn Mycoplasma. Hiện tại, sau hơn 10 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh táo, ăn tốt, không đau ngực, không khó thở và có thể ra viện trong vài ngày tới.
Các bác sĩ cho biết, đây là hai trong những ca bệnh điển hình khi nhiễm vi khuẩn Mycoplasma. Bệnh thường xảy ra ở nhóm trẻ từ 4-10 tuổi. Triệu chứng rất dễ nhầm với những tác nhân viêm phổi khác vì có những biểu hiện như: sốt, ho, khó thở hoặc chụp X quang phổi có những tổn thương. Để chẩn đoán tác nhân viêm phổi do Mycoplasma cần làm xét nghiệm đặc hiệu.
Theo các chuyên gia, vi khuẩn Mycoplasma không có vỏ và kích thước rất nhỏ. Vì vậy, nếu không xác định căn nguyên, điều trị bằng kháng sinh đặc trị các loại vi khuẩn có vỏ thông thường sẽ không đáp ứng. “Tuy nhiên, không phải vì vậy mà hễ trẻ có các biểu hiện ho, sốt là đều xét nghiệm đồng loạt để tìm căn nguyên do vi khuẩn Mycoplasma. Bệnh nhân chỉ nên xét nghiệm khi có chỉ định của bác sĩ, sau khi các bác sĩ thấy các yếu tố dịch tễ, dấu hiệu nghi ngờ do vi khuẩn không điển hình gây ra”, bà Lê Thị Hồng Hanh nhấn mạnh.
Bệnh có thể diễn biến khác nhau ở từng bệnh nhân. Đa số bệnh nhân đáp ứng với điều trị sau 5-7 ngày, một số ít bệnh nhân viêm phổi nặng, suy hô hấp và có các tổn thương nặng ngoài phổi. Giám đốc Trung tâm Hô hấp khuyên các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang. Nếu thấy trẻ có biểu hiện như viêm long đường hô hấp, sốt cao, ho, khó thở thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Không phải bệnh nhân nào cũng cần nhập viện mà có thể được kê đơn thuốc để điều trị tại nhà nếu trẻ không có các biểu hiện nặng như không đáp ứng thuốc hạ sốt, suy hô hấp, co giật… n
Viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma có đường lây truyền qua tiếp xúc với giọt bắn và chưa có vắc xin phòng ngừa. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cho con rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; đảm bảo môi trường sạch sẽ, thoáng mát; không cho con tiếp xúc với những trẻ có biểu hiện ho, sốt. Nên cho trẻ ăn uống đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng đúng lịch, bởi nhiễm Mycoplasma có thể đồng nhiễm thêm những vi khuẩn khác như phế cầu, Hib…
Huyền Anh