Không khí tết bắt đầu rộn ràng ở thành phố “vùng xanh”

14/01/2022 - 06:38

PNO - Những ngày cuối năm âm lịch, TPHCM trở thành “vùng xanh” trong bảng màu cấp độ dịch. Điều này khiến không khí chuẩn bị đón tết rộn ràng hơn.

Khách vào chợ đông dần

Tại các chợ Bà Chiểu, Bến Thành, Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, không khí mua bán sôi động hơn so với tháng trước nhưng nhìn chung, lượng khách vào chợ vẫn chưa nhiều, sức mua vẫn chưa cao. Phần lớn tiểu thương cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, sức mua hiện nay giảm 70 - 80% và họ hy vọng sẽ tăng từ rằm tháng Chạp. 

Người dân TP.HCM mua sắm đồ trang trí tết - ẢNH: ĐỖ MINH
Người dân TPHCM mua sắm đồ trang trí tết - Ảnh: Đỗ Minh

Chị Yến - kinh doanh tạp hóa, hải sản khô ở chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh - cho biết, khách đến chợ đông hơn so với một tháng trước nhưng ít khách mua tôm, mực khô làm quà biếu như mọi năm, trị giá mỗi đơn hàng cũng giảm hơn. Chị Trương Thị Tuyết Trinh - Tổ phó ngành hàng ăn uống chợ Bến Thành, Q.1 - cũng cho hay, tình hình kinh doanh khả quan hơn nhưng sức mua vẫn chưa cao. Tiên lượng sức mua không bằng năm ngoái nên chị chuẩn bị lượng mứt tết chỉ bằng 50% so với năm ngoái. Phần lớn khách đến chợ mua hàng nhanh gọn rồi về chứ không nán lại trò chuyện, còn khách quen thì đặt mua qua điện thoại, yêu cầu giao hàng tận nhà. Các mặt hàng mứt dừa, mứt me, mãng cầu đều có giá ổn định, khoảng 250.000 đồng/kg. 

Kỳ vọng mùa kinh doanh tết khởi sắc, tiểu thương ngành hàng quần áo, giày dép, túi xách bày hàng hóa đầy bên hông chợ Hạnh Thông Tây, Q.Gò Vấp để khách tiện mua sắm. Lượng khách mua sắm quần áo bắt đầu tăng. Ông Đỗ Quốc Tiến - Phó ban Quản lý chợ Bình Thới, Q.11 - cho hay, lượng khách đến chợ đang tăng dần nhưng sức mua giảm 50% so với lúc chưa bùng dịch và giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện phần lớn tiểu thương đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 3 nhưng nhìn chung, khách vẫn ngại đến chợ, chỉ đến mua nhanh rồi về hoặc đặt mua qua điện thoại. Ông nói: “Ban quản lý đang phân lô để tạo điều kiện cho tiểu thương kinh doanh hàng tết và vận động các hộ bán đến đêm, giữ giá bình ổn để thu hút người dân mua sắm tết, bắt đầu từ giữa tháng Chạp”.

Theo bà Hai Cưng - bán rau và đặc sản Hội An ở chợ Bà Hoa, Q.Tân Bình - sau khi có thông tin TPHCM trở thành “vùng xanh”, lượng khách đến chợ đã đông hơn nhưng vẫn không đông bằng năm trước. Theo bà, hằng năm, khách mua sắm tết thường đông từ ngày 20 tháng Chạp trở đi. Với tình hình hiện nay, có lẽ tới ngày đó, sức mua sẽ tăng mạnh. Chị Kim Duyên - chủ sạp bánh kẹo mứt Kim Duyên, chợ Tân Định, Q.1 - thông tin, so với cách đây khoảng một tháng, lượng khách đến sạp đã tăng thêm khoảng 10%, là tín hiệu khả quan về sức mua lúc cận tết. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó ban Quản lý chợ An Đông, Q.5 - nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sức mua hàng hóa tết năm nay không thể bằng năm ngoái. Nhưng so với cách đây 1 - 2 tháng, mãi lực có tăng, nhất là ngành hàng bánh kẹo, thực phẩm khô, quần áo, giày dép. 

Hoa tết rời vườn lên phố

Sáng 13/1, ông Trần Đắc Hưng (H.Bình Chánh, TPHCM) mang một số chậu kiểng tết ra bày bán ở gần cầu Kênh Ngang số 1 trên đường Bến Bình Đông, Q.8. Ông Hưng cho biết, còn khoảng bốn ngày nữa (qua rằm tháng Chạp), hoa tết từ các nhà vườn miền Tây mới được chuyển đến TPHCM để bán ở chợ hoa “trên bến dưới thuyền” nhưng hôm nay ông ra bán sớm để giữ chỗ. 

Người của các nhà vườn trồng hoa ở H.Bình Chánh (TP.HCM) và tỉnh Long An rất vui mừng khi lượng hoa tết năm nay đã được các thương lái đặt mua gần hết
Người của các nhà vườn trồng hoa ở H.Bình Chánh (TPHCM) và tỉnh Long An rất vui mừng khi lượng hoa tết năm nay đã được các thương lái đặt mua gần hết

Cách đây một tháng, ông Hưng mang 5 triệu đồng đi đặt cọc nhà vườn trong tâm trạng đầy lo âu bởi lúc đó, ông vẫn chưa biết diễn biến dịch bệnh cuối năm thế nào, chợ hoa tết có được duy trì như mọi năm hay không. “Bây giờ TPHCM đã lên “vùng xanh”, tôi bớt lo rồi. Mấy hôm nay, tôi bán thử vài chậu kiểng nhỏ, thấy lượng khách đến mua cũng khá ổn. Qua rằm tháng Chạp, nhà vườn sẽ đưa ghe chở hoa lên đây bàn giao” - ông Hưng phấn khởi.

Gần trưa, vợ chồng anh Trần Văn Sỹ - quê ở H.Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - tranh thủ ghé ngang bến Bình Đông để khảo sát bến bãi trước khi chuyển hoa lên bán tết. Hiện tại, điểm bán hoa của anh Sỹ đang được các công nhân san lấp, làm vệ sinh. Anh Sỹ cho biết, đến đầu tháng 12/2021, dịch bệnh ở các tỉnh miền Tây vẫn còn rất phức tạp. Khi đó, nhiều nơi vẫn còn áp dụng quy định cách ly người đi từ địa phương này qua địa phương khác nên các nhà vườn rất lo lắng. May mắn là dịch bệnh đã được kiểm soát nên thương lái đã tìm đến các nhà vườn đặt cọc tiền để mua hoa bán tết.

Anh Sỹ cho hay: “Năm nào, tôi cũng bán phần lớn hoa, kiểng tết cho thương lái, chỉ giữ lại khoảng 200 chậu cúc, tắc mang lên TPHCM bán ở bến Bình Đông. Mấy ngày trước, vợ chồng tôi vẫn thấp thỏm lo âu vì không biết đi, về thế nào, có bị cách ly không. Nhưng bây giờ thì khỏe rồi, TPHCM là “vùng xanh”, từ đây về quê chỉ phải khai báo y tế chứ không phải cách ly. Dự kiến, ngày 16 tháng Chạp, tôi sẽ mang 200 chậu hoa và kiểng đến TPHCM”.

Anh Nguyễn Duy Phong - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phước Điền (tỉnh Long An) - chia sẻ, việc kiểm soát được dịch COVID-19 là một điều rất may mắn cho các chủ vườn và người kinh doanh hoa tết. Đến nay, lượng hoa tết được đặt cọc mua tại vườn và bán ra khá ổn định. Điều này hoàn toàn trái ngược với các dự báo trước đó.
Theo anh Phong, nhà vườn ở H.Bình Chánh và tỉnh Long An chủ yếu trồng dòng hoa lan dendro (dòng lan phổ thông). Hiện tại, dòng hoa lan này đã được các thương lái thu mua “cháy hàng” để chuẩn bị bán tết. Riêng các dòng lan cao cấp hơn như ngọc điểm, hồ điệp có sức mua chậm hơn nhưng vẫn không đến nổi ế ẩm. Đặc biệt, khi TPHCM trở thành “vùng xanh”, các tỉnh dần nới lỏng các quy định về di chuyển liên tỉnh nên sức mua ngày càng tăng.

“Năm nay, các cửa hàng hoa ở TPHCM đặt hàng sỉ hoa lan của Hợp tác xã Phước Điền với số lượng rất lớn. Từ khoảng cuối tháng 12, dòng lan dendro tại các nhà vườn đã được mua hết. Chúng tôi hy vọng từ đây đến tết, dịch bệnh được kiểm soát để các nhà vườn kinh doanh, mua bán kiếm vốn bù lại nhiều tháng dịch bệnh” - anh Phong bộc bạch.

Các điểm bán hoa, cây kiểng chưng tết trên các tuyến đường Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Lượng… (Q.Gò Vấp) cũng bắt đầu sôi động. Nhiều khách mua cây, hoa, đất, phân bón, chậu về tự trồng theo ý thích. Chị Mai - chủ cửa hàng cây cảnh Phong Vũ trên đường Nguyễn Văn Khối, Q.Gò Vấp - cho biết, chị vừa nhập vào hơn 30 chậu lan hồ điệp do khách quen đặt mua để làm quà tặng. Sức mua các loại hoa, cây cảnh khác vẫn đều đều, chưa tăng cao. Do không đánh giá được tình hình dịch bệnh nên chị nhập hoa, cây cảnh vào đủ bán, hết đến đâu nhập đến đó và giữ giá bán, không tăng. 

Chộn rộn ở những nơi từng là “tâm dịch”

Hai ngày qua, Ban Quản lý chung cư Ehome 3, P.An Lạc, Q.Bình Tân cùng các công nhân tất tả trang trí các khu tiểu cảnh để cư dân thưởng lãm dịp tết. Mấy tháng trước, chung cư Ehome 3 từng xuất hiện chuỗi lây nhiễm COVID-19 phức tạp nhất tại TPHCM. Sau nhiều tháng liền bị phong tỏa, từ ngày 1/10, người dân chung cư Ehome 3 bắt đầu cuộc sống “bình thường mới”.

Chị Nguyễn Thị Việt An - cư dân chung cư Ehome 3 - cho hay: “Hiện tại, hầu hết người dân ở chung cư đều đã tiêm hai mũi vắc xin và đang tiêm mũi bổ sung nên chúng tôi khá yên tâm. Những cành mai, câu đối đã thay thế cho những hàng rào, dây giăng cách đây ít tháng. Được đón một cái tết trong điều kiện như thế này đã là một điều quá hạnh phúc rồi”.

Nhóm bạn trẻ rủ nhau chụp ảnh tại một khu trang trí tết Nguyên đán Nhâm Dần trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM ẢNH: ĐỖ MINH
Nhóm bạn trẻ rủ nhau chụp ảnh tại một khu trang trí tết Nguyên đán Nhâm Dần trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TPHCM - Ảnh: Đỗ Minh

Những ngày này, xóm trọ công nhân ở ven chân cầu Bà Lát, xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh luôn rộn rã tiếng cười của các chị em công nhân. Chiều 12/1, chị Nguyễn Hà Việt My (quê Bình Định) chở túi quà tết do công đoàn công ty tặng về phòng trọ. Do có thành tích sản xuất trong năm, chị Việt My được công đoàn công ty tặng một giỏ quà tết và 1,5 triệu đồng. 

Hôm 3/1, vừa nhận được tiền thưởng tết, chị Việt My tranh thủ chạy ra nhà xe mua vé để kịp về quê ăn tết vào ngày 27 tháng Chạp. Hiện tại, hầu hết công nhân đã được nhận tiền thưởng tết đợt 1 nên sau giờ tan ca, mọi người thường tranh thủ ghé vào các khu chợ gần nhà mua sắm tết. Chị Việt My tâm sự: “Ban đầu, em dự định ở lại Sài Gòn ăn tết vì sợ về quê phải xét nghiệm, cách ly đủ thứ. Nhưng bây giờ, TPHCM đã là “vùng xanh”, mà người từ “vùng xanh” về thì không phải cách ly. Nói gì thì nói, năm nay khó khăn nhiều quá rồi, em cố gắng về quê với gia đình vài ngày rồi quay lại làm việc”.

Anh Nguyễn Minh Phương (quê Vĩnh Long) cho biết, khu anh đang trọ ở Q.Bình Tân từng được gọi là “xóm COVID-19” do có đến 14 F0. Khi mọi người trở lại làm việc bình thường, anh Phương vẫn loay hoay tìm việc làm do công ty đã giải thể từ trước đó. May mắn, anh Phương đã được đoàn thanh niên ở địa phương kết nối, giới thiệu cho một công việc với mức lương ổn định. Hôm nay, nhận lương tháng thứ hai với số tiền 8 triệu đồng, anh Phương quyết định trích gần 2 triệu đồng đi siêu thị mua quần áo cho em và quà bánh để chuẩn bị về quê thăm mẹ.

Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân - thông tin: “Ngay sau khi hết phong tỏa, chính quyền địa phương chỉ đạo tiêm phủ vắc xin. Nhờ vậy, từ một vùng có cấp độ dịch cao, nay Q.Bình Tân đã thành “vùng xanh”. Các đoàn thể cũng chú trọng công tác chăm lo an sinh xã hội, giới thiệu việc làm cho người dân. Những ngày cuối năm, UBND quận tiếp tục triển khai các hoạt động chăm lo để người dân đón một cái tết an lành, hạnh phúc”.

Tại khu vực “ngã ba cháo lòng” (P.14, Q.8), sau khi nghe tin TPHCM trở thành “vùng xanh”, tỉnh Quảng Ngãi bỏ quy định cách ly, xét nghiệm người từ TPHCM về quê, anh Nguyễn Tiến vội vàng mua vé xe về quê ăn tết. Người dân sống ở “ngã ba cháo lòng” hầu hết là người nhập cư, sống bằng nghề bán hủ tíu, cháo lòng. Tháng 7/2021, nơi đây là “vùng đỏ” về dịch COVID-19. Khi dịch COVID-19 ở TPHCM được kiểm soát, nhịp sống nơi đây hồi sinh. 

Anh Nguyễn Tiến phấn chấn: “Sau giãn cách, mỗi ngày, tôi kiếm được 200.000 đồng. Tới bây giờ, tôi đã trả xong tiền nợ nhà trọ, tiền vay mượn. Chỉ mong TPHCM giữ được “vùng xanh” lâu dài để bà con về quê ăn tết an toàn rồi còn quay trở lại mưu sinh”. 

Dịch vụ làm đẹp hồi sinh

Hoạt động của một số dịch vụ như làm tóc, chăm sóc da tại các spa cũng bắt đầu khởi sắc. Anh Thanh Sang - chủ Beauty Salon SuSu, đường Nguyễn Thiện Thuật, Q.3 - cho biết, so với cách đây một tháng, lượng khách đến cắt tóc, uốn tóc, nhuộm tóc đã tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, so với thời điểm này năm ngoái thì lượng khách chỉ bằng khoảng 50%. 

So với các dịch vụ khác, các spa được phép hoạt động lại khá trễ nhưng vẫn có lượng khách nhất định do nhiều người có nhu cầu chăm sóc da, thư giãn sau thời gian dài giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các spa đang hoạt động không có nguồn thu. Lý giải nghịch lý này, đại diện Zen Spa, Q.1 cho biết, sau thời gian giãn cách xã hội, đa phần khách nôn nóng đến spa để sử dụng các thẻ dịch vụ đã mua trước đó (đầu năm 2021), còn khách mới chủ yếu tìm kiếm những spa có khuyến mãi sâu để mua thẻ với số lượng lớn, để dành. 

“Hầu hết spa đang thiếu nhân viên do dịch bệnh ở các tỉnh đang diễn biến phức tạp. Bây giờ cũng cận tết Nguyên đán nên nhiều nhân viên muốn ở quê đến qua tết. Khách đến spa ngoài chăm sóc da thường ngâm chân, mát-xa, tẩy tế bào chết, dưỡng trắng toàn thân, triệt lông, nhưng do thiếu nhân viên nên các spa chỉ áp dụng một số dịch vụ cơ bản về chăm sóc da, dẫn đến mất khách” - đại diện Zen Spa thông tin. 

 Nhóm phóng viên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI