Không muốn mang thai nhưng… ngại ngừa thai

07/08/2016 - 14:17

PNO - Mỗi ngày, Bệnh viện (BV) Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) tiếp nhận rất nhiều ca nhờ tư vấn các biện pháp ngừa thai; trung bình mỗi tháng, có khoảng 300 trường hợp đến đặt vòng và 30 ca chích thuốc ngừa thai.

Có một thực tế là nhiều chị em không muốn có thai nhưng lại ngại dùng các phương pháp ngừa thai. Chọn phương pháp ngừa thai nào phù hợp, hiệu quả hiện đang là nỗi lo của không ít chị em trong tuổi sinh sản.

Sợ... ngừa thai

Đang chờ tư vấn ngừa thai tại BV Hùng Vương, chị H.T. (36 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), kể: “Tôi đã sinh được ba con, giờ phải “kế hoạch” đúng cách chứ không như hai lần trước, chỉ tính ngày kinh và thỉnh thoảng mới dùng bao cao su nên vỡ kế hoạch. May mà các lần sinh đều cách nhau ba - bốn năm nên không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, các con vẫn được chăm sóc tốt. Nhưng giờ mà để “lòi” thêm đứa thứ tư thì không ổn”.

Chị H.N.N. (30 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, đã từng đặt vòng sau khi sinh con thứ nhất vì dự tính sau 3-5 năm nữa mới có con thứ hai. Nhưng chỉ sau sáu tháng, chị quyết định tháo vòng và áp dụng cách ngừa thai tự nhiên, bởi “tự dưng mập lên tới 5kg dù sinh hoạt, ăn uống vẫn điều độ như trước đây. Chưa kể, có mấy chị bạn kể đã đặt vòng nhưng lại có thai lúc nào không hay; thậm chí, khi sinh bé ra, vòng nằm ngay trên đầu bé”.

Khong muon mang thai nhung… ngai ngua thai
Ảnh mang tính minh họa

Còn chị T.H. (35 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) thì cho hay, dù đã uống thuốc ngừa thai nhưng bị trễ kinh, đi khám, phát hiện… mình có thai. Cuối cùng, chị quyết định bỏ thai khi bác sĩ siêu âm kết luận “không nghe tim thai”. “Tôi ray rứt vô cùng khi đã phải bỏ con. Không biết có phải do thuốc ngừa thai đã tác động xấu đến con khi tôi lỡ có thai hay không. Phải chi tôi không dùng phương pháp ngừa thai thì chuyện vỡ kế hoạch là bình thường, đằng này đã uống thuốc ngừa thai rồi mà vẫn dính bầu”, chị H. băn khoăn.

Ngoài đặt vòng, uống thuốc, còn có phương pháp ngừa thai bằng cách cấy que tránh thai dưới da. Nhưng, vẫn có không ít chị em lo ngại, sợ đưa một vật lạ vào người, sẽ có những tác dụng phụ. Thực tế, đã có chị sau khi cấy que, chu kỳ kinh nguyệt bị thay đổi: kinh không đều, rong huyết, không có kinh và sau một thời gian thì… tắt kinh. Chưa kể, kèm theo đó là các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, căng ngực.

Tỷ lệ thành công không phụ thuộc vào người dùng

Tiến sĩ - bác sĩ (TS-BS) Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương khuyến cáo: “Đối với việc sinh con, chị em nên có kế hoạch để mình chủ động về sức khỏe, kinh tế, công việc… Nếu chưa có kế hoạch, chị em nên áp dụng các biện pháp tránh thai. Nhiều chị sợ bị tác dụng phụ và tránh thai làm vô sinh nên chỉ ngừa thai tự nhiên như xuất tinh ngoài âm đạo, tính ngày theo kỳ kinh… Áp dụng những cách này, tỷ lệ thất bại khá cao.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định: bản thân các phương pháp ngừa thai không gây vô sinh. Chị em nên đi khám phụ khoa để được hướng dẫn, tư vấn chọn lựa phương pháp phù hợp, ngừa thai đúng cách; nên áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại có tỷ lệ thành công cao”.

Chị em có thể chọn ngừa thai tạm thời bằng các phương pháp dùng rào chắn, dụng cụ tử cung, dùng nội tiết ngừa thai; hoặc ngừa thai vĩnh viễn bằng phương pháp triệt sản nam, nữ. Với ngừa thai tạm thời thì nam dùng bao cao su, nữ dùng bao cao su hoặc màn chắn âm đạo, mũ chụp cổ tử cung. Theo TS-BS Diễm Tuyết, trên thế giới, phần lớn phụ nữ thích sử dụng thuốc nội tiết tránh thai; còn ở Việt Nam, dùng vòng tránh thai vẫn là lựa chọn nhiều nhất. Cả hai phương pháp này đều có tỷ lệ thành công trên 90%. Tùy mỗi người mà chọn phương pháp ngừa thai phù hợp với mình. Biện pháp nào cũng đều có chống chỉ định và tác dụng phụ, vì vậy chị em nên đi khám để được tư vấn phương pháp phù hợp.

Chẳng hạn như, dụng cụ tử cung chống chỉ định với những trường hợp bị ra huyết âm đạo bất thường, viêm nhiễm sinh dục, mắc bệnh lý cổ tử cung (như ung thư cổ tử cung). Mặt lợi của dụng cụ tử cung là hiệu quả ngừa thai cao, thời gian sử dụng hiện nay theo khuyến cáo của WHO là 10 năm, thay vì năm - tám năm như trước đây. Tuy nhiên, cũng có những bất lợi khi đặt dụng cụ tử cung. Mấy tháng đầu mới đặt, nhiều trường hợp bị ra huyết nhiều kèm đau bụng khi hành kinh. Hay, loại vòng có dây tiện theo dõi nhưng chính sợi dây này lại gây nguy cơ viêm nhiễm âm đạo. Với dụng cụ tử cung, chị em phải đến cơ sở y tế đặt và sau sáu tháng đến một năm, phải kiểm tra định kỳ xem còn vòng hay không.

“Thực tế, đã có nhiều trường hợp ngại đi khám, vòng bị rớt nhưng vẫn nghĩ mình đã đặt vòng nên chủ quan, cuối cùng vẫn có thai… Chưa có phương pháp ngừa thai nào, cả tạm thời lẫn vĩnh viễn, đạt tỷ lệ thành công 100%. Phương pháp nào cũng có tỷ lệ thất bại, phụ thuộc vào người dùng; nếu dùng sai cách, sẽ dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn hoặc vẫn có thai ngoài kế hoạch”, TS-BS Diễm Tuyết nhấn mạnh.

Lưu ý khi ngừa thai

Ngừa thai bằng phương pháp đặt vòng được nhiều chị em chọn lựa vì rẻ hơn nhiều so với các phương pháp khác (khoảng 300.000-400.000đ) và có hiệu quả trong nhiều năm; khi muốn có con thì chỉ cần tháo vòng. Hiện còn có vòng mirena kết hợp cơ chế cơ học với nội tiết tố, hiệu quả cao hơn (chi phí khám, đặt tổng cộng khoảng trên ba triệu đồng). Những trường hợp bị cường kinh, đặt loại vòng này sẽ vừa ngừa được thai, vừa giúp hành kinh ít lại nhờ tác dụng điều trị nội tiết làm biến đổi niêm mạc tử cung.

Tránh thai bằng viên thuốc ngừa thai kết hợp hai nội tiết tố nữ estrogen và progesterone giúp ngăn rụng trứng (khác viên uống ngừa thai khẩn cấp), mỗi ngày uống một viên đều đặn, hiệu quả đạt trên 99%. Tuy nhiên, thuốc này chống chỉ định đối với những người bị bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp. Bên cạnh đó, một số trường hợp nội tiết không phù hợp, viên uống ngừa thai gây mập, nổi mụn.

Đặc biệt, với những phụ nữ trên 40 tuổi, thuốc làm tăng tính nhạy cảm của da khi tiếp xúc với nắng, làm tăng nguy cơ nám da. Một số loại thuốc mới sau này khắc phục bớt các tác dụng phụ như giữ muối, nước (gây mập), hạn chế tình trạng tăng cân, nhưng đáng lưu ý, nhiều người không tìm hiểu kỹ về cách dùng nên uống thuốc không theo đúng hướng dẫn. Uống liên tục trong nhiều năm sẽ dẫn đến tình trạng niêm mạc mỏng, kỳ kinh giảm, vô kinh.

Thực tế cho thấy, đặt vòng đúng cách và đúng thời điểm, dù tỷ lệ thất bại thấp nhưng vẫn có. Uống thuốc sai hướng dẫn và quên uống thì tỷ lệ thất bại cao hơn. Nhiều trường hợp vừa sinh con nhỏ ba - bốn tháng đã lại có thai; lúc này, nhân viên y tế sẽ đưa ra phân tích về tác động, ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và khả năng chăm sóc con cái để bà mẹ đưa ra quyết định. Theo khuyến cáo của WHO, nên sinh con cách nhau từ 3-5 năm để đảm bảo sức khỏe mẹ và sự chăm sóc con tốt hơn. Đặc biệt, với người đã sinh mổ thì sau ba-bốn tháng, vết mổ chưa kịp lành, vết thương có nguy cơ sẽ bị rách trong quá trình mang thai đứa con sau.

“Trong những trường hợp “vỡ kế hoạch”, tỷ lệ bỏ thai nhiều hơn là giữ thai. Nhưng, chị em cần biết rằng, bỏ thai cũng có nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sinh sản; vì vậy, phần lớn các bà mẹ được động viên: nếu không quá khó khăn thì nên giữ con”, TS-BS Tuyết lưu ý thêm.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI