Không muốn con nặng lòng vì cảm giác mang ơn

14/03/2023 - 15:20

PNO - Từ khi còn trong bụng mẹ, tôi đã là một “em bé” khỏe mạnh và dễ tính. Ba mẹ nuôi tôi nhàn tênh. Không ít lần mẹ nói với tôi như vậy.

Tôi vừa đi làm, vừa đi học, lại chăm con nhỏ. Lúc căng thẳng, mệt mỏi, tôi thường gọi điện về cho mẹ, kêu ca rằng Gạo biếng ăn và hay quấy khóc đêm. Dăm bữa nửa tháng, vợ chồng tôi lại phải đưa con vào viện vì ho, sốt cao, viêm đường hô hấp… 

Sau những lời than vãn, tôi lại thở dài: “Phải chi Gạo dễ nuôi như con”. Mỗi lần vậy, mẹ lại thiết tha bảo: “Vợ chồng con đưa Gạo về quê để mẹ chăm cho một thời gian”.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

Tôi biết mẹ thương cháu và xót con gái, nhưng tôi không nỡ xa con và không muốn mẹ phải cực nhọc. Sau cơn tai biến, ba tôi không tự đi lại được. Mẹ nay thành cánh tay, bờ vai… dựa cậy của ba. Vào cái tuổi bên kia dốc cuộc đời, mẹ cũng chẳng có thời gian để nghỉ ngơi.

Chuyến công tác đầu năm ra Bắc, tôi không báo cho ba mẹ biết. Khi ghé về thăm nhà, tôi mới biết ba bệnh nặng, mẹ đang chăm ba ở bệnh viện huyện cả tuần nay. Tôi vội đón xe vào viện, thấy tôi, mẹ sốt sắng hỏi: “Sao con biết mà về? Mẹ không nói vì sợ con lo”.

Mẹ giục tôi về nhà nghỉ ngơi. Tôi phải gắt lên, đòi ở lại thay mẹ chăm ba. Tối muộn, ba đỡ sốt, ông nắm lấy tay tôi, ôn tồn: “Cho dù có chuyện gì, con cũng đừng gắt với mẹ. Khi sinh con, mẹ suýt bỏ mạng đấy!”.

Tôi sững sờ khi nghe ba kể về những tháng ngày mẹ mang bầu và sinh tôi. Khi đó, trong người mẹ có khối u lớn. Chưa đến ngày sinh, ba đã phải đưa mẹ vào bệnh viện cấp cứu, nhưng mẹ dặn ba bằng mọi giá phải để cho tôi được chào đời. Tôi sinh thiếu tháng, nhẹ cân, phải nằm lồng kính… Ở thành phố, ba mẹ chẳng có ai thân quen. Ba vừa chăm mẹ vừa túc trực khi y tá, bác sĩ gọi vào thăm tôi.

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

Còn mẹ may mắn thoát bàn tay tử thần nhưng vẫn rất yếu. Vậy mà ngay hôm sau mẹ đã gượng dậy, đòi ba xin bác sĩ cho mẹ qua phòng tôi để thăm con gái bé bỏng. Vài hôm sau, trên đường về phòng trọ lấy đồ, ba bị ngã xe trật khớp chân. Mẹ tự xoay xở với đứa con mới sinh non trong bệnh viện. Hằng ngày, mẹ phải cắn răng chịu đựng vết thương, ngồi vắt sữa nhờ y tá mang cho tôi.

Hành trình nuôi tôi những năm đầu đời đầy gian nan nhưng mẹ chưa một lời kêu ca, than phiền. Tôi như một con mèo ướt, “năm ngày bảy tật”. Bệnh tật của tôi đã lấy đi của mẹ tất cả sức lực, tiền bạc và tuổi thanh xuân. Vì phải chăm sóc tôi nên kế hoạch lập nghiệp trên thành phố của ba mẹ cũng đành “đứt gánh giữa đường”. Vài món đồ quý giá của gia đình cũng dần “đội nón” ra đi. Đôi bông tai là đồ lưu niệm của bà ngoại trao lại ngày mẹ xuất giá cũng trở thành tiền viện phí. 

Kể đến đây giọng ba lạc đi, mắt tôi cũng ướt nhòe…

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

Sáng sớm hôm sau, mẹ xuất hiện ở cửa với cái cặp lồng cháo còn nóng hổi. Nhìn thấy mẹ, nước mắt tôi chực trào. Tôi lấy cớ đi ra ngoài mua đồ để mẹ không nhận ra. Nhưng khi về, vừa bước vào cửa phòng, tôi đã nghe mẹ “tra gạn” ba: “Ông để lộ “bí mật” với con rồi phải không?”. Ba đấu dịu: “Con nó làm mẹ rồi, cũng phải để cho con nó biết chứ”.

“Vợ chồng nó nuôi con cũng vất vả. Với lại, tôi muốn con gái luôn vui vẻ, không nặng lòng vì cảm giác mang ơn ba mẹ đã khó nhọc nuôi mình khôn lớn”. Lời mẹ nhẹ nhàng mà nước mắt tôi rơi… 

Thu Hoàn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trương Mỹ Hương 15-03-2023 06:51:42

    Bài viết rất cảm động làm rơi nước mắt. Đúng là tấm lòng của cha mẹ bao la như trời biển. Hy vọng những người con còn đối xử tệ với đấng sinh thành, hãy quay lại trước khi quá muộn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI