Không nên áp cùng mức thuế thu nhập cá nhân cho mọi vùng

18/10/2024 - 12:34

PNO - Theo báo cáo mới nhất do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố, biểu thuế suất thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang làm tăng gánh nặng cho người lao động, nhất là khi lạm phát tăng cao.

Dẫn lời nhiều chuyên gia kinh tế, “Báo cáo kinh tế quý III/2024: Phục hồi tăng trưởng - triển vọng và thách thức” của VEPR cho rằng, cách tính mức giảm trừ gia cảnh chỉ căn cứ vào biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chưa đủ mà cần phải tính theo xu hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cách tính thuế TNCN hiện cho thấy sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh.

Theo VEPR, trong chính sách thuế TNCN hiện hành, các quy định về mức khởi điểm thu nhập chịu thuế, việc phân chia bậc lũy tiến hay mức giảm trừ gia cảnh đều không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu vùng, của giá cả, của lạm phát. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng VEPR - cho rằng, mức chi tiêu của mỗi hộ ở từng khu vực là khác nhau nên việc áp mức thuế chung cho cả nước là vô lý. Việc có nhiều bậc thuế và các bậc quá gần nhau là không tạo điều kiện cho người dân tích lũy, tạo thu nhập công khai chính đáng.

Ông nói, việc sửa toàn diện luật thuế này là nhu cầu chính đáng, nhất là giãn khoảng cách các bậc lũy tiến, tăng mức giảm trừ gia cảnh và tiến tới phân loại theo khu vực hoặc giảm trừ theo chi phí đầu vào đối với một số hạng mục chi tiêu lớn. Nếu không nhanh chóng sửa đổi, chính sách thuế TNCN hiện hành sẽ thành gánh nặng thuế, kéo lùi đời sống người dân và gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội, cử tri các tỉnh, thành phố đã đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế TNCN cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, mức sống hiện nay và phù hợp với chủ trương tăng lương kể từ ngày 1/7/2024.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định... số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Bộ Tài chính, Bộ này đang tiến hành rà soát, đánh giá Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026
Bộ Tài chính đang rà soát, đánh giá Luật Thuế TNCN và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026 (ảnh minh họa).

Bộ Tài chính cũng dẫn chứng, theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê thì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng/tháng và nhóm có thu nhập cao nhất (nhóm 5, chiếm khoảng 20% dân số) có thu nhập bình quân 10,86 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng (từ 0,5 đến 1 lần), đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, với mức giảm trừ cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế TNCN sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

Bộ Tài chính đang rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế TNCN - trong đó có mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần - để báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Dự thảo sửa đổi, bổ sung luật này dự kiến được đăng ký trong chương trình xây dựng luật vào năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026.

Huyền Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI