Tranh luận chuyện đọc sách thời nay:

Không ít người đọc sách cho... sang

05/09/2024 - 15:42

PNO - Việc đọc sách hay không chẳng quyết định nhân cách con người. Những trường hợp tôi từng gặp trong đời đã chứng minh cho nhận xét ấy.

Trong khi đó có người xem đọc sách như một thứ nữ trang để trở nên... sang cả (ảnh minh họa)
Có người xem việc đọc sách như một thứ trang sức để trở nên... sang cả (ảnh minh họa)

Mẹ chồng tôi chưa từng đọc cuốn sách nào. Sống trong thời đất nước chiến tranh, loạn lạc, kiếm ăn đã khó, nói gì đến chuyện đọc sách. Nhưng nhìn cách sống, cách cư xử khéo léo của bà thì chẳng ai chê trách được. Bà chẳng bao giờ làm mếch lòng ai. Có chuyện gì không vừa ý, bà gọi riêng từng người, nhỏ nhẹ nhắc nhở để họ không bị tổn thương.

Bà không thích chuyện người này nói xấu người kia để giữ hòa khí giữa đám dâu rể, con cái trong nhà và luôn tinh tế trong từng tiểu tiết. Ví dụ nhỏ như lần tôi ở xa về dự thôi nôi đứa cháu trong nhà, biết tôi có con nhỏ bận rộn lại hay quên, bà mua sẵn bịch sữa, bánh, trái cây để tôi chỉ việc xách đi làm quà. Bà còn nói trước mặt mọi người đó là quà của tôi để tôi đỡ khó xử.

Lần chồng tôi nằm viện, bà gửi lên một số tiền phụ tôi thuốc thang và nói đó là tiền cô út (em chồng tôi) gửi biếu. Tôi thừa biết cô út khó khăn nên bà gửi thay cô và nói đỡ vậy thôi. Dù nhất định không nhận nhưng tôi vẫn cảm kích tấm lòng và sự tinh tế của bà.

Dù đã rời công ty cũ khá lâu nhưng tôi vẫn nhớ vị sếp cũ. Anh từng nói rằng anh chẳng bao giờ đọc sách vì quá bận rộn. Cuộc sống của một đứa trẻ sớm mồ côi mẹ từ nhỏ khiến anh luôn bươn chải đủ mọi cách để lo cho gia đình nên đọc sách với anh là thói quen xa xỉ. Nhưng tôi lại nể phục anh ở cách sống, cách cư xử và tác phong làm việc. Anh luôn tận tâm hướng dẫn và sẵn sàng giúp đỡ cấp dưới khi cần thiết, tính anh rất hoà đồng với đồng nghiệp và luôn được sự tín nhiệm của cấp trên. Vậy nhưng anh chẳng bao giờ tỏ vẻ mình là sếp lớn hay tài giỏi hơn người, dù kiến thức của anh thuộc loại có một không hai trong số những người tôi từng biết.

Trong một hội nhóm chuyên đề nọ mà tôi là thành viên, có một vị chức vụ khá oách, nhưng ai cũng ngại tiếp xúc với ông vì thói hợm hĩnh, khoác lác và hay khoe mẽ. Một trong những chủ đề hay được ông đem ra khoe là số sách ông từng đọc và những chức vụ ông từng kinh qua. Ông hay nhắc những tên sách nổi tiếng, sách best-seller ông từng đọc. Chưa hết, ông hay hỏi người đối diện đọc sách gì, tác giả nào và thường tỏ vẻ coi thường nếu người kia trả lời không (hay ít) đọc sách. Chỉ đến khi xì ra vụ ông tòm tem với mấy phụ nữ trong nhóm ấy mọi người mới nhận ra bộ mặt "trí thức dỏm" của ông.

Ba tôi trước là một "con mọt sách" chính hiệu, nhưng từ khi lớn tuổi, mắt kém, ông chuyển sang nghe podcast trên mạng nên dù không đọc sách (in), ông vẫn tỏ tường chuyện kinh tế, chính trị, xã hội đông tây kim cổ trong lẫn ngoài nước.

Một cô bạn tôi kinh doanh thực phẩm online. Bạn bận rộn suốt ngày với việc nấu nướng trong bếp nên làm gì có thời gian đọc sách in. Bù lại, bạn hay tranh thủ nghe podcast trong lúc làm việc, vừa tiện lợi, vừa đỡ phí thời gian lại được cập nhật kiến thức, một công đôi việc.

Xã hội hiện đại với xu hướng giải trí số lên ngôi (bao gồm cả xu hướng đọc) nên cứ đánh giá "trình độ" tri thức của ai đó dựa trên số đầu sách (in) đã đọc khi công nghệ đã tiến tới sách điện tử, sách nói là một hành động lỗi thời.

Chưa kể sách in chỉ giới hạn trong một số đề tài như văn chương, khoa học, nghiên cứu, chính trị... thì sách nói, sách điện tử bao gồm tất cả mọi lĩnh vực. Thay vì bỏ tiền mua sách in về đọc, số đông bây giờ thích đọc thông tin trên mạng xã hội, sách điện tử (ebook) hoặc nghe podcast miễn phí trên mạng, vừa đa dạng, lại thêm hình ảnh, âm thanh minh hoạ sống động chẳng phải là một lựa chọn tiện lợi, kinh tế và hợp xu thế hơn sao?

Trong khi giá trị kiến thức từ sách giấy, sách điện tử, sách nói là như nhau, người xem sách là công cụ bổ sung tri thức xem việc đọc sách là bình thường thì cách người ta quan trọng hoá vấn đề, đánh giá thấp câu phát biểu "vạ miệng" của cô hoa hậu nọ có phải là kiểu ra vẻ, trưởng giả học làm sang không?

Chợt nhớ lần tôi đi nuôi người thân ở bệnh viện Mỹ, một nhân viên xã hội của bệnh viện đẩy một xe sách ngang qua phòng chúng tôi và gõ cửa hỏi chúng tôi có muốn đọc sách không, bà còn nói thêm "sách này miễn phí". Ở một đất nước hiện đại hàng đầu thế giới, việc tiếp cận tri thức bằng các phương tiện kỹ thuật số không phải là gì ghê gớm. Họ chỉ nhắc người ta đọc sách một cách tự nhiên để giết thời gian trong lúc rảnh rỗi, chứ không hề câu nệ về cách đọc hay hình thức đọc.

Nhân viên bệnh viện đẩy xe sách miễn phí tới từng phòng cho những ai có nhu cầu đọc mượn sách (ảnh: tác giả cung cấp)
Nhân viên bệnh viện đẩy xe sách miễn phí tới từng phòng cho những ai có nhu cầu đọc mượn sách (ảnh: tác giả cung cấp)

Có một sự thật là những người đọc sách nhiều thật sự ít khi "làm màu" nhưng cũng có những người xem việc đọc sách như trang sức để làm mình trở nên... sang cả. Câu ngạn ngữ Anh "Hãy cho tôi biết bạn đọc sách gì, tôi sẽ cho biết bạn là người thế nào" liệu có thể cải biên thành "Hãy cho biết cách bạn đọc sách, tôi sẽ cho biết bạn là người thế nào" chăng?

Nguyễn Yến Nhi

Ý kiến của bạn về việc đọc sách và văn hoá đọc trong sống ra sao, xin chia sẻ cùng chúng tôi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn

Các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của toà soạn.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Mthien 12-09-2024 08:15:28

    Bài viết hình như có ý thiên về một khía cạnh là bàn luận k đọc sách thì chạy theo xu hướng thời đại cũng rất tốt. Chê bai tính cách con người thì rất đúng vì mõi người tâm tính khác nhau, nhưng thật sự thì sách thật sự có chứa đựng tri thức và giá trị. Mình là người k xu hướng bên nào hây chê bai bên nào, mọi giá trị tri thức bạn có thể thu gom bất kỳ hình thức nào, và bài viết chỉ mang một khía cạnh chỉ bàn luận quan điểm riêng chưa sâu sắt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI