Không kịp chờ đến tuổi chích ngừa sởi, em bé đã tử vong

15/11/2017 - 19:36

PNO - Ca tử vong của một bé 7,5 tháng tuổi ở Hà Nội do biến chứng của bệnh sởi lên phổi trong năm 2017 khiến nhiều bác sĩ lo ngại dịch có thể quay lại như năm 2014 khiến hơn 140 trẻ tử vong.

Chỉ riêng tại Hà Nội, mỗi năm có thêm khoảng 5.000 trẻ chưa được chích ngừa. Nếu con số này cộng dồn thì đến một lúc nào đó, mỗi người dân sẽ không còn được bảo vệ trước bệnh sởi.

Khong kip cho den tuoi chich ngua soi, em be da tu vong
Chăm sóc cho trẻ bị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khi dịch sởi bùng phát trên cả nước

Miễn dịch cộng đồng nghĩa là số người ở cộng đồng được chích ngừa với một tỷ lệ nhất định thì bệnh sởi mới không bùng phát thành dịch.

Với bệnh sởi, miễn dịch cộng đồng phải đạt trên 90%. Nếu dịch tễ cộng đồng không tốt, sẽ lây cho trẻ nhỏ”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) phân tích: “Nếu không có miễn dịch cộng đồng, dịch sởi sẽ bùng phát sau 3-5 năm. Và đợt dịch xảy ra gần nhất là ở Hà Nội làm hơn 140 trẻ tử vong cũng vừa đúng 3 năm".

Nếu dịch xảy ra, những trẻ không được chích ngừa do phụ huynh tẩy chay vắc xin hoặc do trẻ chưa được chích ngừa hoặc chích không đủ liều sẽ đối diện với nguy cơ tử vong.

Nhớ lại năm 2014 ra Hà Nội để tham gia phòng chống dịch sởi bùng phát, bác sĩ Khanh kể: Đó là thời gian kinh hoàng không chỉ với người dân mà cả với nhân viên y tế. Khó tưởng tượng ra một bệnh tưởng chừng đã bị loại trừ mười mấy năm về trước, nay lại bùng phát dữ dội và gây ra hàng loạt ca tử vong. 

Khong kip cho den tuoi chich ngua soi, em be da tu vong
Một em bé bị bệnh sởi

Không chỉ người dân mà ngay cả nhân viên mới vào nghề cũng chưa đủ kiến thức đối mặt với dịch sởi lan nhanh. Năm 2014, cả nước có đến 4.602 trường hợp được xác định mắc sởi trong số 21.639 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành. Trong đó 30% số mắc tập trung ở Hà Nội - địa phương có số mắc cao nhất và sau đó là TP.HCM.

Lúc dịch bùng phát năm 2014 thì có 87,4% trường hợp trẻ mắc sởi do chưa tiêm vắc xin ngừa sởi hoặc không rõ đã chích hay chưa, 9% mới chỉ tiêm một mũi; 76,5% trẻ dưới 10 tuổi mắc sởi; 2,5% trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi. 

Chích ngừa bây giờ có kịp?

Theo nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh: “Phải chặn dịch ngay từ bây giờ, nếu không dịch sởi có thể bắt đầu gia tăng vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau và có thể bùng phát vào tháng 4 như vụ dịch năm 2014”.

Khong kip cho den tuoi chich ngua soi, em be da tu vong
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một lần kiểm tra dịch sởi

Theo quy định hiện nay, vắc xin ngừa sởi chỉ có thể được chích ngừa khi trẻ được 9 tháng tuổi. Lúc này, trẻ em được chích 1 mũi; sau đó trẻ được chích nhắc mũi thứ 2 vào lúc 18 tháng tuổi.

Các bác sĩ lo nhất là đối tượng trẻ trước 9 tháng tuổi hoàn toàn không thể được phòng ngừa bằng vắc xin sởi. Ca tử vong của em bé 7,5 tháng tuổi tại Hà Nội là một trường hợp cảnh tỉnh. Và giá như hệ miễn dịch cộng đồng tốt thì khả năng em bé này khó bị lây bệnh sởi! Đến khi bé được 9 tháng sẽ được chích ngừa sởi.

Khong kip cho den tuoi chich ngua soi, em be da tu vong
Nên chủ động ngừa sởi cho trẻ em bằng cách đưa trẻ đi chích ngừa khi trẻ đủ 9 tháng tuổi

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho tư vấn, nếu trẻ chưa chắc chắn đã miễn dịch với bệnh sởi vẫn có thể chích ngừa mũi sởi "3 trong 1" (sởi, quai bị, rubella). Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Gi ám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, vào thời điểm dịch sởi bùng phát năm 2014, TP.HCM thực hiện tiêm vét mũi "3 trong 1" này cho đối tượng đến 18 tuổi.

"Trước nguy cơ bùng phát dịch sởi vào những tháng lạnh sắp tới ở các tỉnh phía Bắc, phụ huynh cần cho trẻ chích ngay mũi sởi khi trẻ 9 tháng tuổi chứ không chờ đủ 12 tháng tuổi để được chích mũi sởi – rubella. Tâm lý chờ đợi đến lúc trẻ đủ 12 tháng tuổi là một sai lầm cần tránh. Đặc biệt, phụ huynh cần chích đủ 2 mũi vắc xin ngừa sởi” - bác sĩ Khanh khuyên.

Khong kip cho den tuoi chich ngua soi, em be da tu vong
Trẻ em được khám sàng lọc bệnh sởi trong mùa dịch 2014

Cục Y tế Dự phòng Việt Nam thống kê, nếu trẻ được tiêm 1 mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ 2 lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: Bệnh sởi lây lan rất nhanh và lây trước khi trẻ bị sốt phát ban. Khi phát hiện có trẻ mắc sởi, đừng cho tiếp xúc với người bên ngoài ít nhất 5 ngày sau khi ra ban và 4 ngày sau khi hết nổi ban.

Cách chăm sóc trẻ bị sởi tốt nhất cho trẻ uống vitamin A, hạ sốt, theo dõi các biến chứng viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, phân có máu. Dấu hiệu dễ nhận biết là ho, sau đó sốt. Tuy nhiên, khác với các bệnh do siêu vi khác, trẻ mắc bệnh sởi dù ra ban nhưng vẫn tiếp tục sốt và ho.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI