Không muốn chết cô đơn, cụ bà cố tình phạm luật để được vào tù

02/02/2025 - 09:56

PNO - Một cụ bà người Nhật cố tình vi phạm pháp luật để có thể sống miễn phí trong tù, được có người chăm sóc và trò chuyện đã nêu bật vấn đề già hóa dân số của đất nước này.

Akiyo là một trong 500 phụ nữ bị giam giữ tại nhà tù dành cho phụ nữ lớn nhất Nhật Bản ở phía bắc Tokyo. Ảnh: qq.com
Bà Akiyo là 1 trong 500 phụ nữ bị giam giữ tại nhà tù dành cho phụ nữ lớn nhất Nhật Bản ở phía bắc Tokyo - Ảnh: qq.com

Câu chuyện này xuất hiện ở Nhà tù nữ Tochigi, nhà tù dành cho nữ lớn nhất Nhật Bản, nằm ở phía Bắc Tokyo, một cơ sở giam giữ khoảng 500 tù nhân, trong đó cứ 5 người thì có 1 người cao tuổi.

Tại đây, nhân viên sẽ hỗ trợ người cao tuổi trong các hoạt động cơ bản như tắm rửa và ăn uống, khiến nơi đây giống như một viện dưỡng lão.

Lịch trình hàng ngày của cơ sở này được quản lý rất nghiêm ngặt, tù nhân phải thức dậy lúc 6 giờ sáng và tắt đèn lúc 9 giờ tối.

Một người phụ nữ 81 tuổi - được biết đến với cái tên Akiyo, đã từng bị bỏ tù 2 lần vì tội trộm cắp, đã tâm sự rằng, bà tìm thấy cảm giác ổn định bất ngờ sau song sắt.

“Có rất nhiều người tốt trong nhà tù này. Có lẽ cuộc sống này là ổn định nhất đối với tôi” - bà nói.

Đối với một số phụ nữ lớn tuổi ở Nhật Bản, phòng giam là nơi trú ẩn khỏi sự khắc nghiệt của cuộc sống bên ngoài. Ảnh: qq.com
Đối với một số phụ nữ lớn tuổi ở Nhật Bản, phòng giam là nơi "trú ẩn an toàn và vui vẻ" khỏi sự khắc nghiệt của cuộc sống bên ngoài - Ảnh: qq.com

Bà Akiyo lần đầu tiên bị bỏ tù vì tội ăn cắp thức ăn khi bà ở độ tuổi 60, và sau đó, khi phải sống hoàn toàn bằng khoản lương hưu ít ỏi được cấp hai tháng một lần, sự tuyệt vọng đã khiến bà lại ăn cắp thức ăn.

"Tôi đã đưa ra quyết định tồi tệ và đi ăn cắp vặt, nếu bị bắt vào tù cũng là điều hay. Nếu tôi ổn định về tài chính và có cuộc sống thoải mái, tôi chắc chắn sẽ không làm vậy" - bà chia sẻ.

Bà Akiyo tâm sự, bà còn phải chịu cảnh thiếu sự hỗ trợ từ gia đình.

Trước khi bị giam giữ, bà sống với người con trai 43 tuổi, người này thường bày tỏ mong muốn bà rời đi, khiến bà càng tuyệt vọng.

“Tôi cảm thấy mình không còn quan tâm đến những gì đã xảy ra nữa. Tôi nghĩ, 'Tôi sống chẳng có ý nghĩa gì' và 'Tôi chỉ muốn chết thôi'” - bà nói.

Vào tháng 10/2024, Akiyo được ra tù sau khi chấp hành xong bản án thứ 2, nhưng bà vẫn cảm thấy xấu hổ và lo sợ sự phán xét của con trai mình và bà cũng không biết mình sẽ sống ra sao.

“Tôi sợ cách con trai nhìn tôi. Ở một mình là một điều rất khó khăn, và tôi cảm thấy xấu hổ vì đã rơi vào hoàn cảnh này. Tôi thực sự cảm thấy rằng nếu tôi có ý chí mạnh mẽ hơn, tôi có thể đã sống một cuộc sống khác, nhưng giờ tôi đã quá già để làm bất cứ điều gì về điều đó” - bà nói.

Câu chuyện của Akiyo nêu bật những thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt do tình trạng dân số già hóa.

Theo số liệu của chính phủ, vào năm 2022, hơn 80% tù nhân nữ lớn tuổi bị giam giữ vì tội trộm cắp, và số lượng tù nhân từ 65 tuổi trở lên gần gấp 4 lần so với năm 2003.

Takayoshi Shiranaga - một sĩ quan tại Nhà tù nữ Tochigi - cho biết. “Đối với nhiều tù nhân lớn tuổi, thà ở tù còn hơn chết một mình bên ngoài”. Ngoài ra, người quản lý nhà tù này còn lưu ý rằng một số người cao tuổi sẵn sàng trả 20.000 đến 30.000 yên (130 đến 190 USD) mỗi tháng để được ở trong tù nếu họ có thể.

Thảo Nguyễn (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI