Phóng viên: Ông nhận định thế nào về việc tỉ lệ vào lớp Mười công lập ở TP Hà Nội và TPHCM bị ấn định ở mức 60 - 70% học sinh tốt nghiệp THCS?
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai: Hiện nay, chúng ta đã có những quy định về phân luồng sau THCS để đảm bảo định hướng cơ cấu nghề nghiệp. Theo đó, những học sinh không có năng lực học tiếp lên THPT hoặc cần ra đời sớm để kiếm tiền do kinh tế gia đình khó khăn thì phân luồng đi học nghề. Đồng thời, theo các quy định về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, các địa phương hướng tới tăng dần số trường, lớp ngoài công lập cũng như tỉ lệ học sinh theo học các trường ngoài công lập.
Do đó, những năm gần đây, ngành giáo dục TPHCM định hướng hằng năm có khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học THPT công lập, còn 30% sẽ theo các hướng khác như trường THPT ngoài công lập, học nghề, học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy vậy, đa phần phụ huynh và học sinh đều mong muốn được tiếp tục theo học công lập, ít nhất cũng tốt nghiệp THPT và có điều kiện thì học lên đại học.
Thực tế, không phải em nào cũng đủ điều kiện theo học các trường ngoài công lập, tư thục bởi mức học phí cao. Đối với những em này, nếu bắt buộc lựa chọn học nghề và ra đời kiếm tiền thì cũng tương đối sớm, bởi các em chỉ mới 15 tuổi. Cho nên, sau khi tốt nghiệp THCS, dù đã có một tỉ lệ chủ động lựa chọn các hướng rẽ khác nhưng phần lớn học sinh vẫn muốn vào lớp Mười công lập, tạo nên một cuộc cạnh tranh căng thẳng.
Vấn đề quan trọng là hiện nay, chúng ta chưa có một khảo sát bài bản, cụ thể để xem thực tế nhu cầu và năng lực học sinh như thế nào. Phân luồng là phải căn cứ trên số em không còn khả năng học tiếp lên THPT và tỉ lệ này thay đổi từng năm chứ không thể cố định 30 hay 40%. Nếu vì lý do thiếu trường lớp, không đáp ứng được nhu cầu mà phải giảm tỉ lệ học sinh vào THPT thì ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của học sinh.
* Việc phân luồng học sinh phải đi đôi với việc nâng cao chất lượng trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề. Thực tế, chất lượng đào tạo của các cơ sở này còn nhiều hạn chế, thưa ông?
- Đúng là hiện nay, học sinh có nhiều sự lựa chọn, như khi chọn hệ cao đẳng 9+, giáo dục thường xuyên, các em vẫn có cơ hội được học văn hóa và có thể liên thông lên đại học. Tuy vậy, bên cạnh một số trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề đạt chất lượng, đáng tin cậy, nhiều cơ sở vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của phụ huynh, học sinh.
Muốn học sinh vào trường nghề thì hệ thống trường nghề cũng phải nâng chất lượng và công tác tư vấn phải hiệu quả. Việc quản lý, cấp phép mở trường nghề phải đi đôi với hậu kiểm về chất lượng để đảm bảo học viên ra trường nắm chắc nghề, kiếm sống được bằng nghề.
Tương tự, mục tiêu nâng cao tỉ lệ học sinh học ngoài công lập phải đi đôi với chính sách xã hội hóa hiệu quả để các trường ngoài công lập phát triển chất lượng. Nên thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục đầu tư. Còn đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không thể cạnh tranh để vào trường công lập, chính quyền địa phương nên hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần học phí để các em theo học trường tư. Đây cũng là giải pháp cần thiết trong lúc chưa thể xây dựng đủ trường công lập cho học sinh.
* Như vậy, giải pháp căn cơ vẫn là đảm bảo đầy đủ trường, lớp cho học sinh để cân bằng cung - cầu?
- Hiện nay, khi đưa ra tỉ lệ phân luồng, các cơ quan chức năng cần làm rõ lý do, căn cứ. Nếu phân luồng dựa trên nghiên cứu về cơ cấu nguồn lao động thì phải có lý giải, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ, tư vấn hiệu quả cho học sinh. Còn nếu do cơ sở vật chất không thể tiếp nhận được học sinh ở cấp THCS lên cấp THPT thì phải có tính toán để đẩy mạnh việc xây dựng trường, lớp, đặc biệt cần rà soát lại những nơi dân cư hằng năm tăng cao, quá tải trường lớp, như ở các quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Hóc Môn…
Chính quyền thành phố nên có tầm nhìn xa để có định hướng ưu tiên dành đất cho trường, lớp. Những năm gần đây và sắp tới, dân số ngày càng tăng, nếu không quyết tâm xây dựng trường lớp thì vấn đề quá tải sĩ số, tuyển sinh đầu cấp căng thẳng sẽ càng trầm trọng hơn nhiều.
* Xin cảm ơn ông
Quy hoạch tốt hệ thống trường lớp là cú hích cho giáo dục Thời gian qua, khi lãnh đạo thành phố đề nghị góp ý về vấn đề giáo dục thành phố, tôi vẫn nhấn mạnh việc quy hoạch, xây dựng hệ thống trường lớp là vấn đề bức thiết với giáo dục hiện nay. Chúng ta không nên nghĩ rằng chuyện quá tải trường lớp, chen chúc để giành suất vào công lập là chuyện phải chịu đựng của ngành giáo dục. Bởi giáo dục thời đại ngày nay khác xưa rất nhiều, không còn là truyền thụ một chiều, không còn là vấn đề chữ nghĩa mà là sự phát triển toàn diện của đứa trẻ, trong đó sự tương tác của thầy cô giáo đối với học sinh là vô cùng quan trọng. Khi nói như vậy là tôi muốn nhấn mạnh về nhận thức. Sau khi đã nhận thức thì chúng ta phải quyết tâm làm, thể hiện trên sự quy hoạch. Tất nhiên, đất đai xây trường lớp là vấn đề khó với thành phố, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Nếu như khó thì càng phải tập trung sức lực làm cho bằng được. Trong giai đoạn mới hiện nay cần một chiến lược, quy hoạch đồng bộ trong tình hình mới, chứ không thể làm theo tình huống nhất thời ở địa phương này hay địa phương kia. Trước đây chủ yếu là nguồn đầu tư của Nhà nước, hoạt động xã hội hóa chưa mạnh mẽ. Nhưng trong tình hình hiện nay rất nhiều người trong và ngoài nước tâm huyết muốn đầu tư cho giáo dục, nhưng khó khăn nhất là vấn đề quy hoạch và đất đai để kêu gọi đầu tư. Khi có xã hội hóa giáo dục sẽ tăng cường nguồn lực cùng với Nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục một cách hiệu quả nhất. Ông Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM M.Linh (ghi) |
Minh Linh (thực hiện)