Không nên để các trường tự “bơi”

22/08/2024 - 06:18

PNO - Luật sư Thái Văn Chung (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, các sở cần xây dựng lộ trình và hỗ trợ các trường thực hiện đúng quy định về đấu thầu, lập đề án đối với các hoạt động cho thuê, liên kết sử dụng mặt bằng của trường, thay vì để các trường tự “bơi”.

Phóng viên: Lãnh đạo các trường công lập cho biết rất lúng túng trong việc làm hồ sơ, thủ tục đấu thầu, lập đề án để cho thuê mặt bằng mở căn tin, bãi giữ xe. Ông nghĩ gì về điều này?

Luật sư Thái Văn Chung: Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; tài sản có giá trị lớn (quy định tại điểm a, khoản 2, điều 56 và điểm a, khoản 2, điều 57 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) sẽ do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định. Sau khi đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê được phê duyệt, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ vào đề án để quyết định cụ thể việc cho thuê tài sản công.

Theo Luật Đấu thầu năm 2023 (có hiệu lực từ đầu năm 2024) đã bổ sung đối tượng áp dụng đấu thầu, trong đó có các hoạt động liên doanh, liên kết trong nhà trường. Theo lộ trình, đến năm 2025, tất cả hoạt động liên quan đến tài sản công phải được đấu thầu qua mạng.

Như vậy, các hoạt động cho thuê, liên kết để thực hiện các hoạt động bổ trợ giáo dục như mở căn tin, bãi giữ xe, liên kết dạy học, tổ chức bán trú… đều phải làm đúng các quy định về đấu thầu, lập đề án. Trường học là đơn vị chuyên về giáo dục, khi thực hiện các quy định tài chính phức tạp thì đương nhiên thấy khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tuân thủ quy định pháp luật là cần thiết để nhà nước quản lý tài sản công hiệu quả, công khai, minh bạch, mang lại lợi ích lâu dài cho đối tượng thụ hưởng là học sinh, phòng tránh các hiện tượng tiêu cực.

Lẽ ra, các cơ quan quản lý chuyên ngành như Sở GD-ĐT, Sở Tài chính, Cục Thuế cần chủ động xây dựng lộ trình thực hiện, hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ các trường thực hiện quy định nhanh chóng, đúng pháp luật, chứ không nên để các trường tự “bơi” như thời gian qua. Cần thành lập các tổ, ban hướng dẫn các trường, thậm chí cho phép các trường thuê các đơn vị tư vấn bên ngoài làm và có cơ chế chi phí cho các hoạt động này bởi hồ sơ đấu thầu, lập đề án tài chính rất phức tạp, dễ sai sót. Khi các cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn cụ thể thì nên cho các trường tạm thời duy trì căn tin để phục vụ học sinh một cách ổn định.

* Theo quy định, khi xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên kết, các trường phải xác định giá cho thuê phù hợp với giá thị trường, phải nộp tiền thuê đất. Điều này sẽ đẩy giá bữa ăn, giá giữ xe trong các trường lên cao, không phù hợp với đối tượng học sinh, thưa ông?

- Cần xác định cho thuê mặt bằng làm căn tin, bãi giữ xe trong trường học là hoạt động bổ trợ giáo dục để phục vụ nhu cầu cơ bản của học sinh chứ không phải cho thuê để kinh doanh. Chẳng hạn, nếu tính giá cho thuê sát giá thị trường thì chắc chắn giá dịch vụ trong các trường ở quận 1, quận 3 sẽ rất cao, không phù hợp với học sinh, cho nên phải xét đến tính đặc thù chứ không thể yêu cầu tính sát giá thị trường. Đối với hoạt động căn tin, bãi giữ xe cho học sinh, các cơ quan chức năng phải xác định mục đích chính là đảm bảo hoạt động cho học sinh và một phần lợi nhuận cơ bản cho người cung ứng dịch vụ.

Trong quá trình nghiên cứu để ra văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện, các sở, ngành phải lưu ý đến giá đất, giá bán phù hợp với loại hình dịch vụ trong trường học. Muốn chi phí vừa túi tiền của phụ huynh, học sinh mà vẫn đảm bảo chất lượng thì Nhà nước phải hỗ trợ cho nhà trường, nhà đầu tư như miễn, giảm thuế đất, tiền thuê đất, chi phí duy tu bảo dưỡng tài sản công để hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, nhà trường, nhà đầu tư và hỗ trợ, phục vụ học sinh.

* Theo quy định, đề án sử dụng tài sản công của các trường do UBND TPHCM phê duyệt. UBND TPHCM có thể vận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15 để phân cấp cho UBND các quận, huyện, đơn vị chủ quản các trường phê duyệt được không, thưa ông?

- Nếu đề án cho thuê của tất cả các trường đều đẩy lên UBND TPHCM thì không thể giải quyết xuể, gây ách tắc kéo dài. Cho nên, cần giải quyết theo đầu mối quản lý: các trường thuộc Sở GD-ĐT thì sở chịu trách nhiệm chính, các trường thuộc UBND cấp quận thì UBND cấp quận chịu trách nhiệm chính. Các đầu mối này phải chủ động hướng dẫn, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các trường do mình quản lý.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh được phân cấp hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê. Tuy nhiên, với cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 98, UBND TPHCM có thẩm quyền làm việc này. Điều 9 của Nghị quyết 98 (về tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố) quy định, Chủ tịch UBND thành phố được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND thành phố, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.
* Xin cảm ơn ông.

Minh Linh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI