Không nâng chuẩn kịp thời, 5 năm nữa nhiều giáo viên không được đứng lớp

16/08/2024 - 17:29

PNO - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, theo lộ trình thực hiện nâng chuẩn trình độ, 5 năm nữa giáo viên không đạt chuẩn không thể tiếp tục đứng lớp.

Quan tâm hơn nữa đến giáo viên ngoài công lập

Sáng 16/8, chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của TPHCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã chỉ ra, ngoài những thành công lớn thì ngành giáo dục TPHCM còn nhiều thách thức, khó khăn cần phải nỗ lực hơn nữa.

Trong đó, ông đặc biệt lưu tâm về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, bởi theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên thời hạn chỉ còn 5 năm. Cụ thể, đến hết ngày 31/12/2030, phải bảo đảm 100% giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.

Ông nhấn mạnh, 5 năm nữa, nếu giáo viên không đạt chuẩn (giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm trở lên, giáo viên tiểu học - THCS phải có bằng cử nhân trở lên) thì không thể tiếp tục hành nghề. "Lúc đó chỉ cần vài trăm giáo viên không đạt chuẩn phải nghỉ việc, thì câu chuyện này sẽ không còn là trách nhiệm của ngành giáo dục nữa mà trở thành vấn đề của xã hội. Nhiều người dù rất muốn tiếp tục gắn bó với nghề nhưng không thể đứng lớp. Điều này dẫn đến lo ngại rất lớn, ngành giáo dục TPHCM cần có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên cả trong và ngoài công lập ngay từ bây giờ để họ đạt chuẩn, tiếp tục được cống hiến cho ngành”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

5 năm nữa, khi thời hạn áp dụng - giáo viên mầm non nếu không đạt chuẩn - Ảnh: Nguyễn Loan
Theo lộ trình nâng chuẩn giáo viên, 5 năm nữa nếu không đạt chuẩn giáo viên không thể tiếp tục đứng lớp - Ảnh: Nguyễn Loan

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, tỉ lệ giáo viên mầm non/học sinh của thành phố khá cao, nhưng giáo viên ngoài công lập chiếm tới 60-7%. Ông đề nghị TPHCM không phân biệt giáo viên công lập hay ngoài công lập mà cần có chính sách hỗ trợ chung, quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên ngoài công lập.

Tỉ lệ học sinh mầm non học ở các cơ sở ngoài công lập cao, đặc biệt, có rất nhiều cơ sở nhỏ, lẻ nên trẻ dễ bị tổn thương, thầy cô cũng sức ép lớn nên có những hành động thiếu kiềm chế. Ông khuyến nghị ngành giáo dục cần kiểm tra, bồi dưỡng thường xuyên để bảo vệ nhóm trẻ này. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh tra cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài ở TPHCM để kịp thời nắm bắt, xử lý những trường có vấn đề. TPHCM phải cương quyết, dứt khoát xử lý các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi cho học sinh, phụ huynh.

TPHCM vẫn còn 6.000 biên chế ngành giáo dục chưa sử dụng

Mặc dù thiếu giáo viên, nhưng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, số biên chế được giao của TPHCM chưa sử dụng vẫn còn 6.000 chỉ tiêu (cao thứ 2 cả nước, chỉ đứng sau Hà Nội với 8.000 chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng). Thứ trưởng cho biết, nếu chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao thì Bộ GD-ĐT sẽ khó thuyết phục Bộ Chính trị khi xin tăng biên chế cho các địa phương.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Nguyễn Loan
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Nguyễn Loan

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng còn chỉ ra nhiều vấn đề ngành giáo dục thành phố cần khắc phục, giải quyết. Trong đó, căng thẳng nhất vẫn là chuyện áp lực trường lớp, sĩ số học sinh/lớp rất cao. Ông cho rằng, khó khăn này khó có thể khắc phục được trong 1-2 năm mà cần nhiều thời gian và phải đầu tư rất lớn cũng như có chính sách lâu dài. Ông nói: "Mô hình học tập lý tưởng của các nước chỉ 15-20 em/lớp thì chúng ta gấp đôi, thậm chí còn cao hơn. Áp lực sĩ số này sẽ là thách thức lớn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trong khi đó yêu cầu của nhà nước, học sinh và phụ huynh ngày càng cao".

Tuy nhiên, ông cũng ghi nhận nỗ lực của TPHCM khi tạo điều kiện học tập cho học sinh, trong đó có hơn 347.000 học sinh chưa có hộ khẩu thành phố, thực hiện công bằng trong giáo dục; thành phố cũng đã đầu tư cho giáo dục, xây hàng trăm phòng học mới mỗi năm, có nhiều sáng kiến trong dạy và học. Nhờ những nỗ lực này, TPHCM đã đạt nhiều kết quả to lớn trong đó đặc biệt là việc dạy và học tiếng Anh, cũng như phát triển tinh thần thể thao của học sinh.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI