Không khí lạnh hợp lực cùng ô nhiễm đẩy nhiều người vào viện

19/01/2024 - 06:31

PNO - Khoảng 2 tuần nay, số người nhập viện do các triệu chứng về hô hấp tăng mạnh, nhiều nhất là người già, trẻ em. Ngoài nguyên nhân trời trở lạnh, tình trạng ô nhiễm không khí cũng “góp sức” đẩy nhiều người vào bệnh viện.

Nhiều người già thở rít, thở dốc

Sáng 17/1, dù đã 6g30, đại lộ Võ Văn Kiệt (quận Bình Tân, TPHCM) vẫn bị hạn chế tầm nhìn do lớp sương mù vẫn dày đặc. Lúc này, trời se lạnh nhưng nhiều người vẫn cảm thấy ngột ngạt, khó chịu khi chạy xe trên đường.

Sau 7g, đường Võ Văn Kiệt vẫn mù mịt, âm u - Ảnh: Tam Nguyên (chụp sáng 29/12/2023)
Sau 7g, đường Võ Văn Kiệt vẫn mù mịt, âm u - Ảnh: Tam Nguyên (chụp sáng 29/12/2023)

Chị Nguyễn Thị Phương Huyền (phường An Lạc, quận Bình Tân) cho biết, mỗi sáng sớm, chị đều chở con trai từ nhà qua quận 1. Từ đầu tháng 12/2023 đến nay, mỗi khi ra đường sớm, chị đều cảm thấy ngột ngạt. Con trai chị cũng bị ho, sổ mũi cả tuần nay chưa khỏi. Chị nghi ngờ lớp “sương mù” trên đường cũng như cảm giác ngột ngạt, mệt mỏi là do ô nhiễm không khí gây ra.

Ông Lê Đình Quyết - Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết, những ngày qua, không khí lạnh tăng cường khuếch tán sâu về phía nam, kết hợp với áp cao cận nhiệt đới tạo nên kiểu trời ít mây về đêm, khiến cho phát xạ nhiệt diễn ra khá mạnh mẽ. Nam Bộ đã có đợt giảm nhiệt, tạo nên tiết trời se lạnh về khuya và sáng sớm. Một số nơi như Tà Lài (tỉnh Đồng Nai) có nhiệt độ dưới 19 độ C suốt từ ngày 12/1 đến nay. 

Bác sĩ Phùng Thảo My (Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất) hướng dẫn một bệnh nhân cao tuổi cách phun khí dung để kiểm soát cơn khó thở - Ảnh: Thanh Huyền
Bác sĩ Phùng Thảo My (Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất) hướng dẫn một bệnh nhân cao tuổi cách phun khí dung để kiểm soát cơn khó thở - Ảnh: Thanh Huyền

Theo ông, trong một số ngày, ở miền Nam, trời mịt mù như có lớp sương mù làm giảm tầm nhìn ngang, xuất hiện vào sáng sớm, thậm chí tới gần trưa. Đây thực chất là lớp mù được hình thành khi nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm không khí cao, gió nhẹ, gần giống như cơ chế hình thành lớp mây ở tầng thấp. Hiện tượng mù này được dự báo sẽ kéo dài qua tết Nguyên đán. Với nhiều hoạt động như: giao thông, sản xuất, xây dựng, dịch vụ, trong lớp khí quyển trong và quanh TPHCM chắc chắn có chứa các chất ô nhiễm, nhưng cần có cơ quan chuyên môn đo đạc, phân tích để xác định mức độ ô nhiễm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 30% các trường hợp bệnh nhân ung thư phổi tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, khoảng 40 - 45% các trường hợp tử vong do các bệnh lý đường hô hấp được cho rằng có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Theo kết quả công bố của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, qua quan trắc chất lượng không khí tháng 12/2023, nồng độ bụi mịn trong không khí ở TPHCM vượt chuẩn trong nhiều tuần liền.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thế Hoàng - Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) - cho biết, từ đầu tháng 1/2024 đến nay, số bệnh nhân tới chuyên khoa hô hấp khám tăng hơn bình thường khoảng 20%, chủ yếu là người cao tuổi với triệu chứng ho có đàm, khò khè, khó thở và sốt. Chiếm 1/4 số ca bệnh hô hấp nội trú của bệnh viện là do ô nhiễm không khí. Hiện nay, khoa đang điều trị cho 5 bệnh nhân rất nặng, phải thở ô xy. Cả 5 người này đều hít phải không khí bị ô nhiễm, chẳng hạn nhà họ đang xây sửa hoặc sống cạnh công trường đang thi công, hoặc đi tập thể dục lúc tinh mơ.

Bệnh nhi khám, điều trị bệnh hô hấp tại một phòng khám ở quận Bình Tân, TPHCM - Ảnh: Hoàng Lâm
Bệnh nhi khám, điều trị bệnh hô hấp tại một phòng khám ở quận Bình Tân, TPHCM - Ảnh: Hoàng Lâm

Một trong số đó là ông Đ.M.T. - 79 tuổi, ở quận Tân Phú, TPHCM. Gia đình ông đang sơn sửa lại nhà cửa để chuẩn bị đón tết Nguyên đán. Do hít phải bụi sơn, cách đây 1 tuần, ông bị sổ mũi, tự mua thuốc uống nhưng bệnh không thuyên giảm. Đêm 15/1, ông T. lên cơn khò khè, thở rít, thở dốc nên được người thân đưa vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Bệnh nhân được cho thở ô xy, dùng thuốc giãn phế quản, long đàm, kháng sinh và kháng viêm, mới cải thiện được việc hít, thở.

Trường hợp khác là bà B.T.L. - 62 tuổi, ở quận Bình Tân. Cách đây 3 ngày, bà L. bắt đầu có dấu hiệu khò khè, thở rít, ho kèm đàm trắng. Bà đã đi khám và điều trị ngoại trú bằng thuốc nhưng bệnh tình không giảm mà còn trở nặng. Ngày 16/1, bác sĩ yêu cầu bà nhập viện, cho thở ô xy, dùng kháng sinh, thuốc giãn phế quản. Bà cho hay, sáng nào cũng dậy từ 5g để đi bộ tập thể dục. Khoảng 1 tuần nay, thấy trời âm u, bà cứ nghĩ do sương sớm chưa kịp tan. 

Số trẻ mắc bệnh hô hấp tăng

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân - Trưởng đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, trong 1 tuần qua, số trẻ tới khám do các bệnh lý đường hô hấp tăng khoảng 30% so với thông thường, số trẻ phải nhập viện điều trị bệnh về đường hô hấp cũng tăng khoảng 20%. Theo ông, nguyên nhân chính là do ô nhiễm không khí, bụi mịn, sa mù. Bên cạnh đó, cuối năm, các gia đình thường dọn dẹp, tân trang nhà cửa, có thể phát tán bụi vào không khí. Hệ miễn dịch của trẻ em chưa phát triển đầy đủ nên khi hít phải bụi bặm thì rất dễ nhiễm bệnh.

Những ngày qua, theo kết quả quan trắc, nồng độ bụi mịn trong không khí ở TPHCM liên tục vượt chuẩn - Ảnh: Tam Nguyên (chụp ở đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 5) vào ngày 29/12/2023)
Những ngày qua, theo kết quả quan trắc, nồng độ bụi mịn trong không khí ở TPHCM liên tục vượt chuẩn - Ảnh: Tam Nguyên (chụp ở đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 5) vào ngày 29/12/2023)

Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đang điều trị cho 1 ca rất nặng là bé trai tên Đ.V.Đ - 15 tháng tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM, được chẩn đoán viêm tiểu phế quản do vi rút đường hô hấp hợp bào. Mẹ bé kể, trước đó, bé rất ít khi ốm vặt. Khoảng 10 ngày nay, khi được mẹ chở bằng xe máy trên xa lộ Hà Nội để vào nhà trẻ, bé bắt đầu sổ mũi, ho, khó thở.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Luân, bụi mịn làm hệ thống lông mao trong đường hô hấp của bé kết dính lại, giảm khả năng nhu động, từ đó không đẩy được các tác nhân gây bệnh ra ngoài theo phản xạ tự nhiên của cơ thể. Lúc này, người bệnh rất dễ bị các tác nhân gây bệnh như siêu vi gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Bệnh nhân còn có thể bội nhiễm vi khuẩn khiến tình trạng thêm nặng nề. 

Các nhà trẻ, trường mẫu giáo, tiểu học có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong 3 ngày liên tục; nếu buộc phải đi học thì cần tránh các hoạt động ngoài trời hoặc điều chỉnh thời gian học cho phù hợp. (Theo Cục Quản lý môi trường y tế)

Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu các sở y tế, cơ sở y tế tăng cường khuyến cáo cộng đồng về tác hại của ô nhiễm không khí và tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe. Theo công văn, thời gian qua, đã xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí ở một số thành phố, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Cục Quản lý môi trường y tế đề nghị người dân đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo đúng quy cách khi ra khỏi nhà; thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống (nên sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm vệ sinh); trồng cây xanh giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. 

Cũng theo Cục Quản lý môi trường y tế, nếu phải tham gia giao thông, người dân nên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào những lúc không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là khi nhà ở gần đường giao thông hoặc khu vực bị ô nhiễm không khí.

Người dân cũng cần vệ sinh mũi, súc họng vào buổi sáng, buổi tối bằng nước muối sinh lý, rửa mắt bằng nước muối sinh lý sau khi ra đường. Vào các ngày có chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại, người dân cần tránh các hoạt động ngoài trời, nên chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc dời sang ngày khác, khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn. 

Ô nhiễm không khí ở TPHCM do khí thải giao thông và xây dựng

Ông Trần Nguyên Hiền - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho biết, theo kết quả quan trắc và các nghiên cứu có liên quan qua nhiều năm đều ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí môi trường tại TPHCM chủ yếu liên quan đến bụi, có thời điểm nồng độ ô nhiễm cả bụi bẩn và bụi mịn PM10, PM2.5 vượt ngưỡng cho phép. 

Ông nhìn nhận, ô nhiễm bụi là tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Trong tháng 12/2023, kết quả quan trắc cho thấy có 9,38% mẫu đo bụi bẩn vượt chuẩn tập trung ở 3 nút giao thông là Cát Lái, An Phú, Lê Đại Hành. Về bụi mịn PM2.5 có 4,44% mẫu đo bụi bẩn vượt chuẩn tập trung ở 2 nút giao thông Cát Lái và Bà Quẹo. Đa số kết quả vượt quy chuẩn được quan trắc vào lúc 7g30 đến 8g30, là thời điểm mật độ lưu thông phương tiện cao. 

Nguyên nhân ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi thời điểm cuối năm bên cạnh nguyên nhân chính là do hoạt động giao thông gia tăng thì một phần nhỏ là ô nhiễm xây dựng do tác động của việc chở vật liệu xây dựng.

“Để giảm ô nhiễm trong thời gian vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã tăng cường thực hiện quan trắc, theo dõi chất lượng môi trường không khí, ngăn ngừa kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ô nhiễm không khí, tăng cường công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí thông qua các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết” - ông Trần Nguyên Hiền thông tin. 

Tú Ngân

Nhiều nước đóng cửa trường học, hạn chế giao thông do ô nhiễm không khí

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 92% dân số đang sống trong bầu không khí ô nhiễm. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người và môi trường tự nhiên.

Tháng 11/2023, trường học tại một số khu vực ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ được yêu cầu đóng cửa 2 ngày vì AQI rơi xuống mức nghiêm trọng. Hầu hết công trình xây dựng trong khu vực cũng bị đình chỉ. Chính quyền tuyên bố trong tuần tới sẽ hạn chế hoạt động xây dựng và việc sử dụng phương tiện giao thông, giúp làm giảm mức độ ô nhiễm đang gia tăng. 

Tại Pakistan, theo khuyến cáo của cơ quan y tế, chính quyền tỉnh Punjab (tỉnh đông dân nhất Pakistan) quyết định đóng cửa trường học và khu chợ tại các thành phố lớn của tỉnh có dân số hơn 110 triệu người trong 3 ngày giữa tháng 11/2023 để bảo vệ sức khỏe con người do không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng với khói mù dày đặc.

Theo chỉ thị của chính quyền tỉnh, trừ các cơ sở ưu tiên như hiệu thuốc, bệnh viện và tòa án, tất cả trường học, văn phòng, nhà hàng và cơ sở kinh doanh đều phải đóng cửa để hạn chế người dân ra đường.

Cuối năm 2023, tổ chức tư vấn phi chính phủ Carbon Tracker có trụ sở tại London (Anh) cho biết trong bối cảnh Trung Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ siết chặt các quy định, buộc người dân chuyển sang sử dụng xe điện, các nhà sản xuất ô tô chỉ có thể dựa vào những nước thiếu mạnh tay, hoặc thậm chí không có các mục tiêu khử carbon, để tiêu thụ xe công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường.

Úc cùng với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, đang được cảnh báo rằng nếu chậm trễ trong việc chuyển đổi sang ô tô điện thì có thể trở thành nơi trú ngụ của các loại ô tô gây ô nhiễm môi trường. 

Thanh Hằng 

Thanh Huyền - Hoàng Lâm

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI