Không lo thiếu việc nếu chịu cập nhật kiến thức, kỹ năng

06/12/2024 - 06:31

PNO - Biến động nguồn lao động trong các doanh nghiệp là rất lớn, nhất là ở các doanh nghiệp tư nhân với tỉ lệ biến động bình quân 40 - 50%.

Trong 3 người được tuyển mới thì có 2 người đang làm ở doanh nghiệp khác “nhảy” sang. Đặc biệt, biến động lao động ở các đơn vị sản xuất thuộc ngành may mặc rất cao, bình quân 20%/năm (di chuyển qua lại khoảng 40.000 người/năm), một số doanh nghiệp tư nhân có tỉ lệ biến động lao động 50 - 60%/năm.

Ngoài ra, tỉ lệ người lao động thôi việc, bỏ việc, chuyển chỗ làm và tỉ lệ tuyển dụng lao động mới cũng rất cao, bình quân 18 - 20%/năm/doanh nghiệp. Quá trình chuyển dịch này khiến nhiều doanh nghiệp ở TPHCM luôn trong tình trạng thừa, thiếu nhân lực, chưa ổn định, cân đối về số lượng và chất lượng nhân lực.

Hằng năm, các doanh nghiệp, cơ sở ở TPHCM cần tuyển trên 300.000 người, trong đó gần 100.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và trên 200.000 người tốt nghiệp các chương trình giáo dục nghề nghiệp. Trong tổng số cần tuyển trên, chiếm hơn 40% là lao động chất lượng cao.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với xu thế số hóa, các doanh nghiệp cũng đòi hỏi sự đồng đều về kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ và kỹ năng mềm, cùng sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm của người lao động. Điều này đòi hỏi người lao động phải cập nhật kiến thức liên tục và thích nghi với công nghệ mới.

Vì vậy, các trường đại học, cao đẳng và trường nghề phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, đầu tư hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành đồng bộ.

Năm nào cũng vậy, vào dịp cuối năm, nhu cầu tìm việc và tuyển lao động thời vụ cũng tăng đột biến và tập trung vào các lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến - chế tạo, xây dựng, vận tải, logistics…

Tuy nhiên, việc tuyển dụng năm 2024 có khác biệt hơn những năm trước do doanh nghiệp không còn tuyển ồ ạt mà có sự chọn lọc hơn, yêu cầu người lao động phải có kinh nghiệm, kỹ năng nhất định. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn đòi hỏi người lao động phải có tay nghề cao.

Dù vậy, việc tuyển dụng cũng không hẳn dễ dàng bởi ở các thành phố lớn, từ đợt dịch COVID-19 năm 2021, doanh nghiệp gia công cắt giảm nhân sự ồ ạt, lao động phổ thông có xu hướng dịch chuyển về các vùng quê. Trên thị trường lao động, cũng xuất hiện những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới, như buôn bán online, chạy xe công nghệ.

Diễn biến thị trường này vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho sinh viên, những người thực sự có nhu cầu tìm việc, có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến. Trong đó, việc tiếp xúc những công việc như bán hàng, giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ… sẽ giúp sinh viên thu nạp thêm kiến thức, cọ xát với thực tế để cải thiện kỹ năng giao tiếp, có ích cho công việc sau này.

Thị trường lao động TPHCM hiện nay và những năm tới sẽ có sự chuyển động cả về chất và lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới. Điều này có thể sẽ khiến nhiều người lao động phải chuyển sang công việc khác, nhất là những người đang làm trong các ngành dệt, may, da giày và một số ngành gia công, chế biến.

Do đó, người lao động cần luôn cập nhật kiến thức và thích nghi với công nghệ mới. Phía doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch tuyển dụng sớm, đồng thời có chính sách phúc lợi tốt bởi người lao động luôn quan tâm mức lương bao nhiêu, chế độ như thế nào.

Sự dịch chuyển lao động là điều bình thường và tất yếu của thị trường lao động, nhưng cũng là vấn đề đặt ra để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp nghiên cứu để có chính sách phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng thành phần kinh tế và từng giai đoạn phát triển.

Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM
Ngọc Thùy (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI