Không khóc vẫn chảy nước mắt
Chiều thứ Sáu, trước khu khám của Bệnh viện Mắt TP.HCM, chị Phương ẵm con gái Q.T. (4 tháng tuổi) vào phòng khám số 6. Từ lúc mới sinh, con gái chị lúc nào cũng chảy nước mắt sống, mắt ướt như khóc.
Thỉnh thoảng, bé đổ ghèn vàng và dính vào mỗi sáng. Dù chị dùng nước muối sinh lý vệ sinh mắt nhưng bé vẫn “khóc”. Sau khi loại trừ các nguyên nhân gây chảy nước mắt sống, bác sĩ cho biết bé bị tắc lệ đạo bẩm sinh.
Triệu chứng tắc lệ đạo
- Bệnh nhân hay chảy nước mắt và bị gỉ mắt. Hiện tượng chảy nước mắt sẽ nhiều hơn khi trời lạnh, có gió hoặc nắng…
- Mắt dính ghèn vàng hay trắng, vàng xanh, nhất là lúc vừa ngủ dậy. Trường hợp viêm, có thể thêm nhiễm trùng, vùng túi nước mắt bị viêm, khóe mắt về phía mũi sưng đỏ, đau, trẻ hay giụi mắt. Triệu chứng này có thể xuất hiện ở một hay cả hai mắt.
|
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Nam - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ & Thần kinh nhãn khoa, Bệnh viện Mắt TP.HCM - giải thích: “Nước mắt được tuyến lệ tiết ra thường xuyên nhằm bôi trơn giúp bề mặt mắt ẩm ướt. Thông thường, lượng nước mắt này được dẫn lưu qua các ống dẫn nhỏ chạy từ “lỗ ghèn” xuống mũi được gọi là hệ thống lệ đạo.
Nếu đường ống này bị tắc nghẽn, nước mắt không thoát xuống mũi và chảy ra ngoài như khóc gọi là tắc lệ đạo (dân gian thường gọi chảy nước mắt sống).
Tắc lệ đạo có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu bệnh xảy ra ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi (1-12 tháng tuổi) sẽ do nguyên nhân bẩm sinh; còn nếu bệnh xuất hiện ở trẻ em và người lớn thường do nhiễm trùng hoặc chấn thương, tự phát”.
Với trường hợp con gái chị Phương, các bác sĩ chẩn đoán bé bị tắc lệ đạo bẩm sinh. Khoảng 5-10% trẻ sơ sinh bị tắc lệ đạo thường do van Hasner ở phần cuối ống lệ chưa thông, nó có một màng mỏng chặn nước mắt lại.
90% trường hợp trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt sống bẩm sinh sẽ bình thường trở lại sau một năm chào đời. Trong thời gian này, bác sĩ thường hướng dẫn cha mẹ massage cho bé bằng cách dùng ngón tay trỏ ấn vào góc trong mắt (vùng túi lệ) rồi vuốt mạnh xuống phía mũi để tạo áp lực làm mở van ngăn giữa đường lệ và ngách mũi dưới.
Mỗi ngày, cha mẹ sẽ làm 4 lần (mỗi lần 10 cái) kèm vệ sinh bờ mi bằng nước muối sinh lý cho trẻ. Một số ít trường hợp, bệnh nhi được chỉ định dùng kháng sinh tra mắt nếu có bội nhiễm vi khuẩn.
Khoảng 10% những ca còn lại mới tiến hành phẫu thuật thông túi lệ mũi và thường chỉ thực hiện sau 6 tháng tuổi ở bệnh viện lớn chuyên khoa mắt. Nhiều trường hợp, trẻ bị biến chứng do cha mẹ vội đi thông tuyến lệ cho con.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Nam cảnh tỉnh: “Nhiều cơ sở bên ngoài chưa có kinh nghiệm hoặc do phòng khám không được phép gây mê, gây tê nhưng vẫn thực hiện thông lệ đạo khiến trẻ đau khóc, giẫy giụa làm trầy xước, hư đường lệ đạo, dẫn đến tắc ống lệ.
Nếu bệnh nhi bị tắc ống lệ mũi thì có thể điều trị ngay, còn nếu tắc lệ quản ngang buộc phải đợi đến khi trẻ ý thức được vấn đề vệ sinh mới đưa vào phẫu thuật nối thông hồ lệ mũi".
Không phải ca nào cũng mổ
Mỗi ngày, Khoa Tạo hình thẩm mỹ & Thần kinh nhãn khoa Bệnh viện Mắt TP.HCM mổ ít nhất cho 4 bệnh nhân người lớn bị tắc lệ đạo, trong đó có nhiều bệnh nhân bị sưng nửa mặt do mủ, nhiễm trùng.
Nằm ở phòng tái khám sau mổ thông lệ đạo, anh N.H.A. (28 tuổi) cho biết trong một lần chạy xe, anh bị va vào thanh gỗ khiến vùng mặt bên trái sưng to. Sau này khi vết thương lành, anh bỗng dưng chảy nước mắt dù không khóc. Sau khi thăm khám tại Bệnh viện Mắt, anh được chẩn đoán tắc lệ đạo.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Nam cho hay: “Người lớn thường chảy nước mắt do viêm túi lệ mãn tính, có thể do viêm nhiễm, do chấn thương vùng mũi hay do bệnh tự phát. Người bệnh thường là phụ nữ trên 40 tuổi. Những bệnh nhân này thường chảy nước mắt lâu ngày, khi ấn vào vùng túi lệ bị xì mủ. Nếu không mổ, bệnh nhân bị áp xe túi lệ, sưng nửa mặt do nhiễm trùng.
Hiện nay có 2 phương pháp mổ thông lệ đạo. Cách truyền thống sẽ mổ theo đường ngoài (mổ hở) để khoan xương nối niêm mạc mũi qua niệm mạc túi lệ, sau đó đặt ống thông cho nước mắt chảy xuống miệng, chứ không để tràn ra ngoài mắt. Mổ hở kéo dài từ 40-60 phút, tỷ lệ thành công là 90%.
Trong khi đó, cách mổ nội soi sẽ không khoan xương mà dùng tia laser đốt vùng túi lệ và xương lệ, sau đó đặt ống thông. Thời gian thực hiện khoảng 10 phút và tỷ lệ thành công từ 80-90%. Trong trường hợp mổ đường ngoài thất bại hoặc bệnh tái phát, kỹ thuật dùng tia laser nội soi cũng dễ dàng thực hiện.
Người lớn bị viêm nhiễm viêm kết mạc lâu ngày gây tắc, nên điều trị cho hết; còn khi bị chảy nước mắt thường xuyên nên đến cơ sở chuyên khoa, bơm lệ đạo để được chẩn đoán.
Người già chảy nước mắt sống chưa hẳn viêm tuyến lệ
Nhiều cụ già 80-90 tuổi mắt kèm nhèm, hay chảy nước mắt sống có thể là bệnh lý tuổi già chứ không phải viêm tuyến lệ. Ở người lớn tuổi, da nhão, cơ yếu, cơ cung mi yếu không co bóp mạnh để tống được nước mắt xuống mũi nên chảy ra ngoài. Những ca này, người bệnh không cần phải điều trị, trừ vài trường hợp chỉ cần đặt ống silicon đơn giản để dẫn lưu nước mắt xuống vùng hầu họng.
|
Văn Thanh