Không nên bắt người lao động nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng

14/11/2024 - 15:45

PNO - Tại hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)” do Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức vào sáng 14/11, nhiều ý kiến cho rằng không nên bắt người lao động phải đến nộp hồ sơ thất nghiệp trong 3 tháng kể từ khi nghỉ việc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, việc rà soát sửa đổi Luật Việc làm là điều rất cấp thiết vì sau hơn 9 năm thi hành Luật Việc làm số 38/2013/QH13, bên cạnh những thành tựu, bộ luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế không còn phù hợp với thực tế.

Trên cơ sở đó, ngày 8/6/2023 Quốc hội đã có Nghị quyết số 89/2023 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 trong đó có Luật Việc làm và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó có Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi.

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM phát biểu khai mạc
TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM phát biểu khai mạc - Ảnh: Trần Ninh

Đáng chú ý, tại phần tham luận vấn đề bảo hiểm thất nghiệp và chính sách giải quyết việc làm, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM nhấn mạnh: "Điều 64 của Dự thảo quy định, người lao động phải đến nộp hồ sơ thất nghiệp trong 3 tháng kể từ khi nghỉ việc, nếu quá 3 tháng không nộp hồ sơ thì coi như không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tôi nghĩ quy định này là không cần thiết.

Người thất nghiệp, họ mất 3,6 tháng, thậm chí là 1 năm sau khi nghỉ việc vẫn không tìm được việc làm thì khi họ mang hồ sơ đến mình vẫn phải tổ chức chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho họ và tư vấn giới thiệu việc làm cho họ nếu họ có nhu cầu. Còn mình tự quy định 3 tháng phải nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp là mình tự ràng buộc trách nhiệm, tạo áp lực giải quyết hồ sơ cho trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm. Chúng ta nên để họ có thời gian chủ động tìm kiếm việc làm và bỏ quy định này”.

Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo Hiểm Xã Hội TPHCM
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM - Ảnh: Trần Ninh

Cũng liên quan đến trợ cấp thất nghiệp, ông Hà nhấn mạnh quy định không trợ cấp cho người bị xử lý kỷ luật sa thải, buộc thôi việc là không ổn.

“Không cho họ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi thấy không ổn. Ở góc độ nào đó, họ cũng là người bị mất việc, đặc biệt là người bị kỷ luật sa thải".

Đồng quan điểm, ThS. Trần Nguyễn Quang Hạ cũng cho rằng, việc không trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị sa thải là không hợp lý. Vì người lao động bị sa thải hoặc bị thôi việc thì về nguyên tắc họ thực hiện những hành vi có lỗi với người sử dụng lao động trong một thời điểm nhất định và họ đã chịu một hậu quả pháp lý đó là bị chấm dứt hợp đồng lao động. Cho nên không thể vì thế mà loại bỏ quyền hưởng bảo hiểm thất nghiệp của họ. Thêm đó, họ khó tìm được việc làm ngay do có thể bị lưu vết, thông qua việc các doanh nghiệp trao đổi thông tin người lao động, nên chế độ bảo hiểm thất nghiệp là cần thiết.

Còn về vấn đề hỗ trợ tiền ăn cho người thất nghiệp theo học nghề, theo điểm B, khoản 2 Điều 73 Dự thảo, ông Hà cho rằng, hỗ trợ tiền ăn cho họ không giúp người lao động có công việc mới. Gốc rễ vấn đề thất nghiệp là thất nghiệp thụ động và chủ động nên chưa chắc họ có nhu cầu học nghề, mà nhu cầu của họ là được giới thiệu công việc mới để có thu nhập.

Về điểm đ, khoản 3 Điều 60 Dự thảo, thời gian đóng bảo hiểm 144 tháng thì được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, trên 144 tháng thì không được bảo lưu. Ông Hà cho rằng bản chất của trợ cấp thất nghiệp là trợ cấp ngắn hạn, cho người ta hưởng nhiều, sợ họ không quay lại thị trường lao động nên mình quy định chặn lại 12 tháng. Vậy thì phần đóng dư tại tháng thứ 145 của người ta phải trả lại cho họ, nếu cắt bỏ là tịch thu tiền của người ta, không cần lo ngại về vấn đề trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.

Ninh Cơ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI