Không nên hoảng loạn trước Omicron

07/12/2021 - 10:03

PNO - Gần hai tuần kể từ khi biến thể mới Omicron xuất hiện, thế giới ngày càng lo lắng hơn. Điển hình là các nước cập nhật liên tục những ca nhiễm mới và báo cáo trường hợp nhiễm Omicron bên cạnh đẩy mạnh tiêm chủng, tái thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt, thậm chí phong tỏa biên giới như một “biện pháp câu giờ” trong khi chờ đợi kết quả cuối cùng từ các nhà khoa học.

Cẩn trọng thay vì hoảng loạn

Phản ứng đầu tiên của nhiều quốc gia ngay sau khi Nam Phi thông báo về biến chủng mới là ngừng kết nối các chuyến bay cũng như tiếp nhận hành khách từ gần chục nước thuộc châu Phi. Quyết định này thậm chí còn trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng chính thức về biến thể mới này. Để rồi sau đó, khi WHO cho biết đây là “biến thể đáng lo ngại”, thì hàng loạt quốc gia đã như phát sốt trước biến chủng mới, bất chấp lời khuyến cáo của WHO rằng, việc phong tỏa hay ngăn chặn đi lại tiêu cực không thể ngăn chặn biến thể mới. WHO cũng kêu gọi các nước bình tĩnh và áp dụng các biện pháp hợp lý nhằm giảm thiệt hại kinh tế, gánh nặng đối với cuộc sống.

 

Gần 40 nước trên thế giới báo cáo đã xuất hiện biến thể Omicron - ẢNH: REUTERS
Gần 40 nước trên thế giới báo cáo đã xuất hiện biến thể Omicron - Ảnh: REUTERS

Hôm 3/12, bà Soumya Swaminathan - Trưởng nhóm khoa học của WHO - cho rằng người dân cần thận trọng chứ không nên hoảng sợ quá mức trước sự xuất hiện Omicron. Bà nói: “Rất có thể Omicron sẽ trở thành biến chủng thống trị nhưng đây là điều chúng ta dự đoán trước, rằng biến thể mới sẽ xuất hiện. Điều chúng ta cần là chuẩn bị trước và thận trọng chứ không hoảng sợ, bởi chúng ta đang ở một tình thế khác so với một năm trước”.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng kêu gọi người dân bình tĩnh trước biến chủng mới và khẳng định Omicron là vấn đề để lo ngại chứ không phải là để hoảng loạn. Ông tiếp tục kêu gọi mọi người tiêm phòng COVID-19 và tiêm bổ sung để đề phòng biến thể mới này.

Chưa có ca tử vong vì Omicron

Omicron được ghi nhận là nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh các ca nhiễm mới ở Nam Phi, các số liệu ban đầu cho thấy tốc độ lây lan của Omicron nhanh gấp 2,5 lần Delta và nguy cơ tái nhiễm cao gấp ba lần so với biến thể Delta và chủng Beta. Tuy nhiên, bên cạnh những báo cáo không vui này, việc đánh giá mức độ gây tử vong của Omicron lại là tia hy vọng. Bởi cho đến thời điểm này, mặc dù Omicron đã xuất hiện ở gần 40 nước nhưng chưa có ca tử vong nào được báo cáo, thậm chí phần lớn những người nhiễm đều ở thể nhẹ.

Tại Nam Phi, tâm điểm của biến chủng Omicron, tỷ lệ nhập viện đã tăng lên đáng kể. Trong đó, theo thống kê của các bệnh viện, bệnh nhi đã chiếm hơn 10% số ca nhập viện. Thế nhưng, các quan chức Nam Phi khẳng định việc nhiều trẻ em bị nhiễm không phải là nguyên nhân gây hoảng sợ.

Ntsakisi Maluleke - chuyên gia y tế công cộng Nam Phi - hôm 4/12 cho biết, trẻ em có tỷ lệ nhập viện cao hơn trong đợt lây nhiễm COVID-19 thứ tư do biến thể Omicron gây ra, tuy nhiên hầu hết ở mức độ nhẹ. Ông nói: “Đúng là tỷ lệ nhập viện ở trẻ cao hơn làn sóng trước nhưng chúng tôi được an ủi bởi báo cáo của các bác sĩ lâm sàng rằng những đứa trẻ mắc bệnh nhẹ. Các quan chức y tế và nhà khoa học đang điều tra điều gì đã thúc đẩy gia tăng tỷ lệ nhập viện ở lứa tuổi trẻ hơn và hy vọng sẽ cung cấp thêm thông tin rõ ràng hơn trong thời gian tới”.

Theo bà Waasila Jassat - chuyên gia y tế của Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nam Phi - nguyên nhân một phần của tỷ lệ nhập viện ở trẻ tăng còn đến từ sự thận trọng của phụ huynh. “Phụ huynh lập tức đưa trẻ nhập viện ngay dù bệnh nhẹ là để phòng ngừa vì nếu để trẻ điều trị ở nhà, thì không biết điều gì có thể xảy ra, đặc biệt là những trẻ còn rất nhỏ, chưa được tiêm chủng”, bà Jassat chia sẻ. 

Nguyễn Thảo (theo Bloomberg, Reuters, AP)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI