Hạnh phúc hay xui xẻo - người ta đang gắng gán ghép điều họ muốn

27/07/2023 - 19:10

PNO - Có rất nhiều góc chụp đẹp, nhưng cư dân mạng bỏ qua, họ chỉ muốn điều họ tiên đoán thành sự thật.

Bạn gửi cho tôi một bức ảnh rồi hỏi: “Đố bà, đây là ảnh đám hiếu hay đám hỉ?”. Tôi nhìn vào ảnh, thấy một bảng tên được trang trí với trúc và sen, ở giữa là khung tên theo phong cách cổ điển, phần tên của nhân vật chính đã được làm mờ đi nên không rõ là ai. Phân vân một lúc, tôi bảo: “Chịu, phải nói rõ chụp ở đâu mới biết hiếu hay hỉ chứ!”.

Bạn tôi thả biểu tượng mặt cười rồi bảo: “Muốn biết đáp án thì lên mạng đi, bức ảnh “hot” nhất đấy!”. Nghe bạn nói, tôi tò mò, thử lên ngó xem.

Bức ảnh bạn gửi cho tôi là từ lễ cưới của Shark Bình và diễn viên Phương Oanh.
Bức ảnh bạn gửi cho tôi là từ lễ cưới của Shark Bình và diễn viên Phương Oanh

Và đúng thật, tràn khắp các hội nhóm, fanpage hay trang cá nhân cũng thấy người ta chia sẻ bức ảnh này. Hóa ra là ảnh từ đám cưới của cặp đôi Shark Bình và diễn viên Phương Oanh. Nhưng đi kèm là những lời cười cợt: “Cho xin thông tin đơn vị thi công này với, để né!”, rồi lại: “Đúng là thể hiện được ý nghĩa luôn của đám cưới là nấm mồ hôn nhân”, “Nhìn qua tưởng đám ma”…

Có những bức ảnh cô dâu và chú rể ở góc chụp đẹp, nhưng người ta cố tình lờ đi, chỉ tập trung vào những bức ảnh có xu hướng hiểu nhầm.

Tôi tự hỏi vì sao người ta có thể thoải mái buông lời cười cợt, mỉa mai hạnh phúc của người khác như thế? Nếu như những lời tiên đoán vô tri ấy thành thật, liệu người từng "trù ẻo" có chút nào cắn rứt lương tâm?

Cô dâu và chú rể có những bức ảnh đẹp nhưng lại không được nhắc tới.
Cô dâu và chú rể có những bức ảnh đẹp nhưng không được chia sẻ hay nhắc tới

Cách đây vài ngày, các bình luận tiêu cực cũng tràn khắp mạng xã hội dưới thông tin hoa hậu Ý Nhi (vừa đăng quang một cuộc thi) công khai bạn trai. Thay vì chúc mừng hay ngưỡng mộ tình yêu của đôi trẻ, hàng ngàn bình luận “gửi lời chia buồn”: “Anh sinh viên nghèo đã chính thức quay vào ô mất người yêu”, “Ngoài thì cười chứ bên trong khóc ròng”, “Hoa hậu phải đi với “đại gia”, sớm muộn gì chả chia tay”…

Tôi nhớ có một câu nói rằng, người ta vốn chỉ nhìn thấy điều mình muốn thấy. Hoặc cũng có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những gì con người nói sẽ phản ánh rất rõ nội tâm. Nên nếu như một người nhìn một đám cưới mà ra đám ma, thì rất có thể chỉ vì người ấy muốn nhìn thấy thế, hoặc cố nói ra được suy nghĩ của mình cho hả hê, để thể hiện rằng mình có… gu hơn người giàu, người nổi tiếng? Hay có phần nào trong người bình luận là sự nhỏ nhen, ganh tị?

Nếu nhìn một tình yêu 6 năm mà chỉ thấy bi kịch chia tay, phụ tình, đau khổ... thì có phải nhãn quan của chủ thể chỉ toàn nghi ngờ, vỡ vụn, coi thường tình yêu? 

Những lời nói vô tư có thể trở thành một nhát dao đâm vào trái tim người khác. Dưới câu chuyện tình của hoa hậu Ý Nhi, một người đã nhận định: “Chàng trai sẽ không bị áp lực bởi việc người yêu trở thành hoa hậu, mà áp lực bởi những lời mỉa mai thế này”.

Trong sự kiện đám cưới Phương Oanh và Shark Bình, rất nhiều người lên tiếng: “Chuyện họ kệch cỡm ra sao, yêu nhau thế nào thì kệ họ. Miễn là họ không vi phạm pháp luật, không vi phạm thuần phong mĩ tục, làm ơn để họ yên”.

Cũng có những người lên tiếng cổ vũ chuyện tình yêu của Hoa hậu Ý Nhi và chàng sinh viên: “Trân trọng tình cảm 2 bạn dành cho nhau. Thành công của Ý Nhi chính là động lực để bạn trai cố gắng nhiều hơn. Cố lên, sẽ đến ngày chàng đưa nàng về dinh”.

Câu chuyện Hoa hậu Ý Nhi và bạn trai cũng nhận phải nhiều bình luận ác ý.
Câu chuyện Hoa hậu Ý Nhi và bạn trai cũng nhận phải nhiều bình luận ác ý.

Thành thật mà nói, bản thân tôi trước đây cũng từng là một người đứng trong đám đông để nhìn người khác bằng ánh mắt phán xét hay tiêu cực. Thậm chí, tôi cũng là người sẽ lao vào đọc ngấu nghiến những bình luận của cộng đồng mạng, sẵn sàng mang chúng vào câu chuyện của "Hội bà tám" và buông lời hả hê: “Thấy chưa, đã bảo mà, chỉ được mấy bữa…”.

Nhưng rồi tôi nhận ra, tất cả những gì mình nhìn về hạnh phúc của người khác chỉ phản ánh và ảnh hưởng lên cuộc sống thực của mình. Tôi đã dừng từ lâu việc lấy niềm vui hay nỗi đau của người khác ra làm trò cười. Nên nếu đứng trước một sự việc, tôi cho mình cơ hội được phân tích phải trái, “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, dù chỉ là một bình luận trên mạng xã hội.

Quay trở lại với người bạn của tôi, bạn nói: “Đúng là vui thôi đừng vui quá. Ban đầu, tui cũng tính chia sẻ chút hài hước mà giờ thấy chẳng khác gì mình đang ném đá vào người chẳng quen biết. Thôi, tắt máy, đi làm việc khác cho xong”.

Tôi đồng tình với bạn, nếu không nói được lời nào tốt đẹp thì cứ tắt mạng xã hội để tập trung vào việc của mình, “kệ người ta đi” cũng là một cách hay...

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI