Không nên áp tư duy cũ lên thế hệ mới

11/03/2023 - 06:18

PNO - Đang có nhiều chuyện “cười ra nước mắt” trong phong trào kế hoạch nhỏ.

 

Học sinh gom góp vỏ lon đem đến trường làm kế hoạch nhỏ
Học sinh gom góp vỏ lon đem đến trường làm kế hoạch nhỏ

Có phụ huynh mua vỏ lon từ vựa ve chai gần trường đem nộp, nhà trường đem vỏ lon bán cho chính vựa ve chai đó. Như vậy, từ vựa ve chai, vỏ lon đi một vòng đến gia đình, nhà trường rồi trở về chốn cũ và chủ vựa hưởng tiền chênh lệch từ hoạt động bán ra, mua vào. 

Có học sinh ra sức uống nước ngọt trong dịp tết và giục cha mẹ uống nhiều bia để có vỏ lon nộp kế hoạch nhỏ. Nhiều học sinh về quê chơi tết, xin bằng được mớ vỏ lon, đóng gói chở về TPHCM để nộp cho giáo viên.

Có nơi, giáo viên thông báo rằng, nếu nộp từ 60.000-120.000 đồng, học sinh sẽ được danh hiệu “chiến sĩ” và nộp trên 120.000 đồng thì được danh hiệu “dũng sĩ”. Vậy thì, chúng ta dạy được gì cho học sinh từ phong trào này, hay dạy các em rằng danh hiệu là thứ có thể bỏ tiền ra mua được? 

Kế hoạch nhỏ là phong trào đầy ý nghĩa, có sức sống của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Cũng từ phong trào này, thiếu nhi cả nước đã quyết tâm thu nhặt 4 triệu tấn giấy loại để bán lấy tiền đóng đoàn tàu mang tên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. 

Phong trào này từng để lại những kỷ niệm sâu đậm trong lòng những học sinh những năm 1960-1970. Khi đó, từng đoàn thiếu nhi đi nhặt lúa sót nhập kho để có gạo gửi ra chiến trường, học sinh thấy giẻ lau thì gom nhặt để gửi cho các chú bộ đội lau súng. 

Phong trào kế hoạch nhỏ đã trải qua 65 năm. Việc bắt những đứa trẻ thời đại công nghiệp 4.0 hôm nay chăm chăm tìm rác, gom phế liệu bán lấy tiền, liệu có còn phù hợp hay không? 

Ở đây, cần phân biệt rằng, ý thức phân loại rác tái chế hoàn toàn khác với việc chăm chăm gom rác để bán lấy tiền. Mua bán ve chai không xấu nhưng đó không phải là thứ tư duy mà thế hệ trẻ nên hướng tới.
Các em sẽ không hiểu và nhà trường cũng giải thích được là tại sao muốn bảo vệ môi trường thì phải nộp đủ 2kg, 3kg, 40kg giấy; có phải người nào nộp 40kg thì có ý thức bảo vệ môi trường cao hơn người chỉ nộp 2kg? 

Ngày nay, nhà sản xuất ngày càng hướng đến việc làm ra sản phẩm tự hủy bằng các vật liệu thân thiện môi trường. Trước đây, giấy thải nhiều nhưng nay số hóa, thông tin chủ yếu được truyền tải trên mạng, ngay đến thiệp chúc mừng, thiệp mời cũng ở dạng điện tử, gửi qua Zalo. Vậy mà, các nhà tổ chức phong trào vẫn bắt học sinh đi gom giấy vụn, vỏ lon thì quả là phi lý.

Cùng với sự thay đổi của thời đại, đã đến lúc cần xem lại cách làm phong trào. Việc giáo dục học sinh phân loại rác thải, bảo vệ môi trường phải được tích hợp, lồng ghép trong các môn học, trong các hoạt động giáo dục để hình thành ý thức, thói quen tốt trong mỗi học sinh. 

Để gây quỹ cho các hoạt động đội và công trình măng non, cũng có nhiều cách phù hợp với sự năng động, sáng tạo của thế hệ trẻ ngày nay. Ở các trường tư thục, học sinh được tự lên kế hoạch tổ chức hội chợ để gây quỹ, trong đó các em tự tìm mặt hàng để bán, tự lên kế hoạch nhập hàng, quản lý tài chính và tính toán để có lãi nhất. Số tiền thu được dành cho các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ các bạn khó khăn. 

Phong trào kế hoạch nhỏ ra đời gắn với lời dạy của Bác Hồ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Với thế hệ trẻ ngày nay, “sức” của các em không dừng ở việc thu gom giấy vụn, vỏ lon như bối cảnh trước.  

Người lớn không nên dùng thứ tư duy cũ kỹ áp đặt lên thế hệ mới, trong thời đại mới với quá nhiều điều đổi mới. Cần thực hiện phong trào theo cách khuyến khích sức sáng tạo, năng động của học sinh - những chủ nhân tương lai của nước nhà. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI