Không khóc ở Bờ biển Manchester

21/02/2017 - 15:30

PNO - Ở Manchester by the sea (Bờ biển Manchester), nỗi đau chất chứa, dồn nén từ nhân vật truyền tới khán giả để có thể tạo nên cảm xúc ứ đọng tới mức khó bật thành tiếng khóc.

Vì sự kết nối cảm xúc đến mức ấy, nên nếu đây là bộ phim được gọi tên ở vị trí cao nhất của Oscar sắp diễn ra thì cũng hoàn toàn xứng đáng.

Tạo lễ trao giải thường niên lần thứ 89 của Viện Hàn lâm khoa học và điện ảnh Hoa Kỳ ngày 27/2 (giờ Việt Nam), Manchester by the sea có nhiều khả năng chiến thắng nhất ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc. Xem phim có thể thấy ngay đạo diễn kiêm biên kịch Kenneth Lonergan đã đặt sự sáng tạo đứng trên khung kết cấu nội dung rất vững chắc, từ đó mang đến một tác phẩm gần như hoàn hảo ở nhiều yếu tố.

Điểm nổi bật kế tiếp là diễn xuất đồng đều, kết dính của đội ngũ diễn viên, từ vai chính của Casey Affleck đến hai vai phụ của Lucas Hedges và Michelle William. Ba diễn viên này nắm giữ ba trong tổng số sáu đề cử Oscar dành cho Manchester by the sea.

Ẩn số cuối cùng, liệu bộ phim về cuộc đời rất thực của con người này có vượt lên tám phim khác để trở thành Phim hay nhất? Với nhiều người thì quả là khó, nhất là trước ảnh hưởng từ La La Land hay thiện cảm của giới phê bình dành cho Moonlight.

Khong khoc o Bo bien Manchester

Tuy nhiên, với những giá trị thực sự mà Manchester by the sea đã đạt tới thì sự vinh danh cao nhất hoàn toàn có thể thuộc về bộ phim tâm lý đầy sức nặng này.

Như tên gọi, bộ phim là câu chuyện diễn ra bên bờ biển Manchester thuộc New England, Hoa Kỳ. Vùng đất này gắn với những năm tháng tươi đẹp nhất và cũng héo úa nhất trong cuộc đời Lee Chandler, người đàn ông kiếm sống bằng việc sửa chữa đồ gia dụng. Ký ức tuyệt vời nhất đối với Lee là khi có mặt trên con tàu lướt trên biển sóng bao la, ở đó anh chơi đùa với cậu con trai nhỏ của người anh trai, cất lên tiếng cười giòn tan, vô ưu.

Sau những giờ phút sảng khoái ấy, Lee trở về với mái ấm riêng, ở đó anh cưng nựng vợ cùng những đứa con yêu. Thế rồi niềm hạnh phúc bình dị, đẹp đẽ ấy nhanh chóng bị xóa sạch sau một biến cố kinh hoàng mà Lee luôn cho rằng do sự bất cẩn của mình. Điều đặc biệt là khi xem phim, khán giả chỉ dần được tiết lộ về câu chuyện ẩn sau người đàn ông kiệm lời này qua những pha chuyển cảnh đan xen quá khứ và hiện tại.

Quá khứ đau đớn, xót xa vây bủa Lee, biến anh thành một người khác. Từ sôi nổi, tếu táo, chàng trai vùng biển Manchester trở thành kẻ lầm lì, cục cằn. Như để vĩnh biệt con người quá khứ, Lee bỏ quê nhà tìm đến vùng đất khác, thậm chí anh từng rút súng với ý định tự tử để giải thoát khỏi nỗi đớn đau cùng cực.

Bộ phim có lối kể chuyện với nhiều pha cắt cảnh, chuyển cảnh ngắn ngỡ như phim truyền hình. Nhưng khi đặt trong bối cảnh riêng và xuyên suốt, đạo diễn Kenneth Lonergan lại tạo nên ngôn ngữ điện ảnh đặc sắc riêng.

Song song với khắc họa số phận, đời sống nội tâm, tính cách của người đàn ông tự đẩy mình vào cô độc và những biến chuyển trong tâm lý của những nhân vật liên quan với Lee như đứa cháu trai 16 tuổi Patrick, người vợ cũ Randi, nhà làm phim khéo léo đẩy vào những hình ảnh biểu tượng như mùa đông tuyết trắng lạnh lẽo, con tàu bị nát hỏng đang nằm chơ vơ trên bến cảng…

Ngay cả cách tạo nên tình huống về cái chết của người anh Joe ở đầu phim và đám tang ở cuối phim cũng là ý đồ đắt giá của đạo diễn kiêm tác giả kịch bản. Hóa ra đâu phải chỉ có người chết chưa kịp chôn mới đông cứng lại vì ướp lạnh, mà kể cả người sống cũng có những lúc cuộc đời họ đóng băng, tê buốt, rồi cứ thế mà… chết. Khi cuộc sống đã trở nên quá tái tê, ngưng đọng, đớn đau thì đến một cuộc chuyện trò xã giao để giữ phép lịch sự cũng khó khiến người ta mở lời. Sự ủ ê, chán chường cứ bám riết Lee, đẩy anh khỏi những giao thiệp bình thường.

Xem bộ phim này một lần rồi hai lần càng thấy sự cao tay của đạo diễn trong việc đưa đẩy tâm lý một cách tự nhiên. Từ đó khiến cảm xúc người xem khi đã hòa cùng nhịp phim thì sẽ giống như sợi dây cao su lúc căng ra tưởng chừng sắp đứt rồi lại chùng xuống như muốn quấn vào sợi dây khác để tìm kiếm sự bình an.

Cái hay của bộ phim ngoài kịch bản chặt chẽ và cách kể chuyện khéo léo còn là sự khước từ lối làm phim áp đặt cảm xúc khán giả thường gặp. Nỗi đau và cả sự giải thoát trong phim không cần được tô hồng hay cố làm bi lụy. Tất cả diễn ra tự nhiên như hơi thở và thế là đủ để mỗi khán giả có thể nhận ra.

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI