Sau nhiều tháng “im ắng” với số ca COVID-19 liên tục ở mức chỉ một vài tới vài chục ca, mấy ngày trở lại đây, con số bất ngờ tăng vọt. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy ngày 13/4 ghi nhận có thêm 497 bệnh nhân, cao gần gấp đôi so với ngày 12/4 và gấp hơn 4 lần so với ngày 10/4.
Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội)
Tại các bệnh viện ở Hà Nội, những ngày qua, số bệnh nhân tới khám và điều trị do COVID-19 gia tăng. Ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - cho biết, từ đầu tháng Tư tới nay, mỗi ngày, bệnh viện điều trị từ 5-10 ca COVID-19. Còn Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho 11 ca COVID-19, trong đó có 6 bệnh nhân đang phải thở ô xy. Các bệnh nhân này đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền kéo theo suy hô hấp. Đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, vài tháng trước, số ca COVID-19 chỉ rải rác, mỗi ngày chỉ ghi nhận 1-2 ca.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 gia tăng rõ rệt trên biểu đồ của Bộ Y tế song theo các chuyên gia, con số trên thực tế có thể còn cao hơn. Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) - cho biết, hiện có rất nhiều người mắc bệnh, có hoặc không có triệu chứng nhưng tự test tại nhà. Thậm chí, nhiều người không xét nghiệm và không tới cơ sở y tế nên chưa có thống kê đầy đủ. Nguyên nhân khiến dịch gia tăng có thể do miễn dịch của người sau tiêm vắc xin hoặc từng nhiễm đã giảm. Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút phát triển, trong khi người dân lơ là không đeo khẩu trang nên bệnh dễ dàng lây nhiễm.
Cùng với thông tin dịch COVID-19 tăng trở lại, thị trường kit test cũng “nóng” lên mỗi ngày. Chủ một cửa hàng thuốc tại Hà Đông (Hà Nội) cho hay, mấy ngày nay, mặt hàng này “đắt như tôm tươi”. Hầu hết người dân có dấu hiệu ho, sổ mũi… đều mua kit test để kiểm tra có bị mắc COVID-19 hay không. Tương tự, trên mạng xã hội, nhiều người đang rao bán kit test với giá hơn 10.000 đồng/chiếc, kèm theo cảnh báo “nếu không mua sớm thì chỉ vài ba hôm nữa giá sẽ tăng”…
Trên các hội nhóm mua bán, nhiều mặt hàng thuốc như vitamin, hay các thuốc được quảng cáo có thể dự phòng COVID-19 cũng đang trở nên sôi động. Mấy ngày nay, chị Hoàng Hà (Long Biên, Hà Nội) đôn đáo nhờ khắp bạn bè tìm mối mua thuốc “liên hoa thanh ôn” - hàng “xách tay” chuẩn từ Trung Quốc - để tích trữ. Sở dĩ có tâm lý lo sợ như vậy là do chị đọc được những thông tin cảnh báo đang được lan truyền trên mạng xã hội: biến thể mới của Omicron đã xuất hiện với biểu hiện khác biệt, “độc” gấp 5 lần chủng Delta nên tỉ lệ tử vong cao hơn. Người mắc COVID-19 do biến thể gây ra không ho, không sốt và nhanh đi đến tình trạng nghiêm trọng. “Nhiễm biến thể COVID-Omicron mới không gây ra nhiều triệu chứng ở vùng mũi họng, mà ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, nơi được coi là cửa sổ của sự sống, và do vậy gây tử vong rất nhanh” - thông tin này nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) khẳng định, đây là tin giả. Liên quan tới thông tin biến thể Omicron, ông khẳng định, hiện các biến thể của Omicron đã được phát hiện có khả năng lây nhiễm nhanh gấp 5-10 lần nhưng không làm gia tăng số ca bệnh nặng và tử vong. Do đó, ông khuyến cáo, người dân chỉ nên tiếp nhận các thông tin chính thống từ các chuyên gia, trên các kênh phương tiện truyền thông uy tín để đảm bảo thông tin chính xác, đúng mực.
Chủ động bảo vệ “nhóm nguy cơ”
Là một trong những địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà vừa yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế tích cực triển khai phương án phòng chống, điều trị người bệnh. Hà Nội cũng tăng cường tuyên truyền người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch COVID-19 nói riêng. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý tránh tâm lý hoang mang, lo lắng bởi dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát. Số ca mắc dù tăng nhưng vẫn chưa ở mức cao, thậm chí, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, COVID-19 vẫn ở mức thấp so với các dịch bệnh khác trong giai đoạn chuyển mùa.
Ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo, người dân không nên hoang mang vì số ca COVID-19 gia tăng hiện nay chưa phải bất thường. Trên thế giới, làn sóng dịch vẫn giảm rồi lại tăng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần chủ động trong công tác phòng, chống bệnh. COVID-19 sẽ không biến mất như bệnh SARS vào năm 2003. Việt Nam đã mở cửa du lịch, phát triển giao thương kinh tế, do đó tình hình dịch bệnh của Việt Nam cũng không thể tách biệt với tình hình dịch của thế giới. Vì vậy, người dân cần chú ý các vấn đề dự phòng như đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ…
Bên cạnh đó, ngành y tế cần phải đánh giá chính xác nguy cơ, giải trình tự gen xem có phát hiện biến thể mới, biến chủng vô hiệu hóa vắc xin hay không, từ đó có kế hoạch phòng, chống dịch một cách chủ động. Bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền và khuyến cáo nhóm đối tượng này tiêm chủng vắc xin COVID-19 đầy đủ.
Liên quan tới vấn đề tiêm chủng vắc xin, ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội - cũng khuyến cáo, người dân nếu chưa tiêm đủ các mũi cơ bản (gồm mũi 1, mũi 2), cần phải tiêm đủ. Còn với những người đã tiêm đủ mũi cơ bản nhưng chưa được tiêm mũi bổ sung (gồm mũi 3, mũi 4) thì đến các trạm y tế xã, phường. Hiện nay, tiêm vắc xin COVID-19 không cần phải đăng ký, chỉ cần ra trạm y tế là có thể tiêm dễ dàng. Ông cũng nêu quan điểm, người dân có triệu chứng mắc COVID-19 cần tự theo dõi, cách ly tại nhà, chỉ những trường hợp nằm trong nhóm nguy cơ cao và có triệu chứng biểu hiện nặng thì mới cần đến cơ sở y tế điều trị.
Nhiều trường học tăng cường phòng, chống dịch
Trước tình hình COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại, nhiều trường học tại Hà Nội đã có thông báo tới phụ huynh, học sinh phối hợp phòng, chống dịch bệnh. Trường tiểu học - THCS Newton 5 (Thanh Oai) khuyến khích cha mẹ nhắc con đeo khẩu trang nơi đông người, mang theo đồ dùng cá nhân cần thiết khi đến trường như bình uống nước cá nhân, khăn giấy lau tay riêng… Trong trường hợp học sinh có biểu hiện ho sốt, khó thở, chảy nước mũi, phụ huynh cho con ở nhà theo dõi và báo với nhà trường, đồng thời đưa con đi kiểm tra sức khỏe tại cơ sở y tế nếu cần… Tương tự, Trường tiểu học - THCS May - May Academy (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng thông báo phụ huynh nhắc con đeo khẩu trang khi tới trường, chuẩn bị thêm ít nhất 1 khẩu trang dự phòng trong cặp sách. Học sinh không dùng chung đồ dùng cá nhân. Trong trường hợp ho sốt, khó thở, phụ huynh cho con nghỉ học tại nhà và thông báo cho nhà trường.
Nhiều trường hợp người trẻ gặp chấn thương, đột tử khi chơi thể dục thể thao quá mức, thường do các bệnh tim cấu trúc, hay rối loạn nhịp mà không biết.
Sống, làm việc trong môi trường nhịp độ nhanh, kích động cảm xúc quá mức là nguyên nhân chính khiến cơ thể bị mất cân bằng âm dương, hao tổn tinh khí...