Không nên hạn chế mà phải dùng lợi ích để "giữ chân" người lao động

23/11/2023 - 11:09

PNO - Nhiều ĐBQH cho rằng, không nên quy định hạn chế mà phải dùng lợi ích giữ chân người lao động, đồng thời hạn chế rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

 

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm phân tích, cả hai phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần đều chưa có điểm hợp lý
ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm phân tích, cả hai phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần đều chưa có điểm hợp lý

2 phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần đều chưa thỏa đáng

Sáng 23/11, đóng góp về Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (tỉnh Tiền Giang) cho rằng, ban soạn thảo cần tính toán thêm vì cả hai phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần đều chưa phù hợp.

Cụ thể, nếu chọn phương án 1 quy định, với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần.

“Quy định như vậy không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực” - bà phân tích.

ĐB cho rằng, quy định như vậy cũng không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp.

Phương án 2 dự thảo luật quy định: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất".

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm cũng cho rằng, quy định như vậy không hợp lý. Bởi số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động cũng là tiền của người lao động. Chính sách không thực hiện được mục tiêu xây dựng luật là mở rộng gia tăng quyền lợi ích tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH.

Vì các lý do nêu trên, ĐB kiến nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đồng thời lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất cũng như nguyện vọng của người lao động.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh phải dùng lợi ích để giữ chân người lao động, thay vì các quy định hạn chế
ĐBQH Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh phải dùng lợi ích để giữ chân người lao động, thay vì các quy định hạn chế

Cùng quan điểm với ĐB Cầm, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (tỉnh Bắc Giang) cho rằng, khi làm luật, Nhà nước nên đặt mình vào cương vị của người lao động. Theo đó, Nhà nước chỉ nên giữ chân người lao động bằng các lợi ích chứ không nên đặt ra các hạn chế.

Theo ĐB, để hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần, không nên quy định như cả hai phương án trên mà nên cho phép người lao động rút bảo hiểm, tuy nhiên cần có phương án trung gian.

“Khi có nhu cầu rút BHXH 1 lần, người lao động được dùng sổ bảo hiểm, xác định số tiền rút 1 lần rồi chuyển sang Ngân hàng Chính sách để rút tiền đó từ ngân hàng. Về chi phí, người lao động chịu lãi suất chính sách dưới 5%/năm. Khi quay trở lại, người lao động sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH” - ông đề xuất phương án. Đồng thời, cho rằng, quy định này có thể hấp dẫn được người lao động bằng các lợi ích.

Giảm thời gian đóng bảo hiểm, phải có quy định kèm theo

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) bày tỏ đồng tình với quy định điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu xuống tối thiểu 15 năm tham gia đóng BHXH (thấp hơn 5 năm so với luật hiện hành). ĐB cho rằng, quy định này sẽ thu hút nhóm lao động cao tuổi tham gia đóng BHXH, đồng thời tạo thêm điều kiện cho nhiều người được hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng lo lắng, trong bối cảnh tăng tuổi nghỉ hưu như hiện nay, người lao động có thể lợi dụng chính sách để nhiều lần rút BHXH 1 lần, sau đó quay lại tham gia BHXH để hưởng lương hưu, đặc biệt là những người lao động tham gia đóng BHXH từ sớm.

Việc giảm điều kiện về thời gian tham gia đóng BHXH để hưởng lương hưu cũng có thể dẫn đến tình trạng nhiều người nghỉ hưu có mức thu nhập thấp do thời gian tham gia BHXH ngắn, làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động khi về hưu.

Do đó, bà đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định có liên quan để tối ưu hóa sự thay đổi này. Từ đó vừa góp phần vừa mở rộng được các đối tượng hưởng lương hưu, vừa đảm bảo mức lương hưu của người lao động sau này.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI